Đạt lợi nhuận tỷ USD, ngân hàng vẫn thận trọng với chỉ tiêu 2024
Mặc dù thu về hàng tỷ USD lợi nhuận trước thuế năm 2023, song trước bối cảnh thị trường còn khó khăn nhất định, các nhà băng vẫn thận trọng với chỉ tiêu cho năm 2024.
Vietcombank vừa công bố hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, gồm huy động vốn đạt 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022; dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2022; chất lượng nợ được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu 0,97%; lợi nhuận trước thuế hoàn thành kế hoạch được giao (tức ở mức gần 43.000 tỷ đồng - PV); tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 11.200 tỷ đồng.
Nhà băng thứ hai có mức lãi hơn tỷ USD là BIDV, với lợi nhuận trước thuế đạt 26.750 tỷ đồng, tăng 18,6% so cùng kỳ năm 2022. Ngân hàng này đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2023, với tổng tài sản đạt 2,26 triệu tỷ đồng, tiếp tục giữ vị thế là ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tài sản lớn nhất tại Việt Nam; huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng 16,5% so với cuối năm 2022; dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng 16,66%, đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao.
Agribank cho biết, đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Ngân hàng vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,54 triệu tỷ đồng, trong đó trên 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển “tam nông”. Các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo quy định, nợ xấu dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 25.300 - 25.400 tỷ đồng - là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của Agribank.VietinBank cũng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2023. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ngân hàng này được phê duyệt kế hoạch lợi nhuận là 22.500 tỷ đồng; lợi nhuận riêng lẻ trước thuế ở mức 22.500 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 5-10% và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%.
Trong khi đó, Sacombank vừa công bố ước tính tổng tài sản gần 664.000 tỷ đồng, trong đó tài sản có sinh lời chiếm 90,3%. Tổng huy động ước đạt hơn 574.000 tỷ đồng; cho vay ước đạt hơn 487.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank ước đạt hơn 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so năm 2022, đạt 100% kế hoạch cổ đông giao.
Mặc dù đạt lợi nhuận hơn tỷ USD năm 2023, song bước sang năm 2024, BIDV đưa ra một số chỉ tiêu chính như dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%; huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN ở mức bằng hay thấp hơn 1,4%..., còn chỉ tiêu lợi nhuận vẫn được bỏ ngỏ.
Vietcombank đặt mục tiêu lãi năm nay gần 2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2023, lên hơn 44.000 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối năm dự kiến tăng hơn 8%, tăng trưởng tín dụng trên 12%, trong đó huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tín dụng. Nợ xấu dự kiến dưới 1,5%. Từ đầu năm, nhà băng này được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, cao hơn trung bình ngành (15%).
Theo lãnh đạo Sacombank, với phương châm “bền nội lực - vững tương lai”, Ngân hàng sẽ tập trung nâng cao năng lực tài chính và chất lượng nhân sự, đẩy mạnh hoạt động ngân hàng số trên nguyên tắc lấy khách hàng làm trọng tâm, nâng tầm hơn nữa hoạt động quản trị rủi ro. Từ đó, bền bỉ xây dựng nội lực và vững tin tiến vào tương lai, nhanh chóng hoàn thành đề án tái cơ cấu để tái lập vị thế vốn có và sẵn sàng chinh phục những mục tiêu mới; chỉ tiêu lợi nhuận ở mức phù hợp.
Trong báo cáo triển vọng năm 2024, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) chỉ ra loạt dấu hiệu cho thấy ngành ngân hàng sẽ khởi sắc, bao gồm sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu tín dụng, rủi ro hệ thống giảm bớt, CASA (tiền gửi không kỳ hạn) đi lên, biên lãi ròng (NIM) tạo đáy và triển vọng lợi nhuận khả quan hơn.
Các chuyên viên phân tích đánh giá, mức tăng trưởng tín dụng cao vào quý IV/2023 có thể không được chuyển hóa ngay vào lợi nhuận năm 2023 của các ngân hàng, nhưng sẽ góp phần vào lợi nhuận của năm 2024.
Xử lý ngân hàng yếu kém bước vào giai đoạn tăng tốc
Sau hơn chục năm kéo dài tình trạng yếu kém, các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt sẽ được “xử lý” trong năm nay nhờ sự tham gia của các ngân hàng lớn.
