Lợi nhuận quý II/2021 của nhiều ngân hàng tăng cao, như Techcombank, MB, ABBank... Ảnh: Đ.T |
Chênh lệch lãi vay cao giúp ngân hàng thắng lớn
Dù thu nhập từ dịch vụ, kinh doanh chứng khoán, ngoại hối, thu hồi nợ sau xử lý… tăng mạnh, song nguyên nhân chính khiến các ngân hàng lãi đậm trong 6 tháng đầu năm vẫn đến từ tín dụng. Nửa đầu năm nay, chi phí vốn của ngân hàng rẻ kỷ lục, trong khi lãi vay giữ khá ổn định khiến chênh lệch lãi suất huy động/cho vay (NIM) của nhiều ngân hàng tăng cao.
Báo cáo tài chính hợp nhất của Techcombank cho thấy, quý II/2021, lợi nhuận chủ yếu của ngân hàng này đến từ chênh lệch lãi vay.
Cụ thể, quý II/2021, thu nhập từ lãi và các khoản tương tự của ngân hàng này tăng 31,5%, trong khi chi phí lãi và chi phí tương tự giảm 20,6% so với cùng kỳ, khiến thu nhập lãi thuần tăng tới 67%. Thu nhập lãi thuần quý II/2021 đạt 6.584 tỷ đồng, chiếm 71,6% tổng thu nhập hoạt động. CIR ở mức 28,4%, thấp hơn nhiều so với mức 32,5% cùng kỳ năm ngoái.
Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank khẳng định, thu nhập từ lãi vẫn là động lực dẫn dắt tăng trưởng của Ngân hàng do tín dụng 6 tháng tăng trưởng ổn định (tăng 11,2%).
Tương tự, tín dụng của MB tính đến ngày 30/6 tăng 10,5%. Trong quý II/2021, thu nhập từ lãi của ngân hàng này tăng 23,6%, trong khi chi phí lãi giảm 3%, khiến thu nhập lãi thuần tăng 42% so với cùng kỳ. Trong quý, lãi từ tín dụng chiếm gần 74% tổng thu nhập hoạt động.
Rất nhiều ngân hàng không có mức tăng trưởng tín dụng khả quan như Techcombank hay MB, song thu nhập lãi thuần cũng tăng mạnh và chiếm phần lớn lợi nhuận của ngân hàng nhờ chênh lệch lãi vay/huy động được đẩy lên cao.
Chẳng hạn, quý II/2021, thu nhập lãi của ABBank giảm gần 3%, song chi phí lãi giảm tới 22%, khiến thu nhập lãi thuần vẫn tăng 33,3% so với cùng kỳ. Lãi thuần tăng mạnh là nguyên nhân đưa lợi nhuận của ABBank trong quý II/2021 tăng 88% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra có doãng ra trong năm 2021, nhưng độ doãng đó hợp lý và phù hợp với thực tế, có tính đến chi phí hoạt động và chi phí rủi ro. Một lý do nữa khiến chênh lệch này tăng cao là thời gian qua, các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư ngân hàng số, thanh toán điện tử, giúp gia tăng lượng tiền gửi không kỳ hạn lãi suất thấp, từ đó giảm chi phí huy động vốn đầu vào.
Nếu như năm 2020, rất hiếm ngân hàng duy trì được tỷ lệ CIR dưới 30%, thì nửa đầu năm nay, rất nhiều ngân hàng công bố tỷ lệ CIR chỉ 23 - 28%, chứng tỏ chi phí hoạt động giảm mạnh, nhất là chi phí vốn. Nhìn một cách khách quan, nguyên nhân khiến nhiều ngân hàng lãi lớn từ tín dụng trong 6 tháng đầu năm không phải là do nâng lãi suất cho vay, mà chủ yếu nhờ nguồn vốn đang rẻ kỷ lục (tiền gửi không kỳ hạn tăng đáng kể). Tuy vậy, điều này cũng cho thấy, dư địa giảm lãi vay của các ngân hàng còn khá lớn.
Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng đã công bố giảm lãi vay 1-1,5% áp dụng với một số đối tượng bị ảnh hưởng nặng bởi Covid-19, với hạn mức nhất định. Dù vậy, các doanh nghiệp kỳ vọng, với lợi nhuận lớn trong 2 quý đầu năm, ngân hàng sẽ giảm lãi vay thêm nữa.
Nợ xấu tăng, đẩy mạnh trích lập dự phòng
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho hay, 6 tháng đầu năm, tín dụng toàn hệ thông tăng 6% và khả năng cả năm tăng 12%. Nhiều khả năng, dịch bệnh sẽ được cơ bản kiểm soát trong tháng 8/2021, giúp cầu tín dụng tăng mạnh trở lại vào quý IV/2021.
Báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cũng dự báo, tín dụng toàn hệ thống năm nay sẽ tăng 14%. Theo ACBS, lãi suất huy động thấp, thanh khoản dồi dào và lãi suất cho vay ít giảm hơn so với lãi suất huy động tiếp tục giúp ngân hàng cải thiện NIM trong năm nay.
Tín dụng đem lại nguồn lợi nhuận lớn cho các ngân hàng, song việc tăng trưởng dựa vào tín dụng cũng khiến ngân hàng khó tránh hệ lụy đi kèm là nợ xấu tăng.
Tại Vietcombank, nợ xấu tuyệt đối tính đến ngày 30/6/2021 đã tăng hơn 31%, với 8.353 tỷ đồng, chiếm tỷ 0,91% (đầu năm nay là 0,6%). Tỷ lệ nợ xấu tại VietinBank tại thời điểm cuối quý II/2021 cũng lên tới 1,38%, tăng đáng kể so với mức 0,94% đầu năm nay. Tại ABBank, nợ xấu tuyệt đối tính đến cuối quý II/2021 tăng 17,6% và chiếm 2,32% tổng dư nợ cho vay (đầu năm là 2,09%), riêng nợ nhóm 3 tăng tới 90% so với đầu năm, nợ nhóm 5 tăng gần 40%...
Việc nợ xấu có dấu hiệu tăng nhanh buộc nhiều ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng. Trong 6 tháng đầu năm nay, Saigonbank phải tăng trích lập dự phòng gấp 5,1 lần, MB tăng trích lập dự phòng gấp đôi, ABBank tăng trích lập dự phòng thêm 43%, VPBank tăng thêm 35%...
Trong 6 tháng đầu năm, chỉ vài ngân hàng giảm mạnh trích lập dự phòng để “cứu vớt” kết quả kinh doanh. Ví dụ, tại BacABank, các lĩnh vực kinh doanh chính đều suy giảm hoặc chỉ tăng nhẹ, song trích lập dự phòng 6 tháng giảm 62,5%, khiến lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 23%. Hay như PGBank, dù lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro giảm 7,2%, song việc giảm tới 69 tỷ đồng dự phòng rủi ro (giảm 66%) trong quý II/2021 đã giúp ngân hàng này tăng trưởng lợi nhuận lên tới 264%.
Với đa phần các ngân hàng, gánh nặng dự phòng đang tiếp tục đè nặng bởi nợ tiềm ẩn vẫn rất lớn, đòi hỏi các ngân hàng phải dư giả lợi nhuận để sẵn sàng đối phó khi nợ xấu vọt tăng. Theo TS. Cấn Văn Lực, 1/3 dư nợ đang được cơ cấu lại theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN có nguy cơ trở thành nợ xấu.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, việc ngân hàng đạt lợi nhuận cao trong 6 tháng đầu năm có phần nào đó chưa thực chất. Trong 6 tháng cuối năm, khi các ngân hàng phải trích lập dự phòng theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN, đồng thời khi nợ xấu đã rõ ràng hơn, thì lợi nhuận ngân hàng có thể sẽ không cao như kỳ vọng.