Ngân hàng
Ngăn chặn nạn mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng
T.V - 26/05/2023 17:22
Thông tin trên được ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tại buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện "Ngày không tiền mặt năm 2023".

Ngày 26/5, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và báo Tuổi trẻ đã phối hợp tổ chức công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt năm 2023.

Tại buổi Họp báo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NHNN, cho biết NHNN và Bộ Công an đã ký kết phối hợp triển khai đề án về kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và định danh điện tử.

Ngân hàng Nhà nước là đơn vị đầu tiên phối hợp với Bộ Công an để triển khai kế hoạch khai thác cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Theo đó, từ đầu 2024, tất cả ngân hàng và trung gian thanh toán sẽ định danh giao dịch online dựa trên dữ liệu dân cư quốc gia, giải quyết nạn lừa đảo bằng tài khoản rác.

Cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, dự kiến cuối năm nay sau khi kế hoạch khai thác dữ liệu dự kiến hoàn tất thì tất cả tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán sẽ định danh khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip.

Các giao dịch tại quầy và thanh toán online dự kiến cũng bắt buộc phải xác thực khách hàng bằng căn cước công dân gắn chip, góp phần giải quyết triệt để vấn nạn cho thuê, mượn, mua bán tài khoản ngân hàng tồn tại nhiều năm nay.

Thông tin mới nhất NHNN đưa ra tại họp báo, trong 03 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022, hoạt động thanh toán không tiền mặt (TTKDTM) tiếp tục tăng trưởng khá. Số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) tăng 8,55% về giá trị.

Số lượng giao dịch qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và tăng 18,55% về giá trị. Đến cuối tháng 3/2023, toàn thị trường có 21.347 máy ATM và có 430.625 máy POS; tăng tương ứng 3,88% và 26,34% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng giao dịch qua POS tăng 37,57% về số lượng và tăng 32,09% về giá trị, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 2,37% về số lượng và giảm 4,02% về giá trị cho thấy xu hướng dịch chuyển từ rút tiền mặt sang TTKDTM. 

NHNN cho biết, các dịch vụ thanh toán trực tuyến phát triển mạnh mẽ; những giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí như thanh toán qua mã phản hồi nhanh (QR code), thanh toán phi tiếp xúc (contactless),… đã được các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán áp dụng, tích hợp vào trong sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích lớn, giá trị thiết thực cho khách hàng. Qua đó góp phần phổ biến TTKDTM đến với người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể: Tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng đạt 74,63%; Giao dịch TTKDTM tăng 53,51% về số lượng; qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65,55% về số lượng và 13,31% về giá trị; qua phương thức QR code tăng 160,71% về số lượng và 43,84% về giá trị; Tổng số tài khoản Mobile-Money được đăng ký và sử dụng là hơn 3,71 triệu tài khoản với gần 8,88 nghìn điểm kinh doanh được thiết lập, 15,3 nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán; Nhiều dịch vụ ngân hàng có thể được thực hiện hoàn toàn trên kênh số với quy trình, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, có ngay kết quả.

Tính đến cuối năm 2022, có 40 ngân hàng đã triển khai chính thức quy trình mở tài khoản thanh toán eKYC với hơn 11,9 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động; có 22 ngân hàng triển khai chính thức mở thẻ eKYC với gần 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC đang hoạt động. 

Đánh giá về sự bùng nổ của phương thức thanh toán qua mã QR, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), dịch vụ chuyển tiền bằng mã VietQr được Napas phối hợp 14 ngân hàng đầu tiên triển khai ra mắt vào tháng 6/2021.

Đặc biệt năm 2022, Napas tiếp tục triển khai với 2 nhà mạng lớn là VNPT và Viettel để kết nối giữa tài khoản thanh toán ngân hàng và mobile money. Như vậy, đến nay gần như tất cả các ngân hàng tại Việt Nam và 2 nhà mạng lớn cung cấp dịch vụ mobile money đã tham gia vào mạng lưới chuyển tiền VietQR.

Về số liệu, sau 2 năm triển khai, đã có khoảng 26 triệu lượt người đã sử dụng. Trong đó, tính riêng tháng 4/2023, đã có 16 triệu người chuyển tiền qua phương thức quét VietQR. Có thể thấy, dịch vụ chuyển tiền qua VietQR và các dịch vụ thanh toán trên nền tảng VietQR đã thâm nhập khá sâu vào đời sống người dân, cũng như trong nhiều lĩnh vực và nhận được sự chấp nhận của đa số người dân. 

"Trong thời gian tới, với xu hướng sử dụng điện thoại thông minh, mobile banking, cùng với chính sách thúc đẩy TTKDTM của NHNN sẽ giúp dịch vụ thanh toán bằng mã VietQr ngày càng phát triển hơn nữa", ông Hùng cho biết thêm. 

NHNN cũng đã nghiên cứu, ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy TTKDTM, như: Thông tư hướng dẫn mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC); Thông tư hướng dẫn phát hành thẻ eKYC; Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;...

Ngoài ra, NHNN cũng đã thành lập Tổ công tác và Ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử trong năm qua tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng, nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Đến tháng 4/2023, NHNN đã phối hợp với Bộ Công an (C06) hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục áp dụng một số giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM.

Tin liên quan
Tin khác