Tỉnh Quảng Ngãi đang rà soát các dự án trên địa bàn. Trong ảnh: Khu đô thị phía Bắc Quảng Ngãi |
Dừng lại đúng lúc cũng là “đối sách”
Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng quyết định tạm dừng Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng (Dự án Marina Complex Đà Nẵng) để kiểm tra, rà soát hồ sơ pháp lý; đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và các bộ, ngành. Động thái này của UBND TP. Đà Nẵng được công luận đánh giá là cầu thị và kịp thời.
Thời gian qua, Dự án Marina Complex Đà Nẵng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của công luận. Hầu hết các ý kiến cho rằng, nếu Dự án được triển khai như chủ trương ban đầu, thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Hàn.
Một số ý kiến khác đánh giá, Đà Nẵng đang bị ngập lụt khi xảy ra mưa lớn, tức là cốt nền thấp. Vì thế, việc “can thiệp” đến sông Hàn phải được tính toán rất kỹ lưỡng.
Tại Quảng Nam, khu vực đầu tư lộn xộn nhất phải kể đến là Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Nhiều chủ đầu tư “phớt lờ” quy định của pháp luật, thi công ồ ạt trước khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chưa hoàn thiện, trình duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường… Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương lại buông lỏng. Kết quả là, nhiều dự án tại khu đô thị này loang lổ như tấm “da beo”.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trước thực trạng trên, cuối năm 2021, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo rà soát lại toàn bộ hồ sơ, thủ tục của các dự án tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc nhằm tăng cường quản lý, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, thiếu sót (nếu có) trong quá trình thực.
“UBND tỉnh đã nhìn nhận và đang tập trung xử lý, chấn chỉnh, để từ nay trở về sau, những việc đó không lặp lại nữa”, ông Quang nói.
Còn tại Quảng Ngãi, từ năm 2017, các đồ án quy hoạch, gồm Điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu công nghiệp phía Đông Dung Quất và Điều chỉnh quy hoạch chi tiết phía Tây Dung Quất được UBND tỉnh Quảng Ngãi cho chủ trương thực hiện, phê duyệt nhiệm vụ, dự toán quy hoạch. Tháng 3/2020, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đã góp ý và đề nghị bổ sung, hoàn chỉnh đồ án quy hoạch.
Tuy nhiên, đến ngày 29/4/2022, các đồ án này vẫn chưa được Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi (Ban Quản lý) hoàn chỉnh, trình thẩm định, phê duyệt. Trong khi đó, Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đã có nhiều thay đổi, điều chỉnh về tính chất, quy mô, chức năng sử dụng đất tại 2 khu công nghiệp này so với trước đây.
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, nếu tiếp tục thực hiện 2 đồ án quy hoạch trên, sẽ không đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Dung Quất đang triển khai. Do vậy, Sở thống nhất theo đề xuất của Ban Quản lý về việc đề nghị UBND tỉnh cho phép tạm dừng thực hiện 2 đồ án quy hoạch này.
Khi doanh nghiệp tự “rút lui”
Thời gian qua, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức kiểm tra, rà soát việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội (NOXH) đối với 39 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh.
Kết quả cho thấy, có đến 22 dự án chưa bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng NOXH. Ngoài Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise được UBND tỉnh báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận không bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng NOXH, 21 dự án còn lại, lý do được đưa ra là tại các quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch không bố trí quỹ đất để đầu tư xây dựng NOXH.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chỉ có 17 dự án có thực hiện bố trí quỹ đất để xây dựng NOXH, trong đó có 9 dự án đã bố trí đủ 20% quỹ đất theo quy định, 8 dự án chưa bố trí đủ. Trong đó, Dự án Khu đô thị VCN Phước Long 2 đã được chủ đầu tư xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng toàn bộ NOXH trên quỹ đất 20%.
Một số dự án đã được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng một số công trình NOXH theo quy hoạch, như Dự án Khu đô thị mới Phước Long, Khu đô thị mới Lê Hồng Phong I. Với các dự án còn lại, chủ đầu tư chưa triển khai xây dựng NOXH do vướng mặt bằng, hoặc đang dừng toàn bộ dự án để chờ điều chỉnh quy hoạch.
Trên thực tế, không đợi đến lúc cơ quan quản lý nhà nước sử dụng biện pháp “mạnh tay”, thời gian gần đây, bản thân các doanh nghiệp khi sớm nhận thấy không đủ tiềm lực, năng lực thực hiện dự án cũng chủ động “rút lui” để tránh tiếp tục tiêu tốn tiền bạc và thời gian. Việc làm này cũng góp phần trút bỏ “gánh nặng” cho chính doanh nghiệp đó và cả cơ quan nhà nước.
Mới đây, hàng loạt dự án đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 ở Quảng Ngãi, được nhà đầu tư tự nguyện chấm dứt hoạt động. Các dự án này đã có Đồ án Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, nhưng nhà đầu tư tự nguyện chấm dứt hoạt động đầu tư, nên UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành các quyết định chấm dứt hiệu lực.
Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc cơ quan này tham mưu UBND tỉnh xem xét, hủy bỏ các Đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án này là phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với các quyết định hủy bỏ quyết định chủ trương đầu tư dự án của UBND tỉnh. Còn theo UBND TP. Quảng Ngãi, việc hủy bỏ các quy hoạch (theo đề nghị của Sở Xây dựng) nhằm đảo bảo sự đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý.
Các dự án tại Quảng Ngãi mà nhà đầu tư tự nguyện chấm dứt hoạt động gồm: Khu đô thị Bàu Giang, tỉnh Quảng Ngãi; Khu dân cư bờ Bắc kết hợp chỉnh trang đô thị TP. Quảng Ngãi; Khu đô thị mới Nam Trường Chinh; Khu đô thị thương mại - dịch vụ Nghĩa Dõng, TP. Quảng Ngãi; Khu đô thị bờ Nam sông Trà Khúc, TP. Quảng Ngãi .