Ngày 12/3, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức - do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ (GIZ) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, khái niệm kinh tế sáng tạo đã ra đời và liên tục điều chỉnh trong hơn ba thập kỷ qua. Với tư duy thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, mỗi nền kinh tế cũng có thể tận dụng khung chính sách hiện có trên các mô hình kinh tế khác. Các dịch vụ sáng tạo ở không ít nền kinh tế được đánh giá là có sức chống chịu và khả năng phục hồi tốt hơn trong thời kỳ đại dịch.
“Quan trọng hơn, tư duy về kinh tế sáng tạo giúp hoàn thiện chính sách để các ý tưởng sáng tạo có đủ điều kiện, chu trình từ hình thành, sản xuất, cung ứng, phân phối và kể cả xuất khẩu. Từ đó, mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế, lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và thu nhập cao hơn cho người lao động”, TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Hội thảo tham vấn “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”. |
Trình bày một số kết quả nghiên cứu ban đầu của CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, ban đầu, kinh tế sáng tạo gắn chặt với các lĩnh vực nghệ thuật, văn hoá, thiết kế và tập trung nhiều vào các ngành giải trí, thời trang và xuất bản, sau đó được mở rộng ra khoảng 13 ngành riêng biệt khác bao gồm một số ngành mới như phần mềm giải trí tương tác, phần mềm máy tính. Theo Hệ thống HS, kinh tế sáng tạo bao gồm khoảng gần 200 mặt hàng ở cấp độ HS 6 chữ số.
Theo ông Dương, khái niệm về kinh tế sáng tạo vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. kinh tế sáng tạo được nhìn nhận khác nhau trong các bối cảnh địa lý khác nhau. Sự ra đời của công nghệ số khiến khái niệm và phạm vi của kinh tế sáng tạo và các ngành công nghiệp sáng tạo tiếp tục được đổi mới.
Việt Nam đã nhận thấy tiềm năng phát triển của kinh tế sáng tạo. Thống kê cho thấy quy mô xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam là không nhỏ. Ngoài ra, cũng chưa có khái niệm cụ thể về kinh tế sáng tạo phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.
Theo thống kê của CIEM, Top 10 nền kinh tế phát triển xuất khẩu hàng hoá sáng tạo hàng đầu bao gồm: Hoa Kỳ, Italy, Đức, Pháp, Anh, Hàn Quốc, Ba Lan, Thuỵ Sỹ, Hà Lan, Nhật Bản với tổng 176.704 triệu USD, chiếm 33,7% tổng xuất khẩu hàng hoá sáng tạo trên thế giới.
Trong khi đó, Top 10 nền kinh tế đang phát triển xuất khẩu hàng hoá sáng tạo hàng đầu trên thế giới bao gồm: Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Việt Nam, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Thái Lan với tổng xuất khẩu hàng hoá sáng tạo đạt 276.997 triệu USD, chiếm 33,7% tỷ trọng xuất khẩu hàng hoá sáng tạo thế giới.
Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa nhóm hàng hóa sáng tạo được xuất khẩu giữa nhóm các nước đang phát triển và các nước phát triển. Các nước phát triển thống trị xuất khẩu xuất bản, nghệ thuật thị giác và nghe nhìn, trong khi các nước đang phát triển thống trị xuất khẩu thiết kế và thủ công mỹ nghệ.
Theo đánh giá của CIEM, Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới xét về giá trị hàng hoá xuất khẩu (2020). Các ngành kinh tế sáng tạo gồm có: (i) Thủ công mỹ nghệ; (ii) Thời trang và thiết kế; (iii) Nghệ thuật ẩm thực; (iv) Nghệ thuật biểu diễn; (v) Nghệ thuật tạo hình; (vi) Phim & Truyền thông; (vii) CNTT và kỹ thuật phần mềm; (viii) Du lịch & Di sản văn hoá; (ix) Âm nhạc & Giải trí; (x) Xuất bản & Văn học; (xi) Sáng tạo nội dung số (blog, vlog, podcast và tạo nội dung trên mạng xã hội); (xii) Tiếp thị và quảng cáo số.
Nhân tố hỗ trợ kinh tế sáng tạo tại Việt Nam là dân số trẻ, hiểu biết về công nghệ; chính sách tạo thuận lợi của Nhà nước; di sản văn hoá phong phú; quá trình số hoá diễn ra nhanh chóng; tăng cường hội nhập với kinh tế toàn cầu.
Mặc dù, có nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi cấp vốn cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo nhưng theo ông Nguyễn Anh Dương, vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện các dự án kinh tế sáng tạo tại Việt Nam.
Cụ thể, theo khảo sát của CIEM tại một số địa phương trong thời gian qua cũng cho thấy cách hiểu khác nhau về kinh tế sáng tạo, thậm chí thiếu sự phân định rạch ròi với đổi mới sáng tạo.
Từ kinh nghiệm của quốc tế, CIEM sẽ hoàn thiện báo cáo nghiên cứu của mình để đề xuất hoàn thiện các thể chế chính sách, pháp luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp cho sự phát triển kinh tế sáng tạo, tham mưu lồng ghép kinh tế sáng tạo trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế, chính sách xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ.