Năm 2022, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite hứng chịu mức sụt giảm sâu nhất kể từ năm 2008. Ảnh: AFP |
2023 sẽ là một năm khó khăn
Thương vụ IPO công nghệ đáng chú ý duy nhất ở Mỹ trong năm 2022 đến từ công ty con của Intel Mobileye, một công ty chuyên sản xuất công nghệ cho ô tô tự lái. Theo Công ty dữ liệu tài chính FactSet, Mobileye đã huy động được chưa đầy 1 tỷ USD và ngoài ra thị trường không có thương vụ IPO công nghệ khác, thậm chí thương vụ 100 triệu USD.
Ngược lại, năm 2021 thị trường Mỹ chứng kiến ít nhất 10 thương vụ IPO công nghệ với số vốn huy động từ 1 tỷ USD trở lên và chưa kể đến hoạt động niêm yết trực tiếp của các công ty công nghệ như Roblox, Coinbase và Squarespace.
Câu chuyện hoàn toàn đảo ngược trong năm 2022 khi các nhà đầu tư bảo lãnh rủi ro chùn tay trước rủi ro suy thoái kinh tế và lãi suất tăng cao. Các công ty trước khi IPO cũng đã thay đổi kế hoạch của họ sau khi chứng kiến giá cổ phiếu của các công ty cùng ngành trên thị trường đại chúng "bay hơi" tới 50 - 60% và trong một số trường hợp, lên tới hơn 90% so với giá trị cao nhất thiết lập năm 2021.
Tổng vốn huy động được các giao dịch IPO đã giảm mạnh 94% trong năm 2022, từ 155,8 tỷ USD xuống còn 8,6 tỷ USD, theo báo cáo IPO được Ernst & Young công bố vào giữa tháng 12. Trong quý IV/2022, thị trường IPO tiếp tục suy yếu và trở thành quý hoạt động kém hiệu quả yếu nhất trong năm.
Việc chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite hứng chịu mức sụt giảm hàng năm sâu nhất kể từ năm 2008 và tiếp tục trở thành chỉ số hoạt động kém hơn chỉ số S&P 500 trong nhiều năm liên tiếp kể từ năm 2006-2007 vì các nhà đầu tư công nghệ vẫn đang tìm kiếm dấu hiệu tạo đáy.
Ông David Trainer, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu chứng khoán New Constructs, khuyến nghị rằng các nhà đầu tư trước tiên cần nắm bắt thực tế và quay lại định giá các công ty công nghệ mới nổi dựa trên các nguyên tắc cơ bản chứ không phải dựa trên những điều hứa hẹn xa vời.
Khi thị trường IPO công nghệ bùng nổ trong năm 2020 và 2021, ông Trainer đã phất cờ cảnh báo rằng báo cáo chi tiết của các công ty phần mềm, thương mại điện tử và công nghệ sẽ đẩy mức định giá thị trường tư nhân cao ngất ngưởng của họ ra thị trường đại chúng. Lời cảnh báo của ông Trainer khi đó dường như là "điều hài hước", nhưng đến nay nó có vẻ hợp lý khi cổ phiếu của Robinhood, Rivian, và Sweetgreen đều giảm ít nhất 85% so với đỉnh giá vào năm ngoái.
"Cho đến khi chúng tôi thấy sự quay trở lại liên tục của việc phân bổ vốn thông minh là động lực chính của các quyết định đầu tư, thì thị trường IPO sẽ vẫn gặp khó khăn", ông Trainer lưu ý.
Tuần trước, bà Lynn Martin, Chủ tịch Sở giao dịch chứng khoán New York bình luận trên đài CNBC rằng bà "lạc quan về năm 2023" vì "sức nén trên thị trường sẽ còn mạnh hơn" và các giao dịch IPO sẽ tăng lên khi sóng gió thị trường bắt đầu tiêu tan.
Đối với các công ty đang xúc tiến IPO, vấn đề không đơn giản như vượt qua sự suy giảm và biến động của thị trường. Họ phải chấp nhận rằng mức định giá mà họ nhận được từ các nhà đầu tư tư nhân không phản ánh sự thay đổi trong tâm lý thị trường đại chúng.
Các công ty huy động vốn thành công trong vài năm qua đã chứng kiến giá cổ phiếu liên tục tăng khi lãi suất liên tục neo ở mức thấp nhất lịch sử và công nghệ thúc đẩy những thay đổi lớn trong nền kinh tế Mỹ.
Thương vụ IPO "khủng" của Facebook vào năm 2012 và thương vụ tương tự của Uber, Airbnb, Twilio và Snowflake đã kiến tạo hệ sinh thái công nghệ tại Mỹ.
Trong khi đó, các công ty đầu tư mạo hiểm cũng đã huy động được số tiền lớn hơn bao giờ hết, cạnh tranh với một loạt quỹ phòng hộ mới và các công ty cổ phần tư nhân đang đổ tiền vào lĩnh vực công nghệ.
Riêng năm 2021, các công ty đầu tư mạo hiểm đã huy động được 131 tỷ USD, biến 2021 là năm đầu tiên đạt mức 100 tỷ USD và năm thứ hai liên tiếp đạt hơn 80 tỷ USD, theo Hiệp hội đầu tư mạo hiểm quốc gia Mỹ (NVCA).
Ông Don Butler, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư mạo hiểm Thomvest Ventures không kỳ vọng thị trường IPO Mỹ sẽ có bước cải thiện đáng kể trong năm 2023. Các đợt tăng lãi suất liên tục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ đẩy nền kinh tế này vào suy thoái và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nhà đầu tư hào hứng chấp nhận rủi ro.
"Những gì tôi đang thấy là các công ty đang lo ngại nhu cầu B2B và nhu cầu của người tiêu dùng sẽ suy yếu", ông Butler nói; đồng thời cho rằng: "Điều đó cũng sẽ khiến 2023 trở thành một năm khó khăn". Đại diện Thomvest Ventures cũng lưu ý, Thung lũng Silicon sẽ phải thích nghi với việc khó có thể đạt tăng trưởng trước khi thị trường IPO khởi sắc trở lại.
"Tiền mặt là vua"
Databricks là công ty tư nhân được định giá cao và hiện vẫn duy trì mức định giá đó. Công ty này chuyên phát triển các phần mềm hỗ trợ lưu trữ và làm sạch dữ liệu để nhân viên có thể phân tích và sử dụng dữ liệu đó.
Databricks đã huy động được 1,6 tỷ USD với mức định giá thị trường 38 tỷ USD vào tháng 8/2021, gần mức cao nhất trên thị trường. Tính đến giữa năm 2021, công ty phần mềm này đang trên đà tạo ra 1 tỷ USD doanh thu hàng năm, tăng trưởng 75% so với năm 2020.
Giám đốc điều hành Databricks, ông Ali Ghodsi, cho rằng: "Nếu niêm yết đại chúng, điều duy nhất quan trọng là dòng tiền hiện tại và bạn đang làm gì hàng ngày để tăng dòng tiền của mình". "Tôi nghĩ điều đó thật thiển cận, nhưng tôi hiểu đó là nhu cầu của thị trường lúc này. Chúng tôi chưa niêm yết, vì vậy chúng tôi không phải sống theo điều đó", ông Ghodsi nói.
Giám đốc điều hành Databricks tiết lộ công ty này có "rất nhiều tiền mặt" và ngay cả trong một kịch bản "bầu trời sụp đổ" như vụ sụp đổ dot-com năm 2000, công ty này "sẽ được bơm vốn đầy đủ một cách rất lành mạnh mà không cần huy động thêm bất kỳ khoản tiền nào".