Theo ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT ngân hàng MB, ngân hàng này đã hoàn thành phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém và đề xuất được Chính phủ phê duyệt phương án này trong quý I/2024. Thời gian qua, Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp phối hợp với ngân hàng được kiểm soát đặc biệt để cải thiện hiệu quả kinh doanh, góp phần giảm lỗ lũy kế, hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 được Ngân hàng Nhà nước giao.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024, lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết, năm nay sẽ quyết liệt triển khai phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém. Cụ thể, sẽ tích cực triển khai các công việc cần thiết theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước để hoàn thiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc. Đồng thời, triển khai đúng tiến độ các biện pháp hỗ trợ khi phương án nhận chuyển giao bắt buộc được phê duyệt.
Trước đó, lãnh đạo VPBank cũng cho hay, đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để tham gia tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và tiếp quản một tổ chức tín dụng thuộc diện chuyển giao bắt buộc.
Hiện chưa có ngân hàng nào chính thức công bố tên ngân hàng yếu kém sẽ nhận chuyển giao bắt buộc. Tuy nhiên, nhiều khả năng, MB sẽ nhận chuyển giao OceanBank, Vietcombank nhận chuyển giao CB, HDBank nhận chuyển giao DongABank, còn VPBank sẽ nhận chuyển giao GPBank.
Vấn đề phức tạp nhất của chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém là khâu định giá. Được biết, các ngân hàng chuyển giao bắt buộc đã triển khai thuê tổ chức tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, phối hợp với tổ chức tư vấn để thực hiện việc xác định giá trị doanh nghiệp và đã có chứng thư thẩm định giá của các đơn vị thẩm định giá. Kiểm toán Nhà nước sau đó đã làm việc với các ngân hàng và đơn vị tư vấn để đối chiếu số liệu kiểm toán. Ngay đầu năm 2024, Kiểm toán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước đã làm việc với nhau về kết quả kiểm toán các chứng thư này.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc định giá các ngân hàng chuyển giao bắt buộc là chưa có tiền lệ, song đến nay “cơ bản đã hoàn thành”, tạo cơ sở cho việc hoàn tất phương án chuyển giao chi tiết thời gian tới.
Tuy vậy, ngay cả khi các phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt, lộ trình xử lý các ngân hàng yếu này cũng phải kéo dài 8-10 năm. Sau khi tái cơ cấu thành công, các ngân hàng yếu kém này có thể được ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sáp nhập vào để tăng quy mô hoặc bán đi như một khoản đầu tư, hoặc cũng có thể lựa chọn phương án IPO thành một ngân hàng TMCP độc lập.
Hiện nay, toàn hệ thống có 5 ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, gồm OceanBank, CB, GPBank, DongABank và SCB. Trong đó, SCB là ngân hàng có quy mô lớn hơn rất nhiều 4 ngân hàng còn lại và quá trình tái cơ cấu sẽ phức tạp hơn.
Hiện các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt. Riêng với SCB, trên cơ sở báo cáo đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại SCB của SCB và Ban Kiểm soát đặc biệt SCB, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xử lý SCB. Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư để khẩn trương trình Chính phủ phương án cơ cấu lại SCB theo quy định.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém vẫn gặp nhiều khó khăn về hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ đối với tổ chức tín dụng tham gia xử lý/nhận chuyển giao bắt buộc các tổ chức tín dụng yếu kém.
Báo cáo Quốc hội trước đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng kéo dài do việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) khó khăn, vì phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ. Năng lực của cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát, vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém)...
Cho vay mua nhà khó bật tăng vì tiền mắc kẹt trong TPDN và dự án trên giấy
Giá nhà không giảm, một phần tài sản của người dân có thể vẫn mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành là nguyên nhân khiến cho vay mua nhà chưa thể bật tăng mạnh trong năm 2024.
Mặc dù lãi suất cho vay mua nhà đối với các khoản vay mới đã giảm 3% trong năm 2023, song chuyên gia phân tích SSI không kỳ vọng dư nợ cho vay mua nhà sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024 vì giá nhà ở Hà Nội và TP.HCM gần như không giảm, trong khi thu nhập và tâm lý của người mua nhà đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn 2022-2023.
Quan trọng nhất là một phần tài sản của người dân có thể vẫn mắc kẹt trong trái phiếu doanh nghiệp và các dự án bất động sản chưa hoàn thành.
