FE Credit đã được Tập đoàn Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) đầu tư 1,3 tỷ USD để nắm 49% vốn. Ảnh: Lê Toàn |
Khuấy động thị trường
Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) dự tính mua lại 7,5% cổ phần của Việt Nam M-Service - công ty chủ quản ví điện tử MoMo, với giá trị thương vụ khoảng 170 triệu USD. Đây là thương vụ M&A thu hút sự chú ý của cộng đồng kinh doanh, bởi với thông tin này, Momo sẽ là cái tên mới nhất trong danh sách “kỳ lân” Việt (công ty có định giá trên 1 tỷ USD).
Mizuho đang nắm khoảng 15% vốn Ngân hàng Vietcombank và dự kiến, thương vụ mua cổ phần Momo sẽ hoàn tất vào cuối năm nay, cùng kế hoạch thiết lập hợp tác 3 bên.
Chính Momo cũng không bỏ qua cơ hội thâu tóm doanh nghiệp cùng ngành để bổ sung vào hệ sinh thái cho mục tiêu trở thành “siêu ứng dụng”. Để trở thành ví điện tử có lượng người dùng cũng như thị phần lớn nhất Việt Nam như hiện nay, công ty này đã mua lại công ty khởi nghiệp Pique vào tháng 6/2021, với số tiền không được tiết lộ.
Mọi kế hoạch huy động vốn của Momo đều hướng tới kế hoạch tăng gấp đôi số người dùng lên 50 triệu trong 2 năm tới và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào năm 2025.
Để trở thành siêu ứng dụng như kỳ vọng, các dịch vụ mà ví điện tử này cung cấp không chỉ đơn giản là thanh toán hóa đơn điện nước hay mua thẻ cào, mà còn nhắm đến “miếng bánh” cung cấp các khoản vay cho người tiêu dùng khi kết nối các tổ chức tài chính và công ty quản lý tài sản.
Sẽ là thiếu sót nếu nhắc đến ví điện tử mà không đề cập VNLife - công ty sở hữu dịch vụ thanh toán VNPay khi đã hoàn thành thỏa thuận đầu tư 250 triệu USD từ General
Atlantic và Dragoneer Investment Group vào giữa tháng 9/2021. PayPal Ventures và EDBI, cùng với các nhà đầu tư hiện tại như GIC và SoftBank Vision Fund 1 cũng tham gia rót vốn vào VNLife lần này.
Không ít doanh nghiệp vẫn không ngừng xin giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán dù trên thị trường đã có những “ông lớn” như ví điện tử OneFin ra mắt tháng 11/2021. Với việc “trăm hoa đua nở” trên thị trường ví điện tử, cuộc thanh lọc cũng như những thương vụ M&A được dự báo xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới.
M&A lĩnh vực tài chính sẽ tiếp tục sôi động
Ngoài các ví điện tử, một số công ty khởi nghiệp trong ngành dịch vụ tài chính cũng liên tiếp được rót vốn trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh vừa qua.
Cụ thể, tháng 7/2021, Funtap Corp đầu tư vào nền tảng tích lũy đầu tư Tikop; Do Ventures và Quỹ đầu tư mạo hiểm JAFCO Asia (Nhật Bản) đầu tư 1,5 triệu USD vào giải pháp tài chính bền vững Mfast của Công ty DigiPay; 5 quỹ đầu tư nước ngoài đầu tư 2 triệu USD vào Infina...
Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm khởi nghiệp công nghệ tại khu vực Đông Nam Á. Kéo theo đó, các thương vụ mua bán cổ phần cũng sẽ sôi động hơn.
Số lượng giao dịch trực tuyến được kỳ vọng tiếp tục phát triển kể cả sau khi dịch kết thúc nhờ vào quyết tâm chuyển đổi số của Chính phủ, cùng sự tăng trưởng về số lượng người tiêu dùng trẻ có hiểu biết về công nghệ. VNG, VNPay, Sky Mavis, Momo và Tiki được đánh giá là những công ty hàng đầu được hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng này.
Theo Capital IQ và KPMG, giá trị giao dịch M&A ngành tài chính Việt Nam năm 2019 là 1,88 tỷ USD. Năm 2020, con số này giảm còn 1,76 tỷ USD, nhưng trong 10 tháng năm nay, giá trị giao dịch lại tăng mạnh, đạt 2,89 tỷ USD.
Xu hướng rót vốn vào các công ty công nghệ tài chính (fintech) ở ASEAN cũng đang thu hút các quỹ đầu tư. Gần đây nhất, Liên doanh công nghệ ASEAN Fintech Group (AFG) đã công bố sẽ dành khoảng 20 triệu USD để tăng tốc các hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực fintech trong 1 năm tới. AFG có mặt tại Malaysia, Singapore, Indonesia và Thái Lan. Tập đoàn đang muốn mở rộng sang Philippines và Việt Nam.
Theo một báo cáo của United Overseas Bank, PwC Singapore và Hiệp hội Fintech Singapore, nguồn vốn tài trợ cho fintech ở Đông Nam Á trong 9 tháng đầu năm nay đạt 3,5 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với cả năm 2020.
Ông Lau Kin Wai, Giám đốc điều hành AFG cho biết, liên doanh này hiện chỉ tập trung đầu tư vào lĩnh vực fintech, vì với họ, đây là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình số hóa. Trong 12 tháng tới, AFG sẽ tập trung vào các hoạt động M&A để mở rộng kinh doanh và hiện họ đã tìm được 5 công ty khởi nghiệp.
Trong những năm qua, đa số thương vụ M&A tại Việt Nam tập trung trong 3 ngành nổi bật là tiêu dùng thiết yếu, tài chính và bất động sản, chiếm 55-60% tổng giá trị giao dịch. Theo KMPG, nhiều khả năng, xu thế này sẽ tiếp tục trong tương lai.
“Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam vẫn rất cao. Số lượng doanh nghiệp, tổ chức tài chính trên thị trường phát triển quá nhiều, nên sẽ có nhiều thương vụ M&A để củng cố thứ bậc trong ngành tài chính”, ông Warrick Cleine Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia nhận định.