TIN LIÊN QUAN | |
Giai đoạn cuối của bong bóng tài sản đã tới? | |
Khởi động Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 |
“Cạo đầu” vì dự báo… sai
Năm nay 68 tuổi, nhưng Marc Faber có đến 44 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, tức là ông theo lĩnh vực này từ lúc tốt nghiệp đại học.
Lúc nào cũng chỉ thấy bong bóng và đổ vỡ, nhưng Marc Faber lại đánh giá rất cao về thị trường Việt Nam |
Ông đã trải qua nhiều cuộc đổ vỡ và tháo chạy trên thị trường tài chính toàn cầu. Gần đây, đúng ngày thị trường chứng khoán Việt Nam hoảng loạn trước sự kiện Biển Đông (ngày 8/5/2014), ông có mặt tại Việt Nam.
Trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đầu tư qua điện thoại, ông nói đợt bán tháo này chẳng là gì so với những gì ông từng chứng kiến ở nơi khác.
Marc Faber sinh trưởng tại Zurich (Thụy Sỹ). Ông học chuyên ngành Kinh tế học tại Đại học Zurich (University of Zurich) và tốt nghiệp năm 24 tuổi với bằng Tiến sỹ Kinh tế hạng “ưu” (magna cum laude).
Năm 1970, ông bước vào lĩnh vực tài chính, bắt đầu tại White Weld & Co. bằng việc tổng hợp các nghiên cứu kinh tế để gửi cho các văn phòng ở nước ngoài, vì khi đó vẫn chưa có Internet. Đầu tiên, ông làm tại New York, sau đó đến Zurich và đến năm 1973 chuyển tới Hồng Kông.
Cho đến năm 1978, ông đầu quân cho Drexel Burham Lambert sau khi White Weld & Co. bị Merrill Lynch mua lại. Tại đây, ông quản lý các danh mục đầu tư trái phiếu Mỹ cho các tổ chức từ thiện và nhà thờ ở nước ngoài có hoạt động tại Singapore và Hồng Kông. Ông làm Giám đốc điều hành Drexel đến khi công ty này phá sản vào năm 1990.
Sau đó, ông lập công ty riêng là Marc Faber Ltd. tại Chiang Mai (Thái Lan), chuyên phát hành bản tin đầu tư tháng có tên “Gloom Boom & Doom Report”. Năm 2011, để đăng ký đọc báo cáo này, người ta phải bỏ ra 1.500 USD mỗi năm, còn nếu chỉ đọc bình luận thị trường tóm tắt cũng tốn mất 300 USD.
Mặc dù trụ sở đặt tại Thái Lan, nhưng nhiều năm đầu, Marc Faber ở Hồng Kông là chính. Marc Faber Ltd. đặt một văn phòng nhỏ tại Hồng Kông. Ngoài phát hành các báo cáo trên, công ty này cũng cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư và quản lý danh mục đầu tư. Năm 2011, Marc Faber cho biết, ông đang quản lý tài sản khoảng 300 triệu USD và con số này đã không tăng thêm từ nhiều năm.
Marc Faber Ltd. còn có nhiều dịch vụ khác, nhưng theo CNBC kể lại, từ năm 1990 đến 2000, công việc chính của Marc Faber là môi giới cho các giao dịch trên thị trường Mỹ. Mỗi khi xong việc, khoảng 4-5 giờ sáng, ông lao đến các quán bar như Neptune hay Strawberries.
Hiện tại, Marc Faber đang sống tại Chiang Mai (Thái Lan). Vợ ông là người Thái tên là Supatra. Họ gặp nhau tại Hồng Kông khi Supatra đang quản lý một nhà hàng Thái cùng tên Supatra. Hai người có một cô con gái tên Nantamada Faber, năm nay 31 tuổi, từng là người mẫu thời trang giày.
Có thời Marc Faber để tóc đuôi ngựa. Ngày 5/11/1992, ông dự báo chỉ số Hang Seng sẽ giảm và “cá” rằng, nếu chỉ số này tăng, cứ mỗi 50 điểm ông sẽ cắt một centimet đuôi ngựa của mình. Kết quả là ông đã phải thuê một thợ cắt tóc danh tiếng tên là Andre Norman cắt đi, vì chỉ số này đã tăng 50 điểm vào tuần sau đó. Có người đùa rằng, cứ đà này thì chẳng mấy chốc Marc Faber sẽ phải cạo trọc đầu, vì thực tế lần khác ông đã thua mất một chai rượu cũng vì dự báo sai.
Về chuyện dự báo, CNBC mở đầu một bài viết về Marc Faber vào năm 2011 như sau: “Nói về dự báo, nếu bạn làm chừng mực thì nó sẽ đúng. Nhưng để trở thành chuyên gia dự báo đủ giỏi để có thể giữ được sự quan tâm của cộng đồng nhà đầu tư là chuyện hoàn toàn khác. Đó là những gì mà nhà kinh tế và chuyên gia dự báo Marc Faber đã làm được. Dĩ nhiên ông không phải là người hoàn hảo”.
