Chốt kiểm soát được lập tại xã Sài Sơn (Quốc Oai) sau khi phát hiện hàng chục ca bệnh tại địa phương này |
Nâng cao cảnh giác
Trong những ngày qua, tình hình Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố ở cả phía Bắc và phía Nam phức tạp khi số ca mắc liên tục tăng. Chẳng hạn, tại Hà Nội những ngày gần đây, số ca mắc cộng đồng đều ở mức hơn 40 ca. Cá biệt, trong ngày 29/10, số ca mắc tăng cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây với 47 ca. Hai ngày 30 và 31, số ca mắc đều ở mức 42 ca.
Hầu hết ca bệnh không rõ nguồn lây và tăng khá nhanh. Chẳng hạn ổ dịch liên quan đến xã Sài Sơn và thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai) từ ngày 24 đến sáng 30/10, ghi nhận 82 ca. Ổ dịch ở thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng (huyện Mê Linh) chỉ trong 4 ngày đã ghi nhận 31 ca dương tính. Ổ dịch ở phố Trần Quang Diệu (quận Đống Đa) từ ngày 23 đến 29/10 ghi nhận 21 ca dương tính.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội (CDC Hà Nội) cho hay, cả cơ quan chức năng và người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là các biện pháp phòng dịch để tránh nguy cơ lây lan nhanh.
Tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cũng liên tục ghi nhận ca mắc cộng đồng cao. Ngày 31/10, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang phát sinh 19 ca F0, trong đó có 18 ca trong doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên). Lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang nhận định, dịch bệnh đang phức tạp do ca bệnh được ghi nhận ở nơi đông người, khu công nghiệp, nhà trọ, yếu tố dịch tễ liên quan đến đi chung xe với công ty khác, đi nhiều nơi. Địa điểm xuất hiện ca bệnh là xưởng sản xuất có đông lao động, môi trường làm việc kém thông khí, thời gian tiếp xúc dài. Tỉnh Bắc Giang đang tích cực rà soát, không để phát sinh thêm F0 mới ngoài cộng đồng.
“Hàng xóm” của Bắc Giang là Bắc Ninh cũng đang ghi nhận số ca mắc tăng cao. Theo đó, chỉ trong ngày 31/10, tỉnh này ghi nhận 105 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 104 ca có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Hiện tỉnh Bắc Ninh đang triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách quyết liệt.
Tỉnh Nam Định từ ngày 18/10 đến nay đã phát hiện 2 ổ dịch lớn với hàng trăm ca mắc. Tại huyện Ý Yên, ổ dịch không rõ nguồn lây phát sinh từ thôn Đằng Động, xã Yên Hồng, đã lan sang một số địa phương khác trong huyện.
Còn tại Phú Thọ, chỉ trong vòng 2 tuần, địa phương này đã phát hiện hơn 636 ca mắc Covid-19. Số ca mắc tăng cao, buộc tỉnh phải cách ly, điều trị F0 không triệu trứng, đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin tại nhà nhằm giảm tải cho hệ thống y tế.
Tại các tỉnh phía Nam thì hiện Cần Thơ, Gia Lai, Bạc Liêu, An Giang dịch cũng đang trong tình trạng căng thẳng, trong khi tỷ lệ bao phủ vắc-xin ở các địa phương này chưa cao.
Cắt đứt chuỗi lây lan
UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định kích hoạt Bệnh viện Dã chiến số 2 tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh để ứng phó với dịch trên địa bàn. Hiện ngành y tế đã chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, sinh phẩm y tế, sẵn sàng đưa Bệnh viện Dã chiến số 2 vào hoạt động.
Các đơn vị, địa phương kiểm soát chặt chẽ yếu tố dịch tễ, ngăn chặn nguồn lây từ bên ngoài vào địa bàn tỉnh. Xét nghiệm tầm soát cộng đồng khu vực đông người, nguy cơ cao để nhanh chóng phát hiện ca bệnh.
Trước việc số ca mắc tăng trong những ngày qua tại khu công nghiệp, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Ninh yêu cầu doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp chủ động tổ chức xét nghiệm sàng lọc theo mức độ nguy cơ; tiếp tục triển khai các biện pháp chống dịch trong khu công nghiệp trước đây như 5K, “3 tại chỗ”, “2 điểm đến, 1 cung đường”.
Để ngăn chặn dịch lây lan, chính quyền các địa phương điều chỉnh nhiều hoạt động xã hội để bảo đảm phòng, chống dịch. Tỉnh Hà Giang cho phép các địa phương thí điểm quản lý F0 và F1 tại nhà tùy theo điều kiện từng trường hợp, từng địa bàn. Các địa phương thiết lập các tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, công khai số điện thoại đường dây nóng phục vụ công tác phòng, chống dịch.
TP. Nam Định đã thiết lập vùng cách ly y tế tại các phường, xã có dịch; áp dụng biện pháp chống dịch cao hơn mức 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình) với toàn bộ thành phố và mức 3 (vùng da cam, nguy cơ cao) với các phường Lộc Hạ và Nguyễn Du; thần tốc truy vết và kích hoạt 4 khu cách ly tập trung để cách ly các F1. Đồng thời, triển khai xét nghiệm diện rộng cho 250.000 người dân; đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin cho người từ 18 tuổi; khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau (trừ các trường hợp cần thiết); các cơ sở kinh doanh, cửa hàng, nhà hàng không hoạt động quá 21 giờ hàng ngày (trừ các cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu).
Tại Phú Thọ, sau khi phát hiện các ca mắc Covid-19, lực lượng y tế đã khoanh vùng, phong tỏa tạm thời 37 khu vực với 6.301 hộ gia đình, 14.116 nhân khẩu; lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho 100% người dân tại khu vực phong tỏa. Đồng thời, tạm dừng hoạt động một phần các phân xưởng, một phần doanh nghiệp để rà soát, truy vết những trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh, xử lý môi trường theo quy định.
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, ông Nguyễn Huy Ngọc cho biết, để chủ động trong công tác thu dung, điều trị người bệnh, nhằm giảm quá tải cho các cơ sở y tế khi các ca F0 tăng nhanh, Sở đã xây dựng và triển khai mô hình tháp 3 tầng điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Ngoài ra, tỉnh thí điểm triển khai mô hình trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 để sẵn sàng phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại nhà.