Ngân hàng NCB vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với mức lỗ đến 203,2 tỷ đồng |
Điểm danh ngân hàng báo lợi nhuận giảm mạnh trong quý IV/2021
Một số ngân hàng vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021, với lợi nhuận trước thuế trong quý giảm so với cùng kỳ, thậm chí có ngân hàng ghi nhận khoản lỗ lên đến hơn 200 tỷ đồng.
Cụ thể, Ngân hàng NCB vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2021 với mức lỗ đến 203,2 tỷ đồng. Nguyên nhân là thu nhập lãi thuần, nguồn thu chính của ngân hàng, sụt giảm tới 71,6% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 171 tỷ đồng. Trong khi quý III/2021, thu nhập lãi thuần vẫn tăng 30,9%, mang về 1.088 tỷ đồng. Cả năm 2021, NCB chỉ lãi 2,3 tỷ đồng, mặc dù lợi nhuận luỹ kế 9 tháng đạt hơn 205 tỷ đồng. Như vậy, tổng lợi nhuận của 3 quý đầu năm không thể bù đắp khoản lỗ quý IV. Kết quả, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của Ngân hàng ghi nhận mức giảm 38,2% so với năm 2020.
Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế quý IV/2021 của ABBank giảm 21% so với cùng kỳ, chỉ ghi nhận gần 360 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà băng ghi nhận lãi trước và sau thuế năm 2021 gần 1.959 tỷ đồng và gần 1.560 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và 39% so với năm 2020.
Tương tự, lợi nhuận trước thuế trong quý VI/2021 của PGBank giảm 29,2% so với cùng kỳ, do chi phí dự phòng rủi ro của Ngân hàng tăng đáng kể 235% trong thời gian này. Nhưng tính chung cả năm qua, chi phí dự phòng rủi ro của PGBank giảm 38% xuống mức 175 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng của Ngân hàng giảm 1,5%, xuống còn 617 tỷ đồng. Vì thế, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của PGBank giảm từ 2,44% xuống 2,24%. Tuy nhiên, nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) của ngân hàng này tăng 23%, lên 707 tỷ đồng.
Mạnh tay trích dự phòng rủi ro nợ xấu
Sở dĩ lợi nhuận quý cuối năm qua của ABBank sụt giảm mạnh do ngân hàng này tăng chi phí dự phòng rủi ro, khi trích 281 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ. Tính chung cả năm 2021, ABBank dành ra gần 687 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 34% so với năm trước đó. Đến cuối 2021, tổng nợ xấu của ABBank tăng 7% so với đầu năm, chiếm 1.423 tỷ đồng trong tổng dư nợ.
Với NCB, lợi nhuận giảm mạnh trong quý IV và cả năm 2021, do đến cuối năm qua, số dư nợ xấu của ngân hàng này tăng tới 105,2%, lên 1.249 tỷ đồng, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,51% cuối năm trước lên 3%. Đáng chú ý, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) tăng lên gấp 5,4 lần và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 3) tăng gần 9 lần so với con số cuối năm 2020. Do đó, ngân hàng này đã phải tăng gấp 10 lần chi phí trích lập dự phòng riêng trong quý IV/2021 và gấp 5 lần trong cả năm 2021 so với cùng kỳ. Điều này đã tác động không nhỏ đến khoản lỗ của NCB trong quý cuối cùng của năm 2021.
Trong quý cuối năm 2021, BacA Bank đã mạnh tay nâng chi phí trích lập dự phòng trong kỳ lên 193 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, vì tổng nợ xấu của BacA Bank tăng 4% so với đầu năm, chiếm hơn 655 tỷ đồng trong tổng dư nợ năm qua.
Tương tự, Ngân hàng Bản Việt cho hay, kết quả quý cuối năm 2021 lỗ 74 tỷ đồng chủ yếu do tác động bất lợi của dịch Covid-19, ngân hàng thực hiện chính sách miễn giảm lãi, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí... cho khách hàng. Qua báo cáo tái chính quý IV/2021 cho thấy, chi phí hoạt động tăng 33,9% và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 33,6%, có giá trị lên đến 474 tỷ đồng, đã góp phần khiến ngân hàng này phải chịu khoản lỗ trước thuế trong quý IV.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, khối tư nhân nhiều khả năng phục hồi lợi nhuận trong quý II và III/2022. Trong khi đó, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ có tốc độ tăng trưởng phân hóa và độ biến động lớn theo quý. Cụ thể, nhóm ngân hàng thương mại tư nhân lớn sẽ có tốc độ và chất lượng tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn nhóm ngân hàng nhỏ. Các yếu tố hỗ trợ bao gồm chia cổ tức, phát hành riêng lẻ, tăng vốn, nới mức trần sở hữu nước ngoài, nhưng vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng quy mô vừa trở lên.