Sức khỏe doanh nghiệp
MWG chỉ thực hiện được 88% kế hoạch doanh thu cả năm
Thanh Vũ - 31/01/2024 07:53
Trong bối cảnh doanh thu sụt giảm, chuỗi Điện máy Xanh và Thế giới Di động đã đóng nhiều cửa hàng. Ngược lại, thương hiệu Bách hóa Xanh lại đón nhận tin mừng khi đã đạt mục tiêu hòa vốn.

Kinh doanh điện máy thất thế

Khép lại một năm 2023 đầy khó khăn, Công ty Cổ phần đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) có tổng doanh thu thuần dừng ở mức 118.280 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước. Với con số trên, doanh nghiệp chỉ mới thực hiện được 88% kế hoạch doanh thu cả năm.   

Doanh thu thuần cả năm 2023 của MWG. Ảnh: MWG

Nhận định về kết quả này, ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết nguyên nhân đến từ việc thu nhập, niềm tin và xu hướng tiêu dùng của người dân Việt Nam có chiều hướng đi xuống, trong bối cảnh nền kinh tế kém khả quan. Việc sức mua suy giảm ở hầu hết ngành hàng, đặc biệt là các mặt hàng không thiết yếu, chính là khó khăn lớn nhất mà MWG đang phải đối mặt.

Xét về cơ cấu doanh thu theo chuỗi, chuỗi Điện máy Xanh (ĐMX) vẫn là “con át chủ bài” của MWG khi chiếm tới 46,7% doanh thu. Xếp sau là chuỗi Bách hóa Xanh (BHX) và Thế giới Di động (TGDĐ) với tỷ lệ lần lượt là 26,7% và 23,9%.

Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh bán lẻ ICT (thị trường thiết bị công nghệ) của ĐMX và TGDĐ đều không khả quan, khi doanh thu cả năm của hai thương hiệu này đều suy giảm so với năm trước. Theo MWG, hai chuỗi này bị tác động nặng nề nhất do nhu cầu yếu và tâm lý tiêu dùng tiết kiệm của người dân. Hiện công ty đã đóng cửa gần 200 cửa hàng ĐMX và TGDĐ hoạt động không hiệu quả trong quý IV/2023. 

Tuy vậy, tỷ lệ giảm so với cùng kỳ năm trước đã có sự cải thiện liên tục, từ mức giảm 34% trong quý I/2023, sang mức giảm 20% trong quý II, xuống giảm 14% trong quý III và giảm còn 7% trong quý IV”, MWG đánh giá tình hình của chuỗi ĐMX và TGDĐ.

Trong năm 2023, doanh thu của hầu hết ngành hàng điện máy đều giảm, trừ các sản phẩm máy lạnh. Ngoài ra, các thiết bị iPhone cũng chính là “cứu cánh” của hãng khi vẫn tăng trưởng dương trong bối cảnh doanh thu chung từ các thiết bị điện thoại đều suy giảm.  

Chuỗi Bách hóa Xanh (BHX) chính là điểm sáng của MWG khi có doanh thu cả năm đạt 31.600 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022. Thậm chí, doanh thu quý IV/2023 còn tăng tới 31% so với cùng kỳ năm trước.

Theo MWG, ngay cả khi hãng không mở thêm cửa hàng mới, chuỗi BHX vẫn tăng trưởng về doanh thu. Đáng chú ý, thương hiệu này đã đạt mục tiêu hòa vốn trong tháng 12/2023 và kỳ vọng sẽ bắt đầu có lãi trong năm 2024.

Với chuỗi nhà thuốc An Khang, doanh thu cả năm đạt 2.200 tỷ đồng, tăng 43% so với năm trước. Còn doanh thu chuỗi Avakids đạt gần 900 tỷ đồng, tăng 80% so với năm 2022.

Chuỗi điện máy ở Indonesia là Erablue ghi nhận doanh thu cả năm 2023 gấp 20 lần so với năm trước. Trong tháng 12/2023, doanh thu bình quân của cửa hàng chuẩn đạt 4,5 tỷ đồng và của cửa hàng mini là 2,5 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2023, MWG đang vận hành 38 cửa hàng Erablue, tăng so với con số 5 cửa hàng vào cuối năm 2022.

Ngành bán lẻ ICT sẽ từng bước phục hồi

Theo Công ty Chứng khoán SSI, doanh thu của các doanh nghiệp bán lẻ điện thoại và điện máy có thể sẽ phục hồi 5% so với cùng kỳ trong năm 2024. Mặc dù môi trường kinh tế vĩ mô dự kiến vẫn còn nhiều thách thức trong năm nay nhưng một số khó khăn sẽ giảm bớt so với năm trước, từ đó hỗ trợ phục hồi tiêu dùng.

Doanh thu đến từ các thiết bị điện thoại sẽ được cải thiện trong năm 2024. Ảnh: Freepik


Riêng với mảng điện thoại di động, Công ty chứng khoán VnDirect cho rằng chu kỳ tiêu thụ điện thoại mới được cho là sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2024. Đây là thời điểm nhiều mẫu smartphone mới ra mắt và nền kinh tế dần phục hồi tốt hơn.

Ngoài ra, năm nay cũng là thời điểm Việt Nam tắt sóng 2G, đây sẽ là lý do để một bộ phận người dùng nâng cấp điện thoại. Không chỉ vậy, các mẫu iPhone - một trong những dòng smartphone bán chạy nhất Việt Nam - hứa hẹn sẽ bùng nổ doanh số khi Apple nâng hạng thị trường Việt Nam. Các yếu tố trên sẽ góp phần giúp thị trường tiêu thụ điện thoại di động khởi sắc hơn. 

Xét với ngành bán lẻ ICT nói chung, VnDirect cũng dự đoán đà tăng trưởng sẽ trở lại trong giai đoạn năm 2024 - 2025. Tuy nhiên, phải tới năm 2025, doanh thu ở mảng ICT mới có thể quay trở lại mức của năm 2022 – mức đỉnh điểm tiêu dùng sau đại dịch.

“Nhìn chung, thị trường công nghệ và điện máy ở Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Dẫu vậy, nếu nhìn về dài hạn, dư địa tăng trưởng cho các nhà bán lẻ ở lĩnh vực này vẫn còn đó. Bởi lẽ, Việt Nam là thị trường có dân số trẻ trên 100 triệu người (trong đó 70% dưới 35 tuổi), dân số thành thạo về công nghệ cùng với sự phát triển của thương mại điện tử và sự mở rộng của tầng lớp trung lưu”, các chuyên gia của VnDirect nhận định.

Tin liên quan
Tin khác