Đầu tư
M&A kích hoạt những cơ hội mới
Trọng Tín - 25/11/2022 08:08
Các nhà đầu tư đang trong trạng thái “ẩn mình”, chờ điều kiện chín muồi để sẵn sàng chốt thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) trước không ít cơ hội mới.

Nhiều dự báo được các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước chỉ ra tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2022, do Báo Đầu tư tổ chức ngày 23/11 tại TP.HCM.

Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 vinh danh các thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu năm 2021 - 2022. Ảnh: Lê Toàn

Nhận diện cơ hội trong thị trường khó khăn

Pháp lý tắc, nghẽn dòng vốn cùng những bất ổn địa chính trị đang diễn ra trên toàn cầu đã tác động mạnh mẽ tới thị trường M&A trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính. Trong bối cảnh chung đó, thị trường M&A Việt Nam đã rơi vào giai đoạn trầm lắng hơn so với sự sôi động của năm 2020 - 2021.

Tuy nhiên, hàng loạt giao dịch vẫn tiếp tục diễn ra và được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam, với giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm tiêu dùng (1,2 tỷ USD), bất động sản (gần 1 tỷ USD), công nghiệp (800 triệu USD). Đặc biệt, ngành năng lượng trở nên “hot” nhất năm 2022, nếu xét về tăng trưởng giá trị, đạt gần 600 triệu USD, tăng 6 lần so với năm 2021.

Mặc dù nền kinh tế toàn cầu đang gặp khó khăn, nhưng không có nghĩa là tất cả các nền kinh tế đều khó khăn. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, kinh tế thế giới có thể tăng trưởng chậm lại trong năm 2023, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn… Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức 4,5%, còn tăng trưởng kinh tế là 6,5%. Đây là mức tăng trưởng hợp lý, cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

“Giữ vững ổn định chính trị, kinh tế tăng trưởng khá, vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, cùng với việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển”, ông Phương nói và nhận định, đây sẽ là những động lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 và cũng là động lực để thị trường M&A Việt Nam tiếp tục phát triển.

Tại Diễn đàn, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư cũng đưa ra nhận định, nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của cộng đồng doanh nghiệp trong nước đòi hỏi sự bổ sung mạnh mẽ không chỉ ở phương diện nguồn vốn, mà còn là các bí quyết công nghệ mới và kỹ năng quản trị hiện đại. Sự nổi lên của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước với tư cách là bên mua đang dần trở thành một đối trọng với những “thợ săn M&A” từ bên ngoài biên giới.

Đặc biệt, nhu cầu tìm kiếm sức mạnh cộng hưởng và nguồn vốn để tái cấu trúc, tập trung hơn vào các hoạt động cốt lõi đang bộc lộ rõ ở nhiều doanh nghiệp trong nước mà chỉ thông qua hoạt động M&A mới có thể đáp ứng. Cùng với đó, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có xu hướng theo đuổi các chuẩn mực cao về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) - điều rất hợp “khẩu vị” chung hiện nay của các nhà đầu tư quốc tế.

“Có hàng trăm tỷ đô-la Mỹ vẫn đang chực chờ trong các quỹ đầu tư tư nhân trên thế giới, sẵn sàng giải ngân khi có cơ hội vào nhiều lĩnh vực mà Việt Nam đang thể hiện tính hấp dẫn cao”, Tổng biên tập Lê Trọng Minh dẫn lại ý kiến của một số chuyên gia đã đưa ra dự báo trước đó.

Lĩnh vực nào dẫn dắt?

Theo các chuyên gia tại Diễn đàn M&A Việt Nam, thị trường M&A trong năm 2022 trầm lắng không có nghĩa là sẽ rơi vào trạng thái “ngủ đông” trong thời gian tới. Như chia sẻ của ông Seck Yee Chung, Luật sư hợp danh, Công ty Luật Baker & McKenzie: “Nhiều quỹ đầu tư đang ngắm nghía thị trường M&A Việt Nam, trong đó, các doanh nghiệp Nhật Bản có quy mô 2 - 3 tỷ USD đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư vào Việt Nam”.

Về vấn đề này, ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia của RECOF Corporation, kiêm Tổng giám đốc RECOF Việt Nam cho biết, vì yếu tố công việc, nên ông phải bay giữa Nhật Bản và Việt Nam thường xuyên và điều đặc biệt sau mỗi lần di chuyển là sự gia tăng số lượng doanh nhân từ Nhật Bản vào Việt Nam.

Mặc dù Nhật Bản cũng đang chịu sự ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, sự giảm giá của đồng yên so với USD có thể có tác động ngắn hạn tới các nhà đầu tư Nhật Bản, nhưng lãi suất và đồng yên thấp cũng có tác động tích cực tới các nhà đầu tư ở khía cạnh khác, như có thể tiếp cận nguồn vốn rẻ…

“Việt Nam là điểm hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản vì đang trong thời kỳ dân số trẻ, đặc biệt Việt Nam là quốc gia có GDP tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á”, ông Masataka “Sam” Yoshida nói và nhận định, các công ty Nhật Bản nhìn về điểm tích cực, tin tưởng vào tương lai ở Việt Nam. Khi các nhà đầu tư khác thoái vốn khỏi Việt Nam, thì nhà đầu tư Nhật Bản sẽ bước vào, tất nhiên cũng phải theo dõi, nghiên cứu thêm thị trường.

