TIN LIÊN QUAN | |
Vì sao nhiều ngân hàng “hụt hơi” lợi nhuận? | |
Sẽ có đột phá trong tái cơ cấu ngân hàng | |
Năm 2015, sẽ xử lý từ 6 - 8 ngân hàng . | |
Cần mạnh tay M&A, phát mãi tài sản giảm nợ xấu |
Báo cáo tài chính hợp nhất của Vietcombank cho thấy, năm 2014, ngân hàng này đạt kết quả kinh doanh khá tích cực và tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống còn 2,3% so với mức 2,7% hồi đầu năm 2014.
Nhiều ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro, đưa nợ xấu về mức an toàn |
Theo đó, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietcombank trong quý IV đạt 2.755 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước đó và cả năm đạt 10.447 tỷ đồng, tăng 12,8% so với năm 2013. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro Vietcombank tăng mạnh, với mức tăng cả năm xấp xỉ 30%, lên 4.572 tỷ đồng, khiến lợi nhuận của ngân hàng này giảm đáng kể. Cụ thể lợi nhuận trước thuế quý IV chỉ đạt 1.696 tỷ đồng, thấp hơn 3,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Kết thúc năm 2014, VIB Bank đạt 1.836 tỷ đồng lợi nhuận trước dự phòng tín dụng, tăng 93% so với năm 2013. Tuy nhiên, với chiến lược kinh doanh thận trọng, ngân hàng này đã dành đến 1.188 tỷ đồng trích lập chi phí dự phòng tín dụng, kéo tỷ lệ nợ xấu giảm còn 2, 51% so với 2,82% của năm 2013. Vì thế, kết quả lợi nhuận trước thuế còn lại năm qua chỉ là 648 tỷ đồng.
Trong khi đó, ACB báo lãi trước thuế năm 2014 hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 17% so với con số 1.035 tỷ đồng của năm 2013. Lợi nhuận sau thuế của ACB đạt 114 tỷ đồng trong quý IV/2014 và cả năm đạt 952 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2013. Nợ xấu của nhà băng này giảm gần 22% so với năm 2013, xuống còn khoảng 2,2% tổng dư nợ (mức cuối năm ngoái nợ xấu là 3%). Tuy nhiên, để kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu về mức đó, ACB đã phải trích dự phòng rủi ro tới 313 tỷ đồng trong quý IV và 977 tỷ đồng trong cả năm 2014. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, các ngân hàng khó có thể trả cổ tức cao khi đòi hỏi trích lập dự phòng ngày càng lớn, do nợ xấu tăng. Thực tế hiện nay, giải pháp xử lý tốt nhất là trích dự phòng rủi ro.
Cũng theo ông Lịch, việc nợ xấu đã được bán cho VAMC vẫn phải trích lập dự phòng ở mức 20% là cao, gây khó cho ngân hàng. “Việc trích dự phòng 20% đối với nợ xấu đã bán cho VAMC gây áp lực đối với ngân hàng. Theo tôi, có thể xem xét điều chỉnh tỷ lệ này xuống 10% để giảm bớt khó khăn cho ngân hàng trước tình hình thị trường hiện nay. Thực tế, các ngân hàng thương mại rất khó có đủ lợi nhuận để trích lập dự phòng cao khi tín dụng bí đầu ra”, TS. Lịch nói.
Liên quan vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh cho rằng, trước tình hình kinh tế khó khăn, nợ xấu tăng, bất động sản giảm cùng với thủ tục phát mãi nhiêu khê, chưa thể kỳ vọng nhiều vào việc thu hồi nợ bằng phát mãi tài sản. Vì thế, cách tốt nhất là các ngân hàng phải dành mọi nguồn lực để trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu, kể cả phải hy sinh lợi nhuận.
“Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải trích lập đầy đủ dự phòng, trước khi nghĩ đến việc chia lợi tức cho cổ đông. Vì thế, việc cổ đông kỳ vọng cổ tức cao trước tình hình này là rất khó, thậm chí là không có với những ngân hàng đang dành mọi nguồn lực cho quá trình tái cơ cấu. Tôi cho rằng, điều đó là hợp lý trong bối cảnh hiện nay”, Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh nhấn mạnh.
Thùy Vinh