“Chúng tôi cho rằng, các ngân hàng sẽ cạnh tranh để giành thị phần trong mảng cho vay mua nhà đối với các dự án có đầy đủ thủ tục pháp lý tọa lạc ở những vị trí đắc địa. Theo quan điểm của chúng tôi, những ngân hàng có thể gia tăng được thị phần trong mảng này gồm có BIDV và VietinBank, do họ có khả năng triển khai chương trình cho vay với lãi suất cạnh tranh và thu hút được khách hàng từ các ngân hàng khác”, chuyên gia phân tích SSI nhận định.
Theo báo cáo phân tích của SSI, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2023, do cuối năm dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn. Tuy nhiên, các khoản nợ có vấn đề (bao gồm các khoản nợ nhóm 2, các khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và các khoản vay cũ) vẫn tiếp tục cần được giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 16 nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng được thông qua, không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dung sẽ quay trở lại đối với các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp.
Trong năm 2024, chuyên gia phân tích cho rằng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì mục tiêu đã đề ra kết hợp với các biện pháp hỗ trợ kịp thời (ví dụ gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ nếu cần thiết) cùng với việc giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động ngân hàng để đảm bảo an toàn hệ thống. Không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các yêu cầu chặt chẽ hơn về cơ cấu sở hữu, cho vay đối với các bên liên quan như trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng và Thông tư 15/2023 về dữ liệu bổ sung phải cập nhật trong hệ thống CIC cũng như sửa đổi quy định về tỷ lệ an toàn vốn (Thông tư 22/2023) và các tỷ lệ an toàn khác.
Đặc biệt, báo cáo SSI cho rằng, một phần trong số các ngân hàng niêm yết nhỏ hơn đã công bố chất lượng tài sản không đúng với thực tế nhờ tận dụng cơ chế tái cơ cấu khoản vay. Do đó, nợ có vấn đề trong hệ thống ngân hàng (không bao gồm SCB) có thể cao hơn so với mức 5.3% của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu.
“Xem xét kết quả xử lý nợ trong giai đoạn 2012-2017 và 2017-2021, chúng tôi nhận thấy 65% nguồn xử lý nợ xấu sẽ đến từ việc sử dụng dự phòng đã trích để xóa nợ xấu của ngân hàng. Do đó, chúng tôi kỳ vọng hệ thống ngân hàng có thể mất khoảng 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu đó. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn (như ACB, VCB, CTG, BID…) sẽ hồi phục sớm hơn và ngược lại”, báo cáo nhận định.
Giảm hệ số rủi ro khoản vay để khuyến khích nhà giá rẻ, bất động sản khu công nghiệp
Đây là những điều được công bố trong Thông tư số 22/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Đáng chú ý, thông tư điều chỉnh lại quy định trong Thông tư 41 về hệ số rủi ro tín dụng (CRW). Trong đó, các khoản vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà, xây nhà theo chương trình, Dự án hỗ trợ của chính phủ sẽ được điều chỉnh hệ số rủi ro xuống tối đa là 50%. Tỷ lệ đảm bảo (LTV) cũng được điều chỉnh từ 100% trở lên và tỷ lệ thu nhập (DSC) trên 35%. Hệ số rủi ro tối thiểu là 20%, tương ứng với tỷ lệ đảm bảo dưới 40% và tỷ lệ thu nhập dưới 35%.
Hệ số rủi ro đối với các trường hợp vay mua nhà còn lại sẽ được giữ nguyên trong khoảng từ 25% đến 100% như trong Thông tư 41, tùy thuộc vào tỷ lệ tỷ lệ đảm bảo và tỷ lệ thu nhập.
Bên cạnh đó, Thông tư 22 cũng điều chỉnh hệ số rủi ro tín dụng đối với các tài sản là khoản cấp tín dụng chuyên biệt dưới hình thức cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp từ 200% xuống 160%.
Đối với các khoản vay phục vụ mục đích phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ, Thông tư 22 cũng quy định thêm hệ số rủi ro là 50%.
Cuối cùng, Thông tư 22 quy định ngân hàng là bên nhận chuyển giao bắt buộc và các tổ chức tín dụng khác được áp dụng hệ số rủi ro 0% đối với các khoản cho vay, bảo lãnh, tiền gửi tại bên được chuyển giao bắt buộc theo phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt.
Như vậy, với nội dung sửa đổi này được kỳ vọng khuyến khích các TCTD đẩy mạnh phát triển cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ. Đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Với chính sách hỗ trợ này sẽ ảnh hưởng tích cực đến việc cho vay của TCTD đối với khách hàng cá nhân là đối tượng mua nhà ở xã hội, nhà ở dành cho người thu nhập thấp trong thời gian tới.
