Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tìm hiểu một số sản phẩm cơ khi trưng bày bên lề Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Toru Kinoshita, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), Tổng giám đốc Toyota Việt Nam cho biết, dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, lợi thế của các nhà cung ứng ở Việt Nam có tay nghề lao động tốt, chi phí lao động thấp và do ở ngay tại Việt Nam nên chi phí vận chuyển đến nhà máy lắp ráp ô tô rẻ.
Tuy nhiên, bất lợi của nhiều nhà cung ứng tại Việt Nam là quy mô, sản lượng nhỏ do dung lượng thị trường ở Việt Nam nhỏ, kỹ năng, trình độ chuyên môn sâu của người lao động ở những mặt hàng phức tạp, đòi hỏi tay nghề cao còn hạn chế và đặc biệt nhiều nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, trong nước chưa sản xuất được.
“Thực tế này ảnh hưởng đến chi phí sản xuất tại Việt Nam”. "Khi lấy báo giá ở các nơi để so sánh chi phí sản xuất từng linh kiện, chúng tôi nhận thấy, các linh kiện liên quan đến nhựa và thép trong ô tô bị ảnh hưởng lớn bởi yếu tố sản lượng", ông Toru Kinoshita nói..
Trước kia chúng tôi nghĩ rằng, chi phí sản xuất các chi tiết có nhựa, thép dập này ở Việt Nam cao hơn gấp rưỡi so với làm ở các nước lân cận do yếu tố bất lợi về sản lượng và qui mô kinh tế. Nhưng thực tế, khi so sánh và tìm hiểu, chi phí cao hơn gấp 2-3 lần. Như vậy còn các yếu tố bất lợi khác ngoài sản lượng khiến chi phí sản xuất đội lên.
Bởi vậy, các doanh nghiệp sẽ tận dụng lợi thế sẵn có ở Việt Nam như nói trên trong việc sản xuất những chi tiết cồng kềnh, mất công vận chuyển từ nước ngoài về với chi phí logistics cao, hay dễ hỏng hóc trong quá trình vận chuyển. Hay những mặt hàng cần nhiều lao động lại đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ như hệ thống dây điện, có thể tận dụng ngay nguồn lao động tại chỗ với chi phí thấp.
Để doanh nghiệp ô tô lẫn nhà cung ứng hào hứng gia tăng tỷ lệ nội địa hoá, ông Toru Kinoshita khẳng định, yếu tố quan trọng nhất phải là “sản lượng”.
Với hiện trạng của Việt Nam thì những hạn chế sẽ nhìn thấy ngay. Chủ tịch VAMA dẫn chứng: "Nắp bình xăng, báo giá sản xuất trong nước là 4 USD, nhưng hàng Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam chỉ bằng một nửa. Và khoảng chênh lệch còn lớn hơn với những linh kiện có giá trị cao hơn".
Hỗ trợ của Nhà nước thời gian qua có tích cực là quy mô thị trường đang tăng lên. Tuy nhiên, phải mất nhiều năm nữa mới có thể khắc phục hết bất lợi để chuyển hóa thành lợi thế, ông Toru Kinoshita nói.
Yêu cầu là sản lượng phải tăng được. Cần có chính sách hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô, nhưng hơn 60% linh kiện nhập khẩu, vẫn là gia tăng chi phí sản xuất. Giai đoạn này, chi phí sản xuất xe CKD khó cạnh tranh được với xe nhập khẩu từ Thái Lan, nhưng nếu không hỗ trợ, các hãng xe sẽ quay ra nhập khẩu. Chưa kể, khi đó các nhà sản xuất cũng không muốn quay lại mua linh kiện của Việt Nam.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam khẳng định, bất kỳ ngành sản xuất nào không có thị trường thì đều không phát triển được.
"Thị trường cơ khí chế tạo của Việt Nam rất lớn, quy mô tới 310 tỷ USD từ nay đến năm 2030. Nếu ta nội địa hóa được 30-40% là đã có được trên trăm tỷ USD cho doanh nghiệp cơ khí trong rất nhiều lĩnh vực. Ta phải phát triển cơ khí, sẽ giảm được giá thành đầu tư bởi lợi của nội địa hóa. Nếu ta không làm chủ công nghệ, chỉ đi nhập khẩu thì luôn phải chấp nhận giá đắt, phụ thuộc", ông Sáng nhấn mạnh.
Ông Sáng nêu kiến nghị, Nhà nước phải hỗ trợ về thị trường, dù đã vào WTO, nhưng vẫn phải có biện pháp bảo vệ thị trường một cách mềm dẻo. Châu Âu, hay Mỹ cũng đều có bảo vệ sản xuất trong nước.
Chủ tịch Thaco, ông Trần Bá Dương khẳng định, chiến lược sản xuất kinh doanh của Thaco là tham gia chuỗi giá trị sản xuất trên thế giới, tham gia vào các loại xe từ dễ đến khó. Nhưng, để doanh nghiệp phát triển được, gia tăng đầu tư, theo ông Dương, quan trọng nhất phải xây dựng và bảo vệ thị trường, phát triển ổn định, phù hợp trong bối cảnh hội nhập.
“Thị trường ô tô, cần thiết phải có lắp ráp trong nước và nhập khẩu, nhưng phải có tỷ lệ để đảm bảo cạnh tranh. Thị trường Việt Nam còn nhỏ, nỗ lực của doanh nghiệp là duy trì lắp ráp, nên thuế xe nguyên chiếc thì về 0%, nhưng xe CKD vẫn tính thuế. Nếu đạt 0% thì phải đóng thuế trước, đề nghị chỉ cần lắp ráp thì thuế CKD phải hợp lý để cạnh tranh với nhâp khẩu nguyên chiếc”, ông Dương đề nghị.
Chia sẻ quan điểm, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: "Một quốc gia gần 100 triệu dân, không thể chỉ đi nhập khẩu xe về tiêu thụ. Quan điểm của Chính phủ Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp ô tô, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa".
Phó thủ tướng nhấn mạnh vai trò của những doanh nghiệp đầu đàn như Thaco, Toyota, Vinfast…để tăng nội địa hóa, tăng lên được 40-50% đã là tốt rồi.