Phát triển các trường đại học xuất sắc
Giáo dục bậc đại học là yếu tố căn bản để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ phù hợp với nền kinh tế hiện đại. Chính vì vậy, chủ trương phát triển các trường đại học xuất sắc/đẳng cấp quốc tế theo mô hình hợp tác với Đức, Pháp, Nhật Bản, Anh, Mỹ đã được đưa ra.
Đẩy mạnh phát triển các trường đại học xuất sắc theo mô hình mới, cùng sự tham gia của các trường đại học tư giúp nâng chất lượng đào tạo đại học |
Trong số đó, Trường đại học Việt Đức (VGU) (cơ sở tạm thời ở Thủ Đức, TP.HCM) đã được thành lập. Theo đó, WB cho Việt Nam vay 180 triệu USD để thực hiện trong 7 năm từ 2010 – 2017; Việt Nam góp vốn đối ứng 20 triệu USD.
Trường thứ hai là Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (hợp tác với Pháp), được triển khai sau VGU khoảng 1 năm. Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội được thành lập trên cơ sở Hiệp định Hợp tác cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Pháp.
Trường đang được xây dựng trên khuôn viên rộng 65 ha nằm trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với tổng vốn đầu tư 210 triệu USD. Trong đó, vốn vay ODA của ADB là 190 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ là 20 triệu USD, thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2017.
Đề án đại học Việt Nhật cũng được nghiên cứu từ năm 2012, với sự hỗ trợ tài chính của Nhật Bản. Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bản đề án và chủ trương thành lập Trường Đại học Việt Nhật. Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) đã được giao chủ trì dự án này. Theo đó, Đại học Việt Nhật sẽ là trường đại học công lập, thành viên của VNU, đối tác là các trường đại học Nhật Bản.
Tổng vốn đầu tư xây dựng Trường đại học Việt Nhật dự kiến khoảng 330 triệu USD, bao gồm: vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản hơn 200 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam khoảng 30 triệu USD và vốn tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức Nhật Bản khoảng 100 triệu USD.
Ngoài ra, Đại học Việt Anh và Đại học Fulbright Việt Nam (Đại học Việt Mỹ) đang trong quá trình huy động vốn và xin các thủ tục cấp phép.
Thực tế, điểm tuyển đầu vào VGU và Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội thấp hơn nhiều so với các trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam. Như vậy, các trường đẳng cấp quốc tế này không chỉ cạnh tranh với nhau, mà còn cạnh tranh với nhiều trường công.
Hiệu quả của các trường đại học tư
Trong khi có quá nhiều trường công đang cạnh tranh với nhau trong lĩnh vực giáo dục, thì một số trường tư đã khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng của mình.
Trong số các trường có yếu tố nước ngoài, thành công nhất ở bậc giáo dục đại học hiện này là Royal Melbourne Institute of Technology (RMIT), nằm trong top 300 theo bảng xếp hạng của QS World.
Nghị định số 18/2001/NĐ-CP ngày 4/5/2001 của Chính phủ về việc lập và hoạt động của các cơ sở văn hoá, giáo dục nước ngoài tại Việt Nam đã tạo cơ sở pháp lý để RMIT chính thức hoạt động tại Việt Nam. Tháng 4/2000, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy phép cho dự án 100% vốn nước ngoài này, với thời hạn 50 năm. Năm 2005, cơ sở RMIT tại Nam Sài Gòn được xây dựng, với nguồn vốn đầu tư 20 triệu USD.
Nếu như năm 2012, RMIT Vietnam có 5.145 sinh viên, thì năm 2014, số sinh viên của RMIT là hơn 6.000. RMIT đặt mục tiêu đạt mức 15.000 sinh viên vào năm 2020.
Với các trường đại học trong nước, năm 2014, Trường đại học FPT và Trường đại học Victoria (Myanmar) đã hoàn tất ký kết, triển khai một cơ sở giáo dục mang tên Victoria - FPT University tại Yangon (Myanmar).
Theo thỏa thuận hợp tác, Đại học FPT sẽ triển khai chương trình đào tạo đại học, chịu trách nhiệm về giảng viên, tổ chức giảng dạy, quản lý chất lượng. Quy mô đào tạo dự kiến bắt đầu từ 120 sinh viên trong năm 2014, tăng lên 1.000 sinh viên vào năm 2016.
Chương trình đào tạo tại Đại học Victoria - FPT sẽ tương đồng với chương trình đào tạo ngành kỹ thuật phần mềm đang triển khai tại Đại học FPT Việt Nam. Sự kiện này đã đưa Đại học FPT thành trường đại học đầu tiên của Việt Nam “xuất khẩu” giáo dục.
Chia sẻ về phát triển giáo dục, trong một đối thoại chính sách giáo dục gần đây, TS. Trần Ngọc Anh (Đại học Indiana, Hoa Kỳ) nêu ý kiến: “Nên mở cửa cho các loại trường lợi nhuận, phi lợi nhuận cùng hoạt động để cạnh tranh. Sau một thời gian hoạt động sẽ có nhóm các trường chất lượng cao, chất lượng trung và chất lượng yếu. Trước khi thị trường tự phân đoạn, sẽ có giai đoạn quá độ 5 - 7 năm. Khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải làm sao kiểm duyệt chất lượng để loại bớt những trường quá yếu”, ông Trần Ngọc Anh nói.
Liên quan vấn đề trên, TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho rằng, để tăng tỷ lệ trường ngoài công lập, thứ nhất phải tạo lập thị trường cho giáo dục đại học ngoài công lập. Việc này có thể thực hiện ngay bằng cách thu hẹp thị phần trường công lập, mỗi năm thu hẹp khoảng 7% chỉ tiêu cho các trường công trong 5 năm, giữ lại các trường có chất lượng. Thứ hai, có ưu đãi về thuế cho đầu tư giáo dục ngoài công lập. Thứ ba, phát triển thị trường đào tạo song song với giải pháp khơi nguồn tài chính.
365 triệu USD thành lập Trường Đại học Việt Nhật (Baodautu.vn) Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Đại học Việt Nhật là cơ sở giáo dục Đại học công lập trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Hải Hà