Thời sự
Mỹ - Trung gỡ thuế, chứng khoán châu Á vẫn trái chiều
Lê Quân - 08/11/2019 14:47
Chứng khoán châu Á phiên 8/11 vẫn ghi nhận những trạng thái trái ngược nhau trong do nhà đầu tư chưa hết nghi ngại về thương chiến Mỹ - Trung.
Ngược sóng với thị trường Trung Quốc đại lục, chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất 0,44%. Ảnh: AFP

Chứng khoán Trung Quốc đại lục ghi nhận phiên lên điểm chiều nay với chỉ số Shanghai Composite nhích 0,35% còn Shenzhen Composite tăng 0,86%. Trên sàn Hong Kong, chỉ số Hang Seng ngược sóng với thị trường đại lục và mất 0,44%.

Hãng tin Reuters dẫn số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy xuất nhập khẩu trong tháng 10 của nước này sụt giảm. Kim ngạch xuất khẩu (tính bằng USD) tháng 10 của Trung Quốc giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi kim ngạch nhập khẩu lao dốc 6,4%. Trước đó, các nhà kinh tế dự báo với Reuters rằng hai con số trên lần lượt trượt dốc 3,9% và 8,9%.

Chứng khoán Nhật Bản ghi nhận sóng tăng với chỉ số Nikkei 225 nhích 0,15% khi cổ phiếu của gã khổng lồ SoftBank Group tăng vọt 2,96%, còn chỉ số Topix tăng 0,1%. Trong khi đó, chứng khoán Hàn Quốc bị kéo tụt 0,17% do cổ phiếu của nhà sản xuất chip SK Hynix mất hơn 1%. Chứng khoán Australia cũng chứng kiến phiên sụt giảm với chỉ số S&P/ASX 200 trượt 0,25%.

Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) sụt giảm 0,27%.

Thương chiến Mỹ - Trung hôm qua có dấu hiệu “hạ nhiệt” khi người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết hai bên đã nhất trí cùng gỡ bỏ một số dòng thuế quan lên hàng hóa của nhau. Hai bên cũng đã tiến gần tới thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau những cuộc đàm phán tích cực 2 tuần qua.

Reuters cũng dẫn lời 1 quan chức Mỹ cho biết, 2 bên đã nhất trí gỡ bỏ thuế quan, tuy nhiên kế hoạch gỡ thuế sẽ đối mặt với làn sóng phản đối ở Nhà Trắng.

Tiến triển đàm phán từ chỗ “ngừng chiến” đến gỡ bỏ thuế quan là rất quan trọng và cho thấy hai bên đang đứng trước áp lực để ký thỏa thuận thương mại, Tapas Strickland, giám đốc khối kinh tế và thị trường tại Ngân hàng Quốc gia Australia bình luận.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng tâm lý thị trường khó có thể cải thiện bởi những diễn biến thương chiến Mỹ - Trung nói trên.

Ngay cả khi Mỹ - Trung đạt thỏa thuận và gỡ bỏ thuế, từng đó cũng chưa đủ để phục hồi chu kỳ vốn toàn cầu, Jonathan Cavenagh, giám đốc điều hành kiêm trưởng bộ phận các thị trường mới nổi tại tập đoàn tài chính J.P. Morgan nhận định. “Nếu là doanh nghiệp, bạn sẽ nghĩ tới chuyện ‘đi đâu’ trong vòng 3 - 5 năm tới, bạn sẽ suy nghĩ rất cẩn trọng xem quan hệ Mỹ - Trung sẽ “bằng phẳng” ra sao và điều đó tác động thế nào tới chuỗi cung ứng toàn cầu”, Cavenagh nói thêm.

Chứng khoán Mỹ đêm qua tiếp tục lập đỉnh khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng thêm 182,24 điểm và chốt phiên với 27.674,80 điểm, còn S&P 500 đóng cửa ở mức 3.085,18, tăng 0,3%. Chỉ số Nasdaq Composite kết thúc giao dịch tăng 0,3% lên 8.434,52 điểm.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm hôm qua cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục lên 1,9121% kể từ khi Tổng thống Donald Trump nắm quyền.

Động thái Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá là tâm điểm chú ý trên thị trường tiền tệ châu Á hôm nay. Lần đầu tiên kể từ đầu tháng 8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thiết lập tỷ giá trung tâm mạnh hơn mức trên 7 CNY/USD. Tỷ giá CNY/USD thị trường đại lục dao động +/-2% so với tỷ giá trung tâm. Nhân dân tệ gần những ngày đây rất được chú ý sau khi mạnh lên và giao dịch dưới ngưỡng 7 CNY/USD. Nhân dân tệ hôm nay trao tay ở mức 6,9757 CNY/USD tại thị trường nội địa và 6,975 CNY/USD ở hải ngoại.

Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác hôm nay vượt mốc 97,6 hồi đầu tuần lên mức 98,115. Đồng yên Nhật Bản chiều nay trượt giá từ mức 109 JPY/USD phiên hôm qua về 109,23 JPY/USD, đô la Australia cũng mất giá và trao tay ở mức 1 AUD/0,6882 USD.

Giá dầu trên thị trường châu Á chiều nay sụt giảm, với giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 0,18% về mức 62,18 USD/thùng còn dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ trượt giá 0,35% còn 56,95 USD/thùng.

Tin liên quan
Tin khác