Nafoods là công ty chuyên chế biến và xuất khẩu mặt hàng trái cây. Trong ảnh: Vùng nguyên liệu của Nafoods. Ảnh: Đức Thanh |
Cú hích từ IFC
Nafoods Group vừa công bố nghị quyết liên quan đến việc nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%; điều chỉnh, loại bỏ một số ngành nghề kinh doanh và sửa đổi điều lệ. Động thái được đưa ra sau khi công ty này nhận được khoản đầu tư 8 triệu USD của Công ty Tài chính (IFC) vào tháng 6/2019 dưới hình thức cổ phiếu ưu đãi và có khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.
Theo đó, Nafoods sẽ loại bỏ các ngành nghề như hoạt động viễn thông, hoạt động dịch vụ trồng trọt, kinh doanh bất động sản... Nafoods cũng điều chỉnh ngành bán buôn thực phẩm, bán buôn nông, lâm sản nguyên liệu, bán lẻ.
Nafoods là công ty chuyên chế biến và xuất khẩu mặt hàng trái cây phục vụ các thị trường ngách, là doanh nghiệp đi đầu trong chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ chanh leo. Hàng năm, Công ty thu mua hơn 13.300 tấn trái cây tươi và trái cây đã qua chế biến từ Tây Nguyên, vùng núi Tây Bắc, duyên hải Bắc Trung bộ.
Năm ngoái, Nafoods đã ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác với các đối tác đến từ các thị trường lớn và tiềm năng như: Nongfu (Trung Quốc), Voskhod (Nga), 4Ways (Australia) và các đối tác đến từ Ấn Độ, Trung Đông...
Ông Ryan W.Galloway, Giám đốc kinh doanh Nafoods cho biết, Ban lãnh đạo mới của Nafoods bắt đầu làm việc từ quý II/2018, trong 6 tháng cuối năm 2018 đã tạo ra 20 triệu USD doanh thu trên tổng số 600 tỷ đồng của cả năm. Dự kiến, 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của Nafoods bằng doanh thu của cả năm 2018, kế hoạch cuối năm nay doanh thu sẽ vượt 1.000 tỷ đồng.
Nafoods Group đặt mục tiêu đến năm 2022 đạt hơn 2.300 tỷ đồng doanh thu; tỷ suất lợi nhuận gộp hơn 25%, tỷ suất EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) hơn 15%, tỷ suất lợi nhuận sau thuế hơn 10%, ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) hơn 25%; có hơn 1.000 khách hàng chất lượng, với 70% doanh số bán trực tiếp; kiểm soát 50% nguyên liệu toàn Việt Nam cho 5 loại trái cây trọng điểm; hệ thống 5 kho chính và hơn 100 điểm chuyển giao kỹ thuật/đại lý bán giống trên cả nước.
Sẵn sàng mở cửa
Gia nhập thị trường cách đây 24 năm, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh nước giải khát có gas, đến nay, Nafoods Group đã trở thành doanh nghiệp có tên tuổi trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nước ép trái cây và rau, củ, quả đông lạnh.
Sau khi niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) từ năm 2015 với mã NAF, Nafoods được không ít nhà đầu tư “dòm ngó”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Nafoods Group khẳng định, Công ty luôn sẵn sàng mở cửa đối với các nhà đầu tư có lợi thế về quỹ đất cũng như tiềm lực tài chính. Sau khi hợp tác với IFC, Nafoods muốn nâng room ngoại lên 100%. Tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại tại công ty thấp và room luôn trống trên 40%. Công ty có một cổ đông tổ chức nước ngoài lớn là Endurance Capital Vietnam Limited, với tỷ lệ sở hữu 5,26%.
Có thể nói, IFC là một trong các định chế tài chính quốc tế hoạt động tích cực nhất tại thị trường Việt Nam. Đây là một trong những “cánh tay phải” của Ngân hàng Thế giới (WB), hoạt động với mục tiêu trợ vốn cho các nước đang phát triển. Trong năm tài chính 2019, tổng đầu tư dài hạn của IFC tại các nước đang phát triển đạt 19 tỷ USD.
Không chỉ mạnh tay rót vốn vào các ngân hàng, IFC còn là bệ đỡ cho các công ty quản lý quỹ như Dragon Capital, Mekong Capital, hay những công ty chứng khoán chuyên đầu tư hơn là môi giới như Chứng khoán Thiên Việt.
Danh mục đầu tư của IFC tại Việt Nam còn trải khắp các lĩnh vực quan trọng khác, như nông nghiệp với các tên tuổi Anova, PAN Group…, đến lĩnh vực năng lượng, hạ tầng là Công ty Điện Gia Lai, Dự án cảng Cái Mép, cảng Cái Lân.
Giới chuyên môn cho rằng, sự “nhúng tay” của IFC vào Nafoods được cho là bảo chứng để công ty này dễ tiếp cận nguồn vốn ngoại hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh Nafoods trên đà trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất chuỗi giá trị nông nghiệp cạnh tranh toàn cầu từ trồng trọt, sản xuất chế biến và bán hàng.
Cơ hội cho nhà đầu tư ngoại ngày càng rộng mở. Tuy nhiên, theo ông Lê Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc đầu tư, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, hiện tổng vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 145 tỷ USD, nhà đầu tư ngoại đang sở hữu 35 tỷ USD và giá trị nắm giữ tính theo room còn lại khoảng 18 tỷ USD. Thực tế cho thấy, một nửa room còn lại của thị trường đang nằm ở 5 công ty lớn, còn lại 751 công ty đang niêm yết thì room nước ngoài 8,5 tỷ USD. Như vậy, trung bình room nước ngoài tại các công ty này chỉ là 11 triệu USD/công ty, là con số khá thấp.
Đây cũng là điều mà Nafoods phải cân nhắc khi mở “room” ngoại kịch kim.