Mía đường nội đang dần dễ thở hơn nhờ thuế phòng vệ thương mại áp lên đường nhập khẩu. |
Tại Tọa đàm “Thực trạng ngành mía đường Việt Nam sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại” do Tạp chí Công Thương phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) tổ chức, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ông Nguyễn Văn Lộc khẳng định, thuế phòng vệ với đường nhập khẩu từThái Lan phần nào đã đã chặn đà suy thoái của ngành mía đường trong nước.
Ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong một thời gian dài, thể hiện ở các yếu tố như: hàng hóa nhập khẩu bị điều tra tăng mạnh, có tác động kìm giá, làm suy giảm sản lượng, tiêu thụ, công suất, lượng bán hàng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận… Một loạt nhà máy đường phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động.
Từ 41 nhà máy của ngành mía đường thì đến nay chỉ còn 24 nhà máy đang hoạt động, 17 nhà máy còn lại đã ngừng sản xuất hoặc phá sản.
Theo tính toán, 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020, lên gần 1,5 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.
Sau quá trình điều tra, tháng 6/2021, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định áp dụng bước thuế phòng vệ thương mại là 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam.
Do bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3 năm 2021 giảm tới 75%. Điều này làm giảm tốc độ cạnh tranh không bình đẳng của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước, từ đó giúp giá được sản xuất trong nước tăng lên. Giá thu mua mía của nông dân cũng tăng thêm từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng một tấn.
"Sau một thời gian áp thuế, giá đường trong nước băt đầu tiệm cận giá các nước trong khu vực và đến ngày hôm nay thì cái giá mía mà ngành mía đường Việt Nam đang mua cho nông dân bằng giá mua mía của nông dân Indonesia, Philippines", ông Lộc thông tin.
Là một trong 6 doanh nghiệp, cùng với Hiệp hội Mía đường Việt Nam đệ đơn yêu cầu Bộ Công thương điều tra đường mía nhập từ Thái Lan, Công ty CP Mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang) thừa nhận, 2018-2020, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do đường nhập vào Việt Nam bán giá thấp, kéo giá đường trong nước giảm, đường sản xuất ra không tiêu thụ được. Doanh nghiệp khó khăn về tài chính, không có tiền để trả tiền mía cho nông dân, tiền vận chuyển, tiền lương công nhân lao động và tiền trả nợ ngân hàng....
Từ 10.000 ha trồng mía, đến 2020 Công ty chỉ còn 2.000ha, kinh doanh thua lỗ 200 tỷ đồng, từ 2 nhà máy phải đóng cửa 1 nhà máy.
"Niên vụ 2020/2021 nhờ quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương đối với sản phẩm đường nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh, giúp giá đường trong nước tăng trở lại, doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất, tăng được giá thu mua mía cho nông dân", ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn Dương cho hay.
Nếu không có quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu cạnh tranh không lành mạnh giúp giá đường trong nước tăng trở lại thì doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh phá sản.
Tại Phú Yên, các hộ trồng mía cũng cảm nhận rõ tác động tích cực từ thuế phòng vệ lên giá thu mua mía. Ông Võ Văn Út, nông dân trồng mía thông tin: "từ đầu niên vụ 2020/21 khi bắt đầu có thông tin khởi xướng điều tra chống bán phá giá chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan, Nhà máy đã tăng giá mua mía của nông dân cao hơn 150.000 đồng/tấn mía so với vụ 2019/20, thu nhập của nông dân được cải thiện hơn hẳn".
Theo ông Chu Thắng Trung, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, tác dụng bước đầu của biện pháp phòng vệ thương mại với đường nhập khẩu đã phần nào đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng cửa hàng nhập khẩu với hàng hóa trong nước, nhưng các doanh nghiệp sản xuất đường cũng sẽ phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư cơ giới hóa, nâng cao công nghệ sản xuất, hạ giá thành, đa dạng hóa sản phẩm để bán hàng tốt hơn...