Áp lực giảm lãi vay vẫn rất lớn, trong khi nguồn vốn huy động với lãi suất cao của một số ngân hàng vẫn còn tồn dư |
Chi phí trả lãi ăn mòn lợi nhuận
Báo cáo tài chính quý III/2023 vừa công bố cho thấy, rất nhiều ngân hàng đang bị chi phí trả lãi tiền gửi đè nặng. Nhiều ngân hàng vẫn có thu nhập từ lãi (từ hoạt động cho vay), song do chi phí trả lãi tăng gấp 3 - 4 lần, nên lãi thuần tăng trưởng thấp, thậm chí còn suy giảm.
Đơn cử, tín dụng của VPBank tính đến cuối tháng 9/2023 tăng tới 19%, song thu nhập lãi thuần không tăng tương ứng (chỉ tăng 11,7%). Lý do là, trong 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi của ngân hàng tăng 23%, song chi phí trả lãi tăng tới 96%.
Tương tự, tại Techcombank, cho vay khách hàng tăng 13%, song thu nhập lãi thuần giảm hơn 14%, vì trong kỳ, thu nhập từ lãi của ngân hàng này tăng 30%, trong khi chi phí lãi tăng tới 145,4%.
Tình cảnh thu nhập từ lãi tăng thấp, trong khi chi phí trả lãi tăng cao ngất ngưởng diễn ra tại nhiều nhà băng. Tại ACB, thu nhập từ lãi tăng hơn 38%, còn chi phí lãi tăng gần 81%. Tại HDBank, thu nhập từ lãi tăng 57,5%, trong khi chi phí lãi tăng tới 113%, khiến thu nhập lãi thuần chỉ tăng vỏn vẹn 12%...
Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm nay, không ít ngân hàng rơi vào cảnh tín dụng tăng trưởng thấp, song huy động vốn tăng trưởng cao. Một số ngân hàng có huy động vốn tăng trưởng cao là HDBank (tăng 58,3%), VPBank (tăng 39%), NamABank (tăng 21%), SeABank (tăng 22%), VietBank (tăng 24,9%), Techcombank (tăng 14,1%), BacABank (tăng 18,2%), VietABank (tăng 24,9%)…
Áp lực giảm lãi vay của các ngân hàng vẫn rất lớn, trong khi nguồn vốn huy động với lãi suất cao đầu năm nay của một số ngân hàng vẫn còn tồn dư. Vì vậy, nhiều ngân hàng đang nỗ lực kéo giảm mặt bằng lãi suất huy động để giảm chi phí bình quân vốn.
Hiện chỉ còn vài ngân hàng giữ lãi suất huy động 6 - 6,1%/năm, áp dụng với tiền gửi online. Mức lãi suất huy động cao nhất hiện nay phổ biến là 5 - 5,5%/năm. Từ đầu tháng 11 này, thêm nhiều ngân hàng như Sacombank, ACB, BacABank, KienlongBank… tiếp tục hạ lãi suất huy động.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng, chi phí vốn sẽ giảm từ giữa quý IV/2023, bởi 4 lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu “ngấm” vào giá vốn.
Trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về chi phí vốn tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư cách đây vài tháng, lãnh đạo VPBank cho biết, chi phí vốn của Ngân hàng cần thời gian để điều chỉnh, khi danh mục cho vay cũ với kỳ hạn 6 - 12 tháng bắt đầu đáo hạn và dần thay thế bằng các khoản vay mới có lãi suất thấp hơn, được giải ngân trong giai đoạn lãi suất bắt đầu hạ nhiệt sau các lần điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Giảm thêm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng
Đa phần biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng đều sụt giảm trong 9 tháng đầu năm. Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, chi phí vốn sẽ giảm mạnh hơn trong thời gian tới. Tuy vậy, việc giảm giá vốn chưa tác động ngay lên NIM của ngân hàng, bởi tuy giá vốn giảm, song ngân hàng cũng phải giảm lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng.
- TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng
Thanh khoản dư thừa, lãi suất huy động tiếp tục giảm sẽ giúp chi phí vốn của các ngân hàng tiếp tục hạ, từ đó tạo điều kiện để ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay. Về lý thuyết, lãi vay giảm sẽ kích thích nhu cầu vay vốn. Tuy vậy, trong tình hình kinh tế hiện nay, cầu tín dụng phụ thuộc vào tình hình đơn hàng, đầu ra hơn là lãi suất cho vay.
Mới đây, Agribank công bố giảm thêm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu, áp dụng từ ngày 1/11/2023. Như vậy, trong 2 tháng cuối năm 2023, Agribank giảm 3 - 4% lãi suất cho vay với khách hàng hiện hữu.
Không chỉ nhóm ngân hàng “Big4” (Vietcombank, BIDV, AgriBank, VietinBank), mà các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng được chỉ đạo ráo riết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay.
Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho hay, Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức Hội nghị toàn ngành với 35 ngân hàng thương mại lớn, chiếm tỷ trọng chính trong hoạt động cho vay của nền kinh tế. Tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước đã “điểm danh” rõ những ngân hàng còn duy trì lãi suất cho vay cao và yêu cầu tìm giải pháp giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Mặc dù vậy, lãi suất không còn là rào cản lớn nhất với tín dụng hiện nay. PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, nền kinh tế đang rơi vào tình trạng “ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp đói vốn”. Nguyên nhân là bởi, doanh nghiệp không hấp thụ nổi vốn, không thể vay được vốn và cũng không biết vay vốn để làm gì.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nguyên nhân khiến tín dụng đóng băng thời điểm này không phải do lãi suất, mà do cầu vốn giảm sút và do ngân hàng đang khủng hoảng niềm tin. Ngân hàng thừa tiền cũng không dám cho doanh nghiệp vay, bởi “sức khỏe” của doanh nghiệp đang suy yếu, không có đầu ra, không chứng minh được năng lực trả nợ.
Để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, giới chuyên gia khuyến nghị cần có thêm các chính sách hỗ trợ tài khóa, tăng giải ngân đầu tư công, hồi phục thị trường bất động sản…