- "Kiểm toán Nhà nước cần kiểm tra công trình đầu tư xây dựng BOT"
- Gói thầu cung cấp thang máy trụ sở Kiểm toán Nhà nước Khu vực II: Nghi vấn về sự sính ngoại
- Kiểm toán Nhà nước nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng
- Sabeco phản biện đề xuất truy thu 408 tỷ đồng của Kiểm toán Nhà nước
- Kiểm toán nhà nước không bị liên đới khi không phát hiện ra sai phạm
Cho ý kiến vào Kế hoạch kiểm toán năm 2017 vào chiều nay tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 4, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, ông Võ Trọng Việt cho rằng: “Thanh tra, kiểm toán như đi trên giời còn tham nhũng, tham ô, thất thoát, lãng phí đi dưới đất nên chẳng mấy khi gặp nhau”.
Ông Việt ví von: “Thanh tra, kiểm toán và tham ô, tham nhũng, thất thoát, lãng phí như hai đường ray xe lửa, chỉ gặp nhau ở các ga tàu hỏa, đó là các vụ tham ô, tham nhũng, thất thoát được kiểm toán phanh phui, nhưng chủ yếu cũng đều do báo chí, người dân phát hiện ra trước đó”.
Ông Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, tính đến đầu tháng 9/2016, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính là 13.150,7 tỷ đồng; đồng thời, nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các bộ ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán cũng đã được phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời.
Về thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2015, ông Phớc cho biết, tính đến đầu tháng 9/2016, tổng số kiến nghị xử lý tài chính các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện 9.046/19.194 tỷ đồng đạt hơn 47%. “Số kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện, KTNN tiếp tục đôn đốc, tổ chức kiểm tra trong những tháng còn lại của năm 2016”, ông Phớc nói thêm.
Nhìn lại công tác kiểm toán những năm gần đây, ông Võ Trọng Việt cho rằng, nhiều vấn đề nhân dân, cử tri quan tâm, bức xúc chưa giải quyết được, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhiều nhưng hiệu quả không cao. Trong đó, Vinashin là ví dụ điển hình khi mà có tới 11 đoàn kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát vào làm việc tại Vinashin nhưng không phát hiện ra sai phạm.
“Thanh tra, kiểm toán đạt hiệu quả thấp có nguyên nhân rất quan trọng là nhiều cơ chế, chính sách hiện nay không phù hợp, tạo điều kiện cho tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp lách luật như doanh nghiệp sử dụng 2 sổ sách kế toán, 2 khoản chi tiêu, 2 khoản thu nhập nên rất khó phát hiện ra sai phạm”, ông Việt phát biểu.
Một trong những nhiệm vụ của kiểm toán là góp phần phát hiện ra tham ô, tham nhũng, song theo bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thì nhiệm vụ góp phần chống tham ô, tham nhũng, thất thoát, lãng phí của KTNN đạt được rất thấp.
“Từ đầu năm đến nay, KTNN chưa chuyển hồ sơ vụ việc nào sang cơ quan Công an để điều tra, khởi tố vụ án tham ô, tham nhũng, thất thoát, lãng phí”, bà Nga minh chứng.
Bà Nga đã từng kỳ vọng, sau khi Luật KTNN được sửa đổi năm 2015 sẽ góp phần chống tham ô, tham nhũng, nhưng sau 9 tháng triển khai mà chưa có vụ việc tham nhũng, tham ô nào được KTNN phát hiện được điều tra, truy tố nên bà Nga đã đặt ra hàng loạt câu hỏi và tự trả lời: “Phải chăng các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã chấp hành tốt công tác quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước? Chắc chắn là không vì nhiều báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ ra điều này. Phải chăng các vụ tham ô, tham nhũng rất nhỏ, chưa đến mức phải truy tố, khởi tố hình sự? Chắc chắn là không vì thẩm tra Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra điều này”.
Bà Nga yêu cầu KTNN phải báo cáo Quốc hội cụ thể đơn vị nào, cơ quan nào, tổ chức nào, doanh nghiệp nào và ai là người đứng đầu đơn vị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không thực hiện, thực hiện không nghiêm túc kiến nghị của KTNN. Vì theo bà, không thể chấp nhận, qua 1 năm mới thực hiện được 9.046 tỷ đồng trong tổng số 19.194 tỷ đồng vi phạm về tài chính đã được KTNN kiến nghị xử lý.
“Thực hiện kiến nghị của KTNN đạt tỷ lệ quá thấp, cần phải kiểm toán lại những đơn vị không thực hiện, thực hiện không nghiêm kiến nghị của KTNN”, Tổng thư ký Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc đồng tình.
Ông Hồ Đức Phớc phân trần, sau khi KTNN có kết luận, kiến nghị bao giờ Tổng KTNN cũng có thư gửi bộ trưởng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, bí thư các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị kiểm toán nhưng giải pháp này cũng không có hiệu quả vì vấp phải sự phản ứng của đơn vị được kiểm toán bằng nhiều cách khác nhau.
Ông Phớc dẫn chứng, kiểm toán Sabeco, KTNN kiến nghị truy thu 408 tỷ đồng. Ngay sau khi KTNN công bố kết luận kiểm toán truy thuy thuế, Sabeco tổ chức hội thảo với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, thuế, tài chính, lãnh đạo một số bộ ngành và đại biểu Quốc hội. Tại hội thảo này, họ cố gắng chứng minh kết luận KTNN không đúng, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tương tự như vậy, ngay sau khi công bố kết luận kiểm toán truy thu hơn 920 tỷ đồng tiền thuế, Habeco cũng tổ chức hội thảo để chứng minh KTNN gây khó khăn cho doanh nghiệp và kết luận của KTNN không đúng.
“Chúng tôi vẫn kiên quyết yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện kiến nghị, kết luận của KTNN. Nhiều khi đi yêu cầu họ truy thu, truy hồi, nộp tiền vi phạm vào ngân sách nhà nước như… đi đòi nợ”, ông Phớc chia sẻ.
Lý giải về việc KTNN ngại chuyển các vụ việc vi phạm sang cơ quan Công an để điều tra, truy tố, ông Phớc trần tình: “Nhiều vụ việc chuyển sang cơ quan công an thì anh em kiểm toán bị cơ quan Công an mời lên làm việc liên tục, coi họ không khác gì người vi phạm chính vì vậy anh em rất nản, rất ngại chuyển hồ sơ các vụ vi phạm sang Công an”.