Đầu tư và cuộc sống
Nâng cao chất lượng sống cho nông thôn Hải Phòng
Thanh Sơn - 08/09/2021 14:10
Với 100% xã đạt nông thôn mới, có thể khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã tạo nên diện mạo mới cho nông thôn Hải Phòng.
Nuôi trồng thủy sản tại huyện Tiên Lãng.

Năm 2020 vừa qua, Hải Phòng đã triển khai xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu gắn kết chặt chẽ với quá trình đô thị hóa của Thành phố. Đây có thể coi là một trong những động lực chính góp phần thúc đẩy quá trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Đó còn là sự chuẩn bị tốt về hạ tầng, cơ sở vật chất cho việc chuyển đổi một số huyện lên quận. Trong đó, ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, kết nối thông suốt từ thành phố đến huyện, xã, thôn với 4 loại quy mô (mặt đường rộng 9 m, 7 m, 5,5 m, 3,5 m, có hệ thống chiếu sáng, thoát nước, vỉa hè, cây xanh) tính chất như đường đô thị...

Thực hiện chương trình xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu theo chủ trương của Thành ủy, Hải Phòng đã lựa chọn 8 xã để triển khai thí điểm. Đó là các xã Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo), Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng), Thụy Hương (huyện Kiến Thụy), Tân Dân (huyện An Lão), Đồng Thái (huyện An Dương), Gia Minh, Gia Đức (huyện Thủy Nguyên), Xuân Đám (huyện Cát Hải). Việc triển khai thực hiện từ năm 2020 - 2023.

Tính đến hết năm 2020, các địa phương trên đã hoàn thành 38 công trình (37 công trình giao thông tương ứng 32,29 km và 1 công trình về môi trường). Việc xây dựng các công trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các vùng nông thôn. Chương trình thực sự thiết thực, được nhân dân đồng tình và ủng hộ rất cao, góp phần từng bước đô thị hóa các vùng nông thôn trên địa bàn Hải Phòng.

Ông Đỗ Gia Khánh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng cho biết, năm 2021, Thành phố lựa chọn chủ đề “Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Theo đó, công trình tại xã nông thôn mới kiểu mẫu phải tiệm cận các tiêu chí của đô thị, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chăm lo cuộc sống của người dân nông thôn. Hải Phòng đã xây dựng 100% xã đạt chuẩn xã nông thôn mới từ năm 2019.

Hiện, Thành phố đang tập trung cao cho việc triển khai xây dựng, hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu tại 8 xã thí điểm. Đồng thời, trong quý III và quý IV/2021, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai thí điểm thêm 14 xã với nguồn kinh phí dao động từ 150 đến 200 tỷ đồng/xã. Cụ thể, huyện Thủy Nguyên có 5 xã gồm Kênh Giang, Liên Khê, Lưu Kiếm, Thủy Đường, Hòa Bình. Huyện An Dương có 3 xã gồm Quốc Tuấn, An Hòa, Đặng Cương. Huyện Vĩnh Bảo có các xã Tam Đa, Hòa Bình. Huyện Tiên Lãng có các xã Cấp Tiến, Tiên Thắng. Huyện Kiến Thụy có xã Thanh Sơn. Huyện An Lão có xã Chiến Thắng. Giai đoạn 2022 - 2025, tiếp tục triển khai hoàn thành tại 115 xã còn lại.

“Việc xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, giá trị gia tăng, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Hình thành và mở rộng thêm các khu, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn. Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn, phát huy giá trị văn hóa, cảnh quan đặc trưng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương... để cải thiện sinh kế người dân, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững. Cụ thể hóa điều đó, Thành phố đã ban hành Kế hoạch 150/KH-UBND về cơ cấu lại ngành nông nghiệp Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025”, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết.

Theo kế hoạch, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thủy sản, kinh tế nông thôn; triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, quy trình sản xuất và chế biến tiên tiến (VietGAP, VietGAPH, GlobalGAP, HACCP...), xây dựng hệ sinh thái rừng nhiều tầng, kết hợp cây phòng hộ, cây kinh tế, cây ăn quả và lâm sản ngoài gỗ; nâng cao năng lực nghiên cứu và dự báo cung cầu nông sản, kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối; tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống đê điều, thủy lợi, đáp ứng yêu cầu bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh...

Rõ ràng, chủ đề năm 2021 đã được Hải Phòng triển khai nhanh chóng, đường hướng rõ ràng, hiệu quả cao. Đó chính là hướng đi đúng đắn, phù hợp, nâng tầm đời sống nông nghiệp, nông thôn, góp phần tạo đà để Hải Phòng phát triển bứt phá, thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố đề ra.

Tin liên quan
Tin khác