Đầu tư
Luật Đầu tư công: Làm rõ thẩm quyền phê duyệt dự án
Hồng Sơn - Thanh Vũ - 27/02/2014 15:39
Dự thảo Luật Đầu tư công cần làm rõ thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư công. Bịt lỗ hổng trong đầu tư công

Đó là ý kiến của đa số các đại biểu tại “Hội nghị thảo luận các nội dung hoàn thiện Dự án Luật Đầu tư công” do Bộ Kế hoạch và Đầu tưphối hợp với Ủy ban kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng nay (27/2), tại TP.HCM.

TS. Bùi Hà, Vụ Trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Theo TS. Bùi Hà, Vụ Trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Dự án Luật Đầu tư công đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII tháng 10 năm 2013 và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào tháng 5 tới.

“Tại các cuộc họp ở Tổ và ở Hội trường tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí Quốc hội cần sớm ban hành Dự án Luật này để tạo khuôn khổ pháp lý, nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư công, chống thất thoát, lãng phí. Về kết cấu, nội dung dự thảo Luật cơ bản nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu Quốc hội”, TS. Bùi Hà nói.

Tuy nhiên, tại Hội nghị, các đại biểu chia sẻ thêm nhiều quan điểm về Dự án Luật Đầu tư công. Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại Biểu Quốc hội Cần Thơ cho rằng, Dự thảo Luật cần rõ hơn nữa, làm sao quản lý thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Bởi nếu không thì thanh tra, kiểm tra rất khó.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó chủ tịch HĐND tỉnh An Giang nêu vấn đề, Luật Đầu tư công có nên giao cho HĐND cấp tỉnh xác định dự án trọng điểm nhóm B của địa phương mình không?

Bởi khoản 5, Điều 17, của dự thảo Luật Đầu tư công có nêu rõ: “Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án trọng điểm nhóm B của địa phương đầu tư toàn bộ bằng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vốn đầu tư, nhưng không đưa vào cân đối ngân sách địa phương thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân các cấp. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định các tiêu chí chương trình, dự án trọng điểm của địa phương”.

Theo ông Khánh, chủ trương đầu tư dự án trọng điểm nhóm B nên để cho Chính phủ quyết định để tránh trường hợp HĐND “lấn sân” sang cả công việc của UBND, dẫn tới tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. “Đây là vấn đề mới, cần phải nghiên cứu lại kỹ”, ông Nguyễn Quốc Khánh nói.

Ông Trương Văn Vở, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại Biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, dự án Luật Đầu tư công đã khá chặt chẽ, tuy nhiên, cần thống nhất một số khái niệm: thế nào là kém hiệu quả. Ví dụ, thủy điện hiệu quả về mặt kinh tế thì có, nhưng hiệu quả xã hội thì phải bàn lại. Vậy thế nào là hiệu quả vừa kinh tế, vừa xã hội. Rồi về hình thức công tư (PPP), kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nếu không xác định nguồn vốn tối thiểu 30% thì các nhà đầu tư công trình hạ tầng sẽ không tham gia.

Theo ông Vở, Dự thảo Luật Đầu tư công có nội dung quan trọng nhất là chương II, quy định chủ trương đầu tư và thẩm quyền lập dự án là rất quan trọng. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu, nhất là đại biểu Hội đồng nhân dân quan tâm. Điều này đòi hỏi dự án Luật cần nêu rõ tiêu chí các dự án. Dự án Luật đã nêu rõ tiêu chí các nhóm dự án. Tuy nhiên, tiêu chí công trình trọng điểm là như thế nào, để Trung ương, địa phương xem xét quyết định.

“Hiện nay phát triển kinh tế theo vùng kinh tế. Vậy nên gắn dự án, công trình trọng điểm với tiêu chí vùng. Nếu không tính yếu tố vùng thì đầu tư không những dàn trải mà lãng phí. Ví dụ, địa phương nhà nhà làm khu công nghiệp, trong khi lợi thế từng địa phương lại khác nhau. Nếu không tính yếu tố liên vùng, vô hình trung, đầu tư công sẽ rơi vào lãng phí”, ông Vở nói.

Cũng theo ông Trương Văn Vở, Chương 2 của Dự thảo Luật Đầu tư công nêu căn cứ lập, thẩm định dự án, cần xác định rõ lại căn cứ tính dự án trung hạn. Cần căn cứ trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế từng địa phương và quy hoạch phát triển kinh tế mang tính vùng, gắn với kế hoạch 5 năm. Từ đó mới tránh được đầu tư dàn trải, lãng phí mà cử tri rất bức xúc.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cần làm rõ trách nhiệm đầu tư công nào là của cơ quan, trách nhiệm nào của cá nhân. Phần cuối, khoản 2, Điều 81 có nêu nhưng chưa rõ, trách nhiệm cá nhân thẩm định; trách nhiệm người ra quyết định… nếu không, khi xảy ra vụ việc liên quan đến đầu tư công thì không biết xác định trách nhiệm thuộc về ai.

Bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cũng nêu quan điểm, Chương 2 của dự án Luật Đầu tư công chưa rõ ở việc phân cấp quản lý. Cụ thể, tại Điều 17 của chương 2 có ghi ra 2 mức phân cấp. Vấn đề đặt ra là, nếu như công trình nhóm A, nhóm B mà nguồn vốn ngân sách không phải do địa phương mà nguồn vốn do Trung ương, thì khi phê duyệt liệu có phải thông qua Hội đồng nhân dân địa phương hay không, cái này chưa nêu rõ.

Giải đáp các ý kiến của nhiều đại biểu về thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, Thủ tướng đã phân cấp cho các địa phương quyết định phê duyệt dự án, Thủ tướng chỉ phê duyệt chủ trương có đúng hay không. Bộ trưởng nêu ví dụ, một địa phương làm công trình đê sử dụng ngân sách 1.000 tỷ đồng thì quyết định là do Thủ tướng quyết định. Nhưng công trình Nhóm A vẫn là Chủ tịch tỉnh là người quyết định phê duyệt. Thủ tướng chỉ phê duyệt chủ trương công trình đó có cần thiết hay không.

“Đã lâu rồi chúng ta mong muốn có luật Đầu tư công để có chế tài, để hoạt động đầu tư công ngày càng hiệu quả hơn, đặc biệt trong tình hình nguồn lực chúng ta không có nhiều”, Bộ trưởng nói và cho biết để có 1 Luật Đầu tư công hoàn chỉnh, có đủ các thông tin nhiều phía, vừa qua, Ban Soạn thảo đã lấy ý kiến Đại biểu Quốc hội ở miền Trung, Tây Nguyên.

Sau khi khi tổ chức Hội nghị để tiếp thu, lấy ý kiến các đại biểu tại khu vực miền Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long, dự kiến đến cuối tháng 3/2014, Ban Soạn thảo sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị lần 3 tại Hà Nội để hoàn chỉnh Dự thảo Luật Đầu tư công trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội vào tháng 5 tới.

Kết luận Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá cao các ý kiến đóng góp và cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn chỉnh Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét.

“Dự thảo Luật Đầu tư công có những nội dung đổi mới rất lớn, nhất là thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư; đổi mới mạnh mẽ công tác lập kế hoạch đầu tư, chuyển từ việc lập kế hoạch ngắn hạn, hàng năm sang kế hoạch trung hạn 5 năm... nhằm khắc phục tình trạng dàn trải, lãng phí và tham nhũng trong hoạt động đầu tư công”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Ý kiến - nhận định

Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM:

Hàng năm, các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM rà soát các dự án, sau đó chúng tôi tổng hợp báo cáo UBND trình HĐND Thành phố phê duyệt toàn bộ danh mục các dự án cần đầu tư.

Thực tế thì nguồn vốn HĐND Thành phố phê duyệt có khi chỉ 7 - 8 nghìn tỷ/năm, nhưng các nguồn vốn phát sinh trong năm của Thành phố có khi lên tới 20 nghìn tỷ đồng, căn cứ theo danh mục dự án đã phê duyệt, cấp thẩm quyền triển khai các bước đầu tư, HĐND chỉ thực hiện quyền giám sát.

Từ thực tế của TP.HCM, theo tôi, trong Dự thảo không cần thiết phải có dự án trọng điểm trình HĐND cấp tỉnh phê duyệt, bởi mỗi vùng, mỗi địa phương lại có những đặc thù khác nhau nên chỉ cần HĐND phê duyệt danh mục các dự án cần đầu tư…

Bà Võ Thị Hồng Thoại, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu:

Khoản 2, Điều 14 trong Dự thảo đã nói tới vấn đề công khai minh bạch.

Tuy nhiên, theo tôi, vấn để công khai minh bạch cần thiết phải nêu rõ ngay từ phần giải thích từ ngữ.

Trong nội dung cũng cần nêu rõ mức độ và hình thức của công khai minh bạch, theo hướng tổ chức, cá nhân quản lý các dự án đầu tư công phải công khai các thông tin cho các tổ chức, cá nhân có yêu cầu tìm hiểu (trừ những dự án về an ninh, quốc phòng hoặc có quy định riêng).

Ông Nguyễn Tầm Dương, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Bình Dương:

Theo quy định hiện hành, khi lập dự án, trong phần báo cáo đánh giá tác động môi trường có nội dung giám sát cộng đồng.

Tuy nhiên, trong thực tế ở cơ sở, nội dung này mang tính hình thức nhiều hơn, khi chỉ có chữ ký của đại diện mặt trận tổ quốc của địa phương, nên chưa thực sự đại diện cho tiếng nói của người dân.

Trong dự thảo, tại điều 73 cũng nói đến nội dung giám sát cộng đồng, nhưng theo tôi cần xây dựng đầy đủ trình tự, các bước giám sát, cơ chế giám sát… để có sự tham gia và giám sát rộng rãi của người dân.

Tin liên quan
Tin khác