Doanh nghiệp
MobiFone lên tổng công ty không phải để cho “oai”
Hữu Tuấn - 31/10/2014 11:03
Ngay sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ về mô hình tổ chức và đổi tên Công ty Thông tin di động thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone, ông Mai Văn Bình, Chủ tịch MobiFone đã dành riêng cho Báo Đầu tư điện tử - cuộc trả lời phỏng vấn về chủ đề này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
MobiFone sẽ được 'thăng cấp' lên Tổng công ty Viễn thông
Cổ phần hóa MobiFone trong năm 2015
VinaPhone đón tướng mới, quyết lấy lại vị trí "anh cả"
Sếp MobiFone: Không vướng nợ nần là một lợi thế

Thưa ông, vì sao phải nâng MobiFone lên Tổng công ty trong thời điểm này?

Theo Quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32/2012/QĐ - TTg ngày 27/7/2012, mục tiêu của việc tái cơ cấu thị trường viễn thông nêu rõ là phải “hình thành được 3 - 4 tập đoàn, tổng công ty mạnh, hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên biệt hóa”. Việc xây dựng MobiFone trở thành nhà khai thác viễn thông mạnh, trở thành một trong 3 đến 4 nhà khai thác là mục tiêu mang tầm chiến lược quốc gia và phải được thực hiện một cách nhanh chóng, hiệu quả.

   
  Ông Mai Văn Bình, Chủ tịch MobiFone  

Hiện nay, về thực chất quy mô, hoạt động, công nghệ, các điều kiện đã tương đương và thậm chí hơn một tổng công ty, nên việc điều chỉnh, thay đổi tên để đáp ứng cho mô hình hoạt động hiện nay của MobiFone mà thôi.

Nâng lên tổng công ty sẽ tạo điều kiện để MobiFone phát triển, cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn viễn thông trong nước.

Chính mục tiêu cổ phần hóa MobiFone của Chính phủ đã quy định, nên mô hình của MobiFone sắp tới không có thay đổi nhiều, chỉ có một số thay đổi nhỏ, để sao cho vẫn đảm bảo tính chuyên nghiệp và hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của MobiFone.

Thưa ông, nếu hình thành 3 đến 4 nhà khai thác viễn thông thành thế chân vạc như  mục tiêu đề ra, thì sao MobiFone không nâng lên thành tập đoàn để cạnh tranh bình đẳng với Tập đoàn Viettel, Tập đoàn VNPT?

Đương nhiên, một công ty TNHH như MobiFone hiện nay không thể cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn được, chúng tôi phải tự mình xây dựng, lớn lên và rồi cũng sẽ có ngày trưởng thành như Viettel, VNPT.

Trong bước quá độ trở thành tập đoàn, chúng tôi nghĩ mô hình tổng công ty là hợp lý nhất và sau đó, qua quá trình cạnh tranh mới có thể bước lên chỗ cao hơn.

Từ tổng công ty lên tập đoàn bao nhiêu lâu sẽ căn cứ vào tình hình hoạt động thực tế, không phải muốn là bỗng chốc trở thành tập đoàn… cho oai, mà phải xem quá trình hoạt động, hiệu quả, quy mô, tính chất có tương xứng với tập đoàn hay không.

Không phải chúng tôi muốn đổi tên Công ty TNHH MobiFone thành tổng công ty cho oai, mà bản chất quá trình hoạt động, quy mô, tính chất, điều kiện… của MobiFone đã chín muồi và nó còn hơn nhiều tổng công ty, nên cần thiết phải lập tổng công ty để MobiFone phát triển trong một giai đoạn mới.

Điều kiện của Chính phủ quy định, muốn nâng tầm lên tổng công ty thì vốn điều lệ là 1.800 tỷ đồng, trong khi đó, MobiFone đã có vốn điều lệ là 12.600 tỷ đồng. MobiFone hoạt động lãi lớn nhiều năm liên tục, thị trường trải khắp đất nước từ vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và đang duy trì cả những hoạt động tại nước ngoài; người lao động đông đảo với hơn 5.000 người…

Việc hình thành Tổng công ty MobiFone có làm chậm tiến trình cổ phần hóa và có làm tăng giá trị khi MobiFone cổ phần hóa tới đây hay không, thưa ông?

Việc nâng lên tổng công ty không ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa MobiFone. Thực ra, việc chuẩn bị cho MobiFone lên tổng công ty đã được chuẩn bị từ rất lâu, bây giờ chỉ chờ được phê duyệt và chỉ 1 - 2 tháng quá trình này sẽ hoàn tất. Cũng trong thời gian này, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án cổ phần hóa.

Khi MobiFone trở thành tổng công ty, tôi nghĩ, giá trị MobiFone sẽ tăng lên nhờ có mô hình hoạt động tiên tiến hơn, khoa học hơn và hiệu quả hơn. Chắc chắn, các nhà đầu tư chiến lược sẽ hài lòng với mô hình mới của MobiFone.

Thực ra, khi đánh giá giá trị doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược không chỉ nhìn vào công ty, hay hình thức công ty, mà họ còn xem kỹ cả nội dung bên trong công ty gồm 2 lĩnh vực là tài chính (báo cáo tài chính minh bạch, hoạt động có hiệu quả cao) và sự hợp lý, có xu thế phát triển tốt trong tương lai của doanh nghiệp. Như vậy, giá trị của MobiFone không chỉ nằm ở cái tên tổng công ty, mà còn được thể hiện ở nội dung.

Sau khi trở thành tổng công ty, MobiFone sẽ sắp xếp lại hoạt động như thế nào? Việc sắp xếp này có gây nên nhiều biến động không?

Hiện nay, MobiFone đã có lực lượng kỹ thuật và kinh doanh khá hùng hậu, công việc cần hiện nay là nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản trị doanh nghiệp. Hiện các nhà khai thác viễn thông trên thế giới và trong nước như Viettel cũng áp dụng mô hình này và đạt hiệu quả rất cao.

MobiFone gần như không thay đổi lớn, mà chỉ sắp xếp lại một số vị trí cán bộ lãnh đạo giữa kỹ thuật và kinh doanh phù hợp với mô hình mới. Hiện nay, hai mảng kỹ thuật và kinh doanh đều đang có lực lượng và cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, tới đây, chúng tôi sẽ bố trí, sắp xếp lại bộ máy trên cơ sở nhân sự sẵn có.

Tin liên quan
Tin khác