Nhờ những dự báo chính xác đến mức “huyền thoại”, nên Marc Faber có sức hút đặc biệt đối với giới đầu tư và về khoản này thì ông có thể sánh ngang những nhân vật lừng danh như Mark Mobius và Jim Rogers. Ông là một trong những khách mời được mong đợi nhiều nhất trên CNBC. Trước mỗi lần Marc Faber xuất hiện, CNBC đã nhận được tràn ngập email và yêu cầu gửi về.
Nhưng dự báo của Marc Faber chủ yếu là bong bóng và sụp đổ. Ông nhìn đâu cũng thấy những thứ này. Từ năm 1980 đến nay, ông đã đưa ra nhiều tiên đoán chính xác về những cuộc sụp đổ trên thị trường tài chính thế giới. Chẳng hạn, ông đã khuyến cáo khách hàng bán cổ phiếu trước “ngày thứ Hai đen tối” ở Phố Wall vào năm 1987. Sự đổ vỡ của bong bóng tài chính Nhật Bản năm 1990, sự sụp đổ của cổ phiếu các công ty game của Mỹ năm 1993 và cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997-1998… đều được ông dự báo trước.
Chứng khoán Việt Nam là “số 1”
Bản tin “The Gloom, Boom & Doom Report” tháng 6/2014 do Marc Faber gửi Báo Đầu tư ghi nhận, tâm lý thị trường chứng khoán Việt Nam đã suy sụp vào ngày 8/5/2014 khi những căng thẳng trên Biển Đông bắt đầu diễn ra. Ông viết: “Chứng khoán Việt Nam cần có thời gian để phục hồi. Tuy nhiên, vì giá đang ở mức thấp và triển vọng kinh tế về tổng thể rất tốt (Asianomics vừa ra một báo cáo rất tích cực về Việt Nam), nên tôi không thấy rủi ro về một xu hướng giảm điểm ở mức giá hiện tại”.
Marc Faber cho biết, ngày 7/5/2014, khi nghỉ tại Khu Nam Hải Resorts, Hội An, đêm đó, ông thấy các máy bay trực thăng của Việt Nam liên tục tuần tra vùng bờ biển. Đó là ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam với 70 chiếc tàu, trong đó có cả tàu chiến bao quanh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư qua điện thoại, Marc Faber chia sẻ đánh giá của mình về cơ hội đầu tư tại Việt Nam như sau: “Như bạn biết, tôi hiện là Chủ tịch của Indochina Capital và Chủ tịch của Quỹ Vietnam Growth Fund do Dragon Capital quản lý. Tôi cũng là cổ đông của Hyatt Hotel (Regency Danang Resort and Spa – PV) tại Việt Nam và tôi có một căn biệt thự ở đó. Tôi là nhà đầu tư tại Việt Nam và về dài hạn tôi tin rằng, Việt Nam đang có những cơ hội hấp dẫn”.
Ông cho biết, hiện tại chứng khoán Việt Nam không hề đắt nếu không muốn nói là rẻ một cách khó tin, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng sẽ tăng mạnh ngay lập tức. Ông lưu ý rằng, thương mại song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện vào khoảng 50 tỷ USD mỗi năm.
Là người lúc nào cũng chỉ thấy bong bóng và đổ vỡ, nên Marc Faber còn được mọi người gọi là “Dr. Doom” hay “Gấu bự”. Thế nhưng, ông lại có cái nhìn khá tích cực về Việt Nam. Xuất hiện trên truyền hình quốc tế trong vòng một năm rưỡi qua, không ít lần Marc Faber nhắc đến chứng khoán Việt Nam với những nhận định tích cực.
Cuối năm ngoái, ông đưa ra nhận định rằng, chứng khoán Việt Nam là một trong 3 lựa chọn duy trì vị thế mua tốt nhất trong năm 2014. Lần khác, khoảng giữa năm 2013, trong khi trả lời phỏng vấn tờ Australian Financial Review, Marc Faber nói: “Nếu bạn nhìn dài hạn, 5-10 năm, tôi nghĩ bạn sẽ kiếm được tiền khi đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam”.
Và đầu năm 2013, ông nói với tờ Barron’s rằng: “Bạn có thể tìm thấy nhiều công ty Việt Nam có suất sinh lợi từ 5-7%. Tôi thích Ngân hàng TMCP Quân đội và tôi rất thích Vinamilk - doanh nghiệp thống trị trong ngành thực phẩm sữa có mức tăng trưởng khoảng 20%/năm trong 10 năm qua. Vinamilk có thể tiếp tục tăng từ 10-15%/năm và đang được định giá thấp. Sớm muộn người ta cũng mua!”.
Nhà đầu tư lừng danh Marc Faber đến Việt Nam TS. Marc Faber, nhà tư vấn đầu tư huyền thoại và có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới sẽ đến Việt Nam theo lời mời của Ban Tổ chức Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (VIF) 2014. |
Đức Luận