Thời sự
Nếu không có tăng trưởng, bất ổn sẽ xảy ra
Khánh An - 15/11/2021 08:05
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, giai đoạn này, ngân sách cần phải chi tiêu mạnh và phải chi tiêu hiệu quả.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Ông nói năm 2022 sẽ là một năm vất vả. Có thể hiểu thế nào về điều này, thưa ông?

Những tính toán của chúng tôi cho thấy, khả năng tăng trưởng năm nay chỉ trong khoảng 1,5-2%. Đó là khi dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh dần thông suốt và hoạt động doanh nghiệp dần tốt lên.

Nhưng khả năng tăng trưởng bật tăng cao ngay trong quý IV là khó, vì tổng cầu suy giảm mạnh. Cầu bên ngoài căn bản vẫn tốt, nhưng tiêu dùng trong nước đã suy giảm 2 năm liên tiếp, tụt sâu và âm mấy tháng nay. Mặc dù tháng 10 đã cải thiện, nhưng vẫn chưa phải dương so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng cầu giảm vì nhiều người dân mất thu nhập do mất việc làm, nhiều người còn việc làm nhưng bị giảm thu nhập, nhiều người phải lấy của đề dành để chi tiêu và cũng nhiều người không còn cả tiết kiệm. Nhìn về phía đầu tư, cả đầu tư tư nhân, nhà nước và nước ngoài đều giảm. Hiện nay, tăng trưởng đầu tư toàn xã hội chỉ khoảng 3%, bằng 1/3 của thời kỳ trước dịch. Chỉ còn điểm sáng xuất nhập khẩu.

Lần đầu tiên, số doanh nghiệp thành lập thấp hơn số rút khỏi thị trường, chưa kể số bị tác động tạm ngừng sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu lao động, thậm chí thiếu đơn hàng rất lớn. Cùng với đó, chi phí sản xuất tăng lên. Những tác động này chủ yếu tập trung ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ở khu vực phía Bắc, ngoại trừ Quảng Ninh, Hải Phòng, thì Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đều bị ảnh hưởng.

Như vậy, nền kinh tế đang chứng kiến sự sụt giảm cả cầu và cung. Khả năng phục hồi phụ thuộc vào kiểm soát dịch bệnh. Nếu kiểm soát được dịch bệnh, tăng tốc độ tiêm vắc-xin, thì phục hồi mới bền vững, không trồi sụt.

Trên nền năm 2021 như vậy (cụ thể là quý IV/2021 bắt đầu mở cửa, nhưng niềm tin vẫn còn bấp bênh khi các doanh nghiệp vẫn đang nghe ngóng cách ứng xử với dịch bệnh của các địa phương), thì năm 2022 sẽ bắt đầu với nhiều thách thức. Lấy ngay ví dụ mà đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về việc vẫn còn địa phương cách ly F1 không thống nhất theo hướng dẫn của Nghị quyết 128/2021/NQ-CP để thấy việc trở lại toàn bộ công suất như trước dịch không dễ dàng. 

Có nghĩa là, việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 mà Quốc hội vừa thông qua ở mức 6-6,5% sẽ vô cùng khó khăn. Trong các cuộc thảo luận trước đó, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc lại chỉ tiêu này để đảm bảo tính khả thi hơn. Ông có nghĩ là nếu hạ chỉ tiêu này, thì năm 2022 sẽ đỡ vất vả hơn không?

Điều đầu tiên phải nhấn mạnh là, với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, nếu không có tăng trưởng, không có việc làm, không có nguồn lực cho phát triển, cho an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thì bất ổn kinh tế - xã hội sẽ xảy ra. Tình huống lao động dịch chuyển khi dịch bệnh phức tạp ở các tỉnh, thành phố phía Nam cho thấy điều này.

Dù nhiều người băn khoăn về việc ưu tiên chất lượng tăng trưởng, có thể giảm tốc độ tăng trưởng, nhưng quan điểm của tôi là, trong thực tiễn Việt Nam, mục tiêu tăng trưởng vô cùng quan trọng theo nghĩa càng tăng trưởng cao, càng tốt. Tất nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc bỏ qua chất lượng, mà vừa đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao, vừa xử lý, tháo gỡ các nút thắt để tăng chất lượng, hiệu quả. Vì vậy, năm 2022, vẫn cần lấy tăng trưởng là chỉ tiêu đầu tiên.

