Diễn đàn M&A doanh nghiệp Việt Nam lần thứ 12 được tổ chức tại TP.HCM hôm qua (24/11).
Thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh với hàng ngàn giao dịch, đạt tổng giá trị gần 50 tỷ USD trong hơn một thập kỷ qua. |
Đây là con số rất ý nghĩa, bởi dù Diễn đàn diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, khi cả thế giới và Việt Nam vừa phải chống chọi với Covid-19, vừa phải thích nghi với những thay đổi mới có thể tác động làm thay đổi cơ bản những mô hình đã tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng số lượng người tham gia không hề giảm.
Thực tế, M&A đã trở thành kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút các nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, đa dạng hóa hình thức sở hữu doanh nghiệp... Đặc biệt, M&A là con đường ngắn nhất giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể thâm nhập thị trường mới, lĩnh vực mới, mở rộng thị trường sẵn có, đồng thời tiết giảm đáng kể chi phí.
Các tay chơi lão làng hay tân binh, khi bước chân vào lĩnh vực này, đều thừa nhận điều đó.
Thậm chí, nhờ M&A, nhiều tên tuổi trong lĩnh vực bất động sản đã trở thành người dẫn dắt, khởi đầu cho chu kỳ mới của thị trường. M&A là con đường ngắn nhất giúp họ đẩy nhanh việc phát triển quỹ đất sạch, thực hiện dự án. Việc M&A các dự án thân thiện không những giúp doanh nghiệp rút ngắn thủ tục, mà còn mang lại “win - win” cho các bên, cho thị trường.
Không phải tới thời điểm này, nhiều nhà đầu tư mới nhận thấy M&A là con đường ngắn nhất. Năm năm trước, trong lộ trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, M&A trong lĩnh vực ngân hàng cũng được đẩy mạnh nhằm tăng quy mô, giúp rút ngắn từ 5 đến 10 năm chặng đường phát triển của một ngân hàng.
Thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh với hàng ngàn giao dịch, đạt tổng giá trị gần 50 tỷ USD trong hơn một thập kỷ qua. Tuy vậy, diễn biến phức tạp của Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế, khiến tổng giá trị thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2020 suy giảm, chỉ bằng trên 48% so với năm 2019.
Để Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn cho hoạt động đầu tư, Chính phủ hiện rất nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cơ bản như hạ tầng, đất đai, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực… nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Bên cạnh đó, là nỗ lực tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo hành lang thông thoáng cho hoạt động đầu tư. Nỗ lực cùng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang gấp rút xây dựng dự thảo hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với nhiều cải cách về thủ tục gia nhập thị trường.
Về khách quan, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cùng các hiệp định thương mại tự do khác như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chắc chắn sẽ tạo thêm động lực cho tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực cũng như toàn cầu trong bối cảnh nhiều chuỗi giá trị sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy bởi Covid-19.
Những yếu tố trên đang mở ra cơ hội mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam. Song, để có thể “trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới” như kỳ vọng, cả doanh nghiệp và nhà đầu tư cần phải tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội, đồng thời tận dụng tốt thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư toàn cầu. Và để để sớm cụ thể hóa mục tiêu đề ra, thì một chiến lược M&A hợp lý chính là công cụ quan trọng cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay cũng như những năm tiếp theo.