Xét về lĩnh vực, CEO của RECOF Việt Nam cho biết, lĩnh vực thương mại, công nghệ thông tin, kỹ thuật số và bất động sản đã là lĩnh vực được các nhà đầu tư Nhật quan tâm. Nhưng trong những năm tới, thực phẩm và chế biến thực phẩm, công nghệ số, đặc biệt ngành bán lẻ sẽ là mối quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Ở một góc nhìn khác, ông Warrick Cleine, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam nhận định, cuối năm 2022 và năm 2023 là thời điểm quan trọng trong việc thu hút vốn vào lĩnh vực tiêu dùng. Người dân Việt Nam đang có xu hướng mở nhiều tài khoản mua sắm, tham gia tích cực vào thương mại điện tử, tăng chi tiêu cho giáo dục, y tế

“Thị trường tiêu dùng Việt Nam rất thú vị với các nhà đầu tư quốc tế, thu hút nhiều thương vụ M&A. Thị trường tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển, kể cả lạm phát thì vẫn tin tưởng đây là thị trường hấp dẫn vốn M&A”, ông Warrick Cleine nói.

Bên cạnh đó, sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và tầm quan trọng ngày càng tăng của phát triển bền vững cũng thu hút sự quan lớn của các nhà đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã có những cam kết mạnh mẽ tại COP26 về phát tải ròng bằng 0 vào năm 2050, tạo đà rất lớn cho thị trường này phát triển.

Cũng theo chuyên gia đến từ KPMG, hoạt động M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng dù có chững lại trong 10 tháng đầu năm 2022, nhưng có thể chờ đợi lĩnh vực này bùng nổ trong năm 2023 và những năm sau đó. Điểm tích cực là, việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới lĩnh vực này cho thấy sự tin tưởng nhất định về thị trường và doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, dù là lĩnh vực nào, “điều kiện thị trường không thuận lợi sẽ buộc các nhà đầu tư phải thận trọng hơn với các tiêu chí định giá để giao dịch đáng đồng tiền bát gạo. Sự gia tăng của phong trào ESG cho thấy, đây sẽ là xu hướng khắt khe đối với các giao dịch M&A mục tiêu để nhận được cái gật đầu từ phía các nhà đầu tư”, ông Warrick Cleine đúc kết.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Các mảng du lịch nghỉ dưỡng và bán lẻ sẽ phục hồi mạnh mẽ.

- Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam

Dù thị trường bất động sản đang bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn, nhưng trong quá trình làm việc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chúng tôi nhận thấy sự quan tâm đáng kể đến việc phát triển các dự án bất động sản, từ dự án căn hộ cho đến các bất động sản công nghiệp, thương mại và bất động sản ứng dụng. Thị trường cũng sẽ chứng kiến câu chuyện phục hồi mạnh mẽ ở các mảng du lịch nghỉ dưỡng và bán lẻ, vốn đã bị kìm hãm trong thời gian qua, nhờ việc khôi phục các đường bay quốc tế.

Việt Nam có tiềm năng lớn của thị trường 100 triệu dân.

- Ông Phạm Duy Khương, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH ASL

Nhiều công ty Ấn Độ vẫn tìm kiếm nhân sự công nghệ thông tin từ Việt Nam. Việt Nam có tiềm năng lớn của thị trường 100 triệu dân. Đây điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư. Ngoài ra, lĩnh vực tiềm năng trong năm 2023 vẫn tập trung vào thực phẩm, nông nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các bên phải chú trọng vào chi phí và thời gian thẩm định pháp lý bởi thẩm định pháp lý mất rất nhiều thời gian.

Các ngành bán lẻ, nông nghiệp sẽ sôi động hơn.

- Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam

Nhiều loại hình đầu tư khác nhau sẽ đến Việt Nam. Các ngành hàng mục tiêu luôn thay đổi theo thời gian và trong giai đoạn này, bất động sản có thể chậm lại. Trong khi đó, các ngành tiêu dùng bán lẻ, nông nghiệp sẽ sôi động hơn và gần đây có sự dịch chuyển sang viễn thông, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và năng lượng.

Trong lĩnh vực tài chính đang định hình 2 xu hướng M&A.

- Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital

Trong lĩnh vực tài chính đang có 2 xu hướng. Một là giao dịch giữa các công ty trong nước. Đây là điều tuyệt vời, bởi cùng văn hoá, chi phí rủi ro thấp hơn, giai đoạn hội nhập sau sáp nhập đơn giản hơn. Thứ hai, dù số lượng các khoản đầu tư do nhà đầu tư Việt Nam thực hiện ở nước ngoài chưa nhiều, nhưng đầu tư này cũng thú vị và tích cực. Ví dụ như công ty trong ngành du lịch lớn của Việt Nam mua công ty du lịch châu Âu, sau đó sử dụng nền tảng, công nghệ, năng lực đội ngũ, mở hoạt động du lịch ở châu Âu.
Tin liên quan
Tin khác