Nhưng cũng phải nhắc lại, đây là năm đầu tiên của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, nếu chương trình này được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm, cũng là năm đầu tiên thực hiện Đề án Cơ cấu lại nền kinh tế 2021-2025 vừa được Quốc hội thông qua cuối tuần trước.

Việc thực hiện tốt các giải pháp, nhiệm vụ của các đề án, chương trình trên sẽ phải nhằm mục tiêu là thực hiện tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 ít nhất là như kế hoạch, đồng thời cải thiện chất lượng thông qua các giải pháp cải cách thể chế, phân bổ lại nguồn lực...

Các doanh nghiệp sau đợt dịch này cũng sẽ bước vào giai đoạn cơ cấu lại mạnh mẽ. Lúc này, nếu các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế được thực hiện theo hướng dẫn dắt, thúc đẩy kế hoạch cơ cấu lại của doanh nghiệp, thì hiệu quả của Đề án Cơ cấu lại nền kinh tế sẽ phát huy tác động ngay lập tức, tạo ra chất lượng của tăng trưởng.

Tôi muốn nhắc lại yêu cầu cơ cấu lại ngành, lĩnh vực của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh lao động mùa vụ, lao động chất lượng không cao đang thiếu. Các doanh nghiệp đang tính tới đầu tư công nghệ, chuyển đổi số để giảm phụ thuộc vào số lượng lao động. Có doanh nghiệp thâm dụng lao động muốn chuyển sang các địa bàn có nguồn lao động tại chỗ dồi dào hơn. Nếu các gói hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, hỗ trợ chuyển dịch ngành nghề, lĩnh vực đến được các doanh nghiệp này, mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP.HCM, Bình Dương... sẽ thực hiện được ngay trong nhiệm kỳ này...

Tôi cũng đã đề xuất những giải pháp tương tự trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện. Các giải pháp của chương trình này cũng cần phục vụ các đòi hỏi của cơ cấu lại nền kinh tế, bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi... Nhưng để làm được, cần gói kích thích đủ lớn như Thủ tướng Chính phủ đã nhắc đến.

Ông nói thế nào về những băn khoăn xung quanh việc sẽ phải nới trần nợ công, tăng bội chi ngân sách để thực hiện các gói kích thích đủ lớn?

Quan trọng là chi tiêu hiệu quả. Đây là giai đoạn cần bàn tay quyết liệt của kinh tế nhà nước, của ngân sách nhà nước, của các chính sách tài khóa. Quan điểm của tôi là, lúc này, ngân sách cần phải chi tiêu mạnh và phải chi tiêu hiệu quả. Không có cú hích của chi tiêu công, của Chính phủ, sẽ không thể phục hồi nhanh tổng cầu trong nước vào thời điểm này.

Các nền kinh tế lớn của thế giới cũng phải có những khoản chi lớn từ ngân sách để duy trì tổng cầu trong nước ngay trong tâm dịch, nên khi dịch bệnh được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng trở lại rất nhanh.

Rõ ràng, áp lực trong thực hiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của năm 2022 là rất lớn, thưa ông?

Rất lớn, nên sẽ phải thay đổi cách làm và phải quyết liệt trong thực hiện. Doanh nghiệp nhà nước sẽ không thể chậm trễ trong nâng cao quản trị theo thông lệ quốc tế, chất lượng, hiệu quả. Cải cách thể chế phải đụng vào những nút thắt lớn, vấn đề đất đai; các thị trường nhân tố sản xuất, thủ tục chồng chéo, trùng lặp; cải cách hành chính tư pháp... và cả khung khổ pháp lý cho chuyển đổi số, mô hình kinh doanh mới.

Tôi kỳ vọng vào một luật sửa 10 luật mà Chính phủ đang thực hiện, sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp chuyên đề cuối năm. Yêu cầu là dám cắt bỏ toàn bộ những thủ tục, công văn phê duyệt... không cần thiết, các thủ tục trùng lắp, công khai, minh bạch trong thời gian xét duyệt hồ sơ... Có lẽ, cách tiếp cận “máy chém” như với điều kiện kinh doanh, giấy phép con hồi năm 2018, với yêu cầu cắt giảm 50% các thủ tục, quy trình... là một bài học.

Chất lượng, hiệu quả đầu tư công, đầu tư tư nhân cũng sẽ được cải thiện bắt đầu từ chính các quyết định cắt giảm, cải cách từ thủ tục, quy trình này.

Tin liên quan
Tin khác