Đẩy tín dụng, vẫn phải kéo lùi nợ xấu
Nợ xấu vọt tăng lên gần 5%, áp lực cung ứng vốn ra nền kinh tế lớn bất chấp sức khỏe doanh nghiệp yếu đi đang là thách thức lớn của ngành ngân hàng.
Chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2024 đầu tuần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành ngân hàng không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng.
Trong Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng có các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp. Các ngân hàng được khuyến khích giảm chi phí, thủ tục và hạ lãi suất cho vay, nắn dòng vốn vào sản xuất - kinh doanh và kiểm soát với lĩnh vực rủi ro.
Khác với các năm trước, năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp room tín dụng 15% ngay từ đầu năm, tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại chủ động mở rộng cho vay. Tuy vậy, theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty chứng khoán MB (MBS), không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh tín dụng năm nay.
Theo đó, những ngân hàng nào có tỷ trọng bán lẻ cao, nền tảng khách hàng doanh nghiệp thấp, nợ xấu cao… sẽ khó khăn trong đẩy mạnh tín dụng. Ngược lại, những ngân hàng có tỷ trọng khách hàng doanh nghiệp lớn, nợ xấu thấp sẽ có cơ hội thúc đẩy tín dụng tốt hơn.
Lãnh đạo NHNN khẳng định, năm 2024, dứt khoát phải tập trung cung ứng vốn cho nền kinh tế, làm sao giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn. Đây vừa là trách nhiệm chung với nền kinh tế, vừa là trách nhiệm với chính bản thân các ngân hàng, bởi nếu không có khách vay vốn và gửi tiền, thì ngân hàng cũng không thể tồn tại.
“Trong hệ thống ngân hàng, đâu đó vẫn còn hiện tượng một số cán bộ ngân hàng chưa đồng cảm với khách hàng, chỉ tập trung nhìn vào lãi suất mà chưa quan tâm chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Vì vậy, các ngân hàng phải hòa cùng doanh nghiệp, đứng cùng doanh nghiệp, chung vốn làm ăn với doanh nghiệp. Tất nhiên, thông điệp đưa ra là phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song vẫn không được hạ chuẩn tín dụng. Ngân hàng thúc đẩy cho vay, song vẫn phải thu hồi được nợ, hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, song không để xảy ra thua lỗ, gây mất an toàn hệ thống”, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Năm 2023, NHNN đã 4 lần hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế, lãi suất huy động tính đến cuối năm đã ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Năm 2024, việc hạ lãi suất điều hành phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song NHNN cho biết không đặt ra vấn đề tăng lãi suất. Ngược lại, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí, từ đó giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.
Cùng với tín dụng tăng chậm, một trong những lo ngại lớn nhất của hệ thống ngân hàng hiện nay là nợ xấu đang tăng rất nhanh. Tỷ lệ nợ xấu đang ở mức xấp xỉ 5% - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
“Nợ xấu năm 2011 - thời điểm bong bóng bất động sản vỡ - là 11-12%. Hơn 10 năm qua, nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống, cộng thêm sự hỗ trợ của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu mới giảm. Tuy nhiên, chu kỳ mới của nợ xấu đang lặp lại, nguyên nhân một phần do một số ngân hàng yếu kém, một phần do ngày càng nhiều doanh nghiệp khó khăn, không trả được nợ. Nợ xấu là của doanh nghiệp, của cả nền kinh tế, không phải do bản thân các ngân hàng làm ra, song đối mặt với nợ xấu là chính các ngân hàng”, Phó thống đốc Đào Minh Tú cảnh báo.
Trong khi nợ xấu đang tăng lên, thì Nghị quyết 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực, tạo ra khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu. Đồng thời, Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ cũng hết hiệu lực vào tháng 6/2024, khiến nợ xấu có nguy cơ tăng lên.
Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn - phần lớn do phải chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài (đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột địa chính trị đẩy phí nguyên liệu lên rất cao, làm tăng chi phí doanh nghiệp), khả năng trả nợ suy giảm như hiện nay, nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, không chỉ của riêng ngành ngân hàng.
Để nợ xấu được xử lý hiệu quả, ông Bình đề xuất sớm luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14, tạo hành lang pháp lý, cơ chế cho hoạt động xử lý nợ. Lãnh đạo VietinBank cũng kiến nghị các cơ quan tòa án, thi hành án tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xử lý vụ việc để tăng hiệu quả xử lý, thu hồi nợ xấu.
