VPBank có thể sẽ nhận chuyển giao bắt buộc GP Bank. Ảnh: Đức Thanh |
Nhiều thương vụ đàm phán chậm lại
Thương vụ M&A tỷ USD được kỳ vọng nhất năm nay là VPBank bán 15% vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài. Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, Chủ tịch VPBank cho biết, quá trình đàm phán diễn ra hết sức tích cực và việc bán vốn có thể hoàn thành trong quý III/2022. Tuy nhiên, gần như chắc chắn, thương vụ này không thể hoàn tất trong năm nay.
Trao đổi với nhà đầu tư mới đây, bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc VPBank cho hay, quá trình làm việc với đối tác vẫn đang diễn ra tốt đẹp. Dẫu vậy, trong bối cảnh thị trường có nhiều bất ổn như hiện nay, nhà đầu tư có sự trì hoãn nhất định trong việc đưa ra quyết định, khiến lộ trình bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chậm hơn dự kiến.
Một thương vụ nữa cũng được kỳ vọng trong năm nay là MSB bán một phần hoặc toàn bộ vốn tại Công ty Tài chính TNHH một thành viên cộng đồng (FCCOM). Tuy vậy, đến nay, kế hoạch thoái vốn của MSB vẫn chưa thành công do thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Năm ngoái, khi thị trường M&A công ty tài chính sôi động, HAFIC từng nằm trong tầm ngắm của một loạt định chế tài chính như TPBank, AFS (Nhật Bản), KB Kookmin Card (Hàn Quốc). Dù vậy, tình hình kinh tế trong và ngoài nước nhiều biến động trong năm nay đã khiến các định chế tài chính này thận trọng hơn với kế hoạch mở rộng kinh doanh.
Kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều biến động khiến các nhà đầu tư ngại ngần rót vốn đầu tư mới. Đặc biệt, vốn đầu tư từ các nước phát triển đổ vào các thị trường mới nổi đang có dấu hiệu suy giảm.
Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam vẫn rất hấp dẫn do nhu cầu tín dụng cao, tầng lớp trung lưu tăng nhanh và mảng bán lẻ vẫn còn nhiều dư địa phát triển.
Chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu sẽ là tâm điểm
Trong khi các thương vụ chào bán cổ phần chiến lược hoặc bán công ty tài chính có thể sẽ còn tiếp tục bị trì hoãn, thì tâm điểm M&A thị trường đang tập trung vào các thương vụ chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.
Dù chưa cái tên nào chính thức được công bố, song với các động thái của các ngân hàng thương mại gần đây, có thể thấy, nhiều thương vụ đã gần như được “chốt sổ”, như MB nhận chuyển giao bắt buộc Ocean Bank, Vietcombank nhận chuyển giao bắt buộc CBBank, DongABank có thể sẽ về HDBank, còn GP Bank sẽ do VPBank nhận chuyển giao bắt buộc.
Từ đầu năm đến nay, lãnh đạo MB liên tục xuất hiện trong các hoạt động, sự kiện lớn của Ocean Bank. Hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược. Giữa tháng 10/2022, Ocean Bank và MB Ageas Life đã ký kết thỏa thuận hợp tác.
Vietcombank là ngân hàng thứ hai lấy ý kiến cổ đông về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Tuy vậy, thương vụ M&A của Vietcombank không chứa đựng yếu tố bất ngờ nào, bởi đối tác nhận chuyển giao bắt buộc gần như chắc chắn là CBBank - ngân hàng yếu kém mà Vietcombank được giao nhiệm vụ hỗ trợ từ năm 2015.
Riêng với GP Bank, việc chuyển giao bắt buộc cho VPBank vẫn chưa được xác thực. Tuy nhiên, tại Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý GP Bank vào tháng 9/2022, một loạt lãnh đạo VPBank đã tham dự.
Bà Lưu Thị Thảo cho hay, việc VPBank nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém là muốn cùng Chính phủ xử lý ngân hàng yếu kém, song vẫn trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi cổ đông, có lợi cho VPBank.
Cách đây không lâu, HDBank cũng lấy ý kiến cổ đông và được cổ đông thông qua phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng giám đốc HDBank cho hay, không nhiều tổ chức tín dụng được các cấp có thẩm quyền lựa chọn tham gia chương trình này. Việc HDBank được lựa chọn cho thấy sự tin tưởng của cơ quan chức năng đối với năng lực, kinh nghiệm thực hiện tái cấu trúc của HDBank, cũng như đánh giá cao phương án tái cơ cấu mà HDBank đã chuẩn bị cho trọng trách này.
Điểm chung của tất cả thương vụ ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém lần này là hình thức M&A khác hoàn toàn với giai đoạn trước. Theo đó, các ngân hàng yếu kém được các ngân hàng lớn nhận về theo mô hình công ty con (mô hình mẹ - con). Ngân hàng yếu được nhận chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên do ngân hàng nhận chuyển giao là chủ sở hữu 100% vốn điều lệ.
Các ngân hàng “con” được nhận chuyển giao bắt buộc này có pháp nhân độc lập với ngân hàng nhận chuyển giao, không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, cách tính các chỉ số an toàn vốn, chính sách về cổ tức, phân phối lợi nhuận, trích lập các quỹ… cũng độc lập giữa ngân hàng con và ngân hàng mẹ.
Với sự tham gia của các ngân hàng lớn giàu tiềm lực, các ngân hàng yếu sẽ được tiếp cận nguồn tiền tươi cũng như tăng cơ hội cho vay, bán chéo sản phẩm, đổi mới năng lực quản trị… Đương nhiên, các ngân hàng lớn cũng có những “phần thưởng” hấp dẫn, như được nới thêm room tăng trưởng tín dụng, mở rộng mạng lưới…
Do M&A theo mô hình mẹ - con, việc xử lý các ngân hàng phải chuyển giao bắt buộc sau khi hết lỗ vẫn còn để ngỏ. Cả ba phương án đều đang được các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc tính tới, bao gồm: sáp nhập vào ngân hàng mẹ để tăng quy mô tổng tài sản và thị phần; bán cho nhà đầu tư khác; thành lập một ngân hàng TMCP riêng và IPO.
Mặc dù phải 7-10 năm, quá trình chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu mới kết thúc, song với sự tham gia M&A của các ngân hàng lớn, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu sẽ được đẩy nhanh hơn, nhằm thực hiện thành công Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.