Lần đầu tiên được thảo luận tại Quốc hội, Dự án Luật Quản lý nợ công sửa đổi đã ngay lập tức giành được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Đơn giản, vì tình trạng nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn đã luôn được nhắc đến lâu nay.
Minh bạch trong quản lý nợ công
Nhấn mạnh tình trạng nợ công đang tăng nhanh đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết, nợ công hiện đang tăng bình quân khoảng 300.000 tỷ đồng/năm, hiện đang bằng 63,7% GDP, tức là đã tiến sát đến ngưỡng an toàn nợ công đặt ra.
. |
Câu chuyện nằm ở chỗ, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, nợ công cần được công khai, minh bạch, cập nhật chính xác liên tục để các cơ quan nắm được, gắn chặt với đầu tư công để quản lý công hiệu quả nhất.
Cũng theo ông Ngân, để quản lý tốt nợ công, phải làm rõ phạm vi, công cụ việc vay lại của chính quyền địa phương. “Đối tượng được vay lại gồm các tổ chức tài chính tín dụng, doanh nghiệp, địa phương. Điều kiện phải chặt chẽ hơn nhưng ở đây lại dễ hơn. Do đó không đảm bảo an toàn nợ công”, ông Ngân nói và cho rằng, điều kiện vay nợ phải chặt chẽ hơn, đồng thời cần bổ sung thêm điều khoản về giám sát cho vay lại.
“Để kéo giãn bội chi ngân sách, nên hạn chế tối đa bảo lãnh của Chính phủ. Bởi bảo lãnh của Chính phủ là được tính vào nợ công, hiện vào khoảng 500.000 tỷ đồng, chiếm 17,8% nợ công. Chính phủ cũng nên giới hạn tối đa đối tượng bảo lãnh để giảm nợ công, cũng như hạn chế mức vay của chính quyền địa phương ở những đơn vị còn sử dụng vốn Trung ương cấp, bổ sung”, ông Ngân nói.
Đồng quan điểm, đại biểu Quách Thế Tản (Hòa Bình) cho rằng, nợ công làm ảnh hưởng tới tài chính quốc gia nên “cần được giám sát chặt chẽ”, bao gồm cả nợ Chính phủ; nợ Chính phủ bảo lãnh; nợ của chính quyền địa phương nhằm ngăn chặn vấn đề trước đây Chính phủ “bao cấp” tràn lan.
“Bây giờ cần siết lại để phù hợp với chủ trương của Đảng và ngân sách quốc gia”, đại biểu Quách Thế Tản nói.
Cũng khẳng định rằng, cần quản lý nợ công thật sự chặt chẽ, khoa học bởi nợ công liên quan đến việc đầu tư, chi tiêu, chính sách tài khóa ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị, phải có được cơ chế pháp lý để quản lý rủi ro do vay nợ.
“Chúng ta vay ai, vay bao nhiêu, chi vào cái gì, chi vào thời điểm nào, hiệu quả ra sao… phải làm cho rõ. Nhưng hệ thống pháp luật của chúng ta đang rất thiếu những quy định liên quan đến vấn đề này. Bao nhiêu doanh nghiệp vay nhiều nghìn tỷ cuối cùng Chính phủ phải trả nợ? Mà tiền trả nợ cũng là tiền của dân. Bây giờ chúng ta phải kiếm từng đồng đi trả nợ, thậm chí nhiều thế hệ mới trả được hết. Tôi cho rằng đây là vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc để quản lý nợ công sao cho hiệu quả, đảm bảo an toàn tài chính”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Người ký nghỉ rồi, ai chịu trách nhiệm?
Một trong những điều khoản trong Dự thảo Luật Quản lý nợ công sửa đổi nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, đó là không đưa khoản tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập vào nợ công.
Không yên tâm khi Dự thảo Luật quy định như vậy, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) cho rằng, doanh nghiệp nhà nước vừa qua hoạt động rất kém hiệu quả, để lại nợ lớn. “Nếu vay nước ngoài thì lại càng nguy hiểm, bởi trước sau Nhà nước cũng sẽ trả nợ để bảo vệ uy tín quốc gia. Tương tự, khoản vốn Chính phủ vay về cho địa phương vay lại thì hầu hết các địa phương này cũng khó khăn, được điều tiết ngân sách từ trung ương, thế thì suy cho cùng Trung ương vẫn trả”, đại biểu Trần Đình Gia băn khoăn.
Chính vì thế, theo đại biểu Trần Đình Gia, Dự thảo Luật cần quan tâm việc quy trách nhiệm cá nhân, bởi các khoản vay như vậy thường là “đời cha vay đời con trả”. “Đến lúc không trả được thì người đứng đầu ký vay ngày trước đã nghỉ rồi, quy trách nhiệm thế nào?”, đại biểu Trần Đình Gia băn khoăn.
Cũng liên quan đến trách nhiệm cá nhân, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng, phải làm rõ trách nhiệm cá nhân của người ký bảo lãnh vay, nhưng nội dung này trong dự luật vẫn còn sơ sài.