Được biết, năm 2024, NHNN đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%. Đây là mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh nợ xấu cao và áp lực cung ứng vốn ra nền kinh tế lớn như hiện nay.
Ngân hàng rầm rộ phát hành trái phiếu
Riêng tháng 12/2023, trong số 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp thì có tới 44 đợt phát hành của các ngân hàng thương mại. Tính chung cả năm 2023, lượng trái phiếu ngân hàng phát hành chiếm 56,5% tổng giá trị phát hành TPDN toàn thị trường.
Số liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 12, đã có 55 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị 42.806 tỷ đồng. Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 7,06%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,97 năm.
Trong tháng 12/2023, có tới 44/55 đợt phát hành trái phiếu là của các ngân hàng thương mại.
Tính cả năm 2023, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 311.240 tỷ đồng, gồm 29 đợt phát hành ra công chúng trị giá 37.071 tỷ đồng (chiếm 11,9% tổng giá trị phát hành) và 286 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 275.028 tỷ đồng (chiếm 88,1% tổng số).
Ngân hàng là nhóm ngành phát hành nhiều nhất với 176.006 tỷ đồng, (tương đương 56,5% tổng giá trị phát hành), theo sau là nhóm bất động sản với 73.202 tỷ đồng (chiếm 23,5%).
Trong tháng 12, các doanh nghiệp đã mua lại 32.677 tỷ đồng trái phiếu, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo VBMA, năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 277.065 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, 41% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với gần 113.486 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 54.497 tỷ đồng (chiếm 20%).
Số trái phiếu chậm trả lãi trong tháng đã giảm so với đầu năm, chỉ có 6 mã trái phiếu mới công bố chậm trả lãi/gốc với tổng giá trị 545,7 tỷ đồng trong tháng 12.
Trong tháng cũng có 8 mã trái phiếu được gia hạn với thời gian đáo hạn được kéo dài chủ yếu từ 1 đến 2 năm.
Đáng chú ý, dù kinh tế khó khăn nhưng năm 2023 ghi nhận trái phiếu bất động sản ấm dần trở lại. Lượng vốn huy động qua kênh trái phiếu của các doanh nghiệp địa ốc trong năm 2023 đã tăng 40,8%. Con số này còn thấp so với hai năm cao điểm 2020-2021 khi thị trường nhà đất đang tăng trưởng nóng, nhưng vẫn cao hơn khoảng 20% so với giai đoạn trước dịch (năm 2019).
Nếu không có gì thay đổi, năm nay các quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) chính thức triển khai đầy đủ sau một thời gian giãn, hoãn theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP (Nghị định 08).
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ tài chính, Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, Bộ Tài chính sớm báo cáo Chính phủ về việc có tiếp tục kéo dài một số quy định của Nghị định 08 hay không, đồng thời cần có giải pháp đa dạng hoá sản phẩm, hướng tới nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức. Bộ Tài chính cần rà soát khả năng chi trả của doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn thanh toán năm 2024. Từ đó, góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thị trường tài chính tiền tệ, tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia, việc quay lại thực hiện Nghị định 65 sẽ gây áp lực nhất định cho doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, về lâu dài, thực hiện đầy đủ nghị định này sẽ tốt hơn cho thị trường, giúp lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.
Bên cạnh thách thức, thị trường TPDN năm 2024 vẫn có nhiều điểm sáng. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, năm 2024, lãi suất của Mỹ, châu Âu… có thể sẽ giảm, kéo theo dòng vốn chảy về các nước đang phát triển có khả năng phục hồi như Việt Nam. Lãi suất trong nước năm 2024 cũng dự báo tiếp tục duy trì ở mặt bằng thấp, điều này sẽ hỗ trợ tốt cho kênh phát hành TPDN.
Ông Trần Lê Minh, Tổng giám đốc VIS Rating cho rằng, thị trường TPDN đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới bền vững hơn nhờ lãi suất giảm, các chính sách hỗ trợ kinh tế phục hồi, thị trường minh bạch hơn, các quy định chặt chẽ hơn, tâm lý nhà đầu tư cải thiện.
Mặc dù số lượng doanh nghiệp phát hành TPDN chậm nghĩa vụ thanh toán vẫn còn khá nhiều, song có nhiều doanh nghiệp phát hành vẫn thanh toán đúng hạn, tạo được uy tín với thị trường. Nói cách khác, thông tin thị trường đang minh bạch, rõ ràng hơn, niềm tin với nhà đầu tư cũng đang dần quay lại. Đây là yếu tố quyết định với sự hồi phục của thị trường.