Chất lượng tín dụng đi xuống, ngân hàng tăng phòng thủ
Nợ xấu nhiều ngân hàng đang tăng mạnh những tháng đầu năm. Số nợ xấu tuyệt đối tại nhiều ngân hàng tăng tới 50-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trên toàn hệ thống, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021 (1,49%).
Theo ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank, những tháng đầu năm nay, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu vắng đơn hàng, thu nhập người dân sụt giảm… Điều này đang tác động trực tiếp đến sức khỏe các ngân hàng, bởi ngân hàng là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Nếu năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất và rủi ro danh tiếng (do liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ), thì năm 2023, đó là rủi ro tín dụng.
“Khi doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu. Hiện nay, thu nhập từ lãi cho vay là thu nhập trọng yếu của ngân hàng. Chất lượng nợ suy giảm khiến ngân hàng phải trích lập nhiều hơn, lợi nhuận vì thế bị ảnh hưởng”, ông Tùng cho biết.
Nợ xấu đã tác động trực tiếp đến kết quả hoạt động của các ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng lợi nhuận của hàng loạt ngân hàng ở mức âm. Báo cáo tài chính quý I/2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, lợi nhuận quý này giảm 4,4%. Hầu hết các ngân hàng đều phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu có khả năng tiếp tục tăng cao.
Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, số liệu nợ xấu thực (tính cả nợ xấu ngoại bảng) đang ở mức 5%. Tuy vậy, tốc độ tăng nợ xấu nửa cuối năm nay sẽ chậm lại bởi NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về giãn nợ, cơ cấu nợ.
“Nợ xấu cuối năm nay có thể sẽ chỉ ở mức 2,5%/năm. Dù nợ xấu tăng cao, song vẫn đang trong tầm kiểm soát, vì hiện sức khỏe hệ thống ngân hàng đã tốt hơn giai đoạn trước. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu chung toàn hệ thống đã lên tới 125%”, TS. Lực nhận định.
Chuyển “hòn than” từ tay doanh nghiệp sang ngân hàng?
Cơ cấu nợ, giãn nợ là điều doanh nghiệp mong chờ nhất hiện nay, trong bối cảnh đầu ra bị thu hẹp, doanh thu và đơn hàng sụt giảm. Tuy nhiên, chắc chắn không phải doanh nghiệp nào cũng được cơ cấu nợ.
Đại diện Ngân hàng TMCP ACB cho rằng, nếu thực hiện cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, một phần rủi ro đang chuyển từ doanh nghiệp sang ngân hàng. “Vì vậy, chúng tôi sẽ áp dụng cơ cấu nợ một cách thận trọng, vừa bảo đảm nền tảng tài chính, vừa bảo đảm hỗ trợ khách hàng dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ”, lãnh đạo ngân hàng này cho biết.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các ngân hàng sẽ chỉ cơ cấu nợ với điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp được cơ cấu nợ có khả năng phục hồi và đánh giá đúng bản chất nợ xấu. “Các ngân hàng khi cơ cấu nợ phải tự chịu trách nhiệm. Rủi ro lớn nhất của cơ cấu nợ là khó khăn của doanh nghiệp sẽ đổ dồn về ngân hàng, ngân hàng sẽ bị bào mòn về tài chính. Nếu ngân hàng gặp khó khăn, doanh nghiệp cũng khó khăn theo”, ông Hùng cảnh báo.
Trước đó, lãnh đạo NHNN cho rằng, chính sách tiền tệ sẽ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Tuy nhiên, nếu hoãn, giãn nợ, nới lỏng điều kiện tín dụng, thì khó khăn sẽ bị chuyển về phía ngân hàng. Do vậy, cần tìm được điểm hài hòa để chính sách tiền tệ vẫn hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn vì sức cầu kinh tế thế giới suy yếu như hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tháo gỡ thanh khoản cho nền kinh tế không còn là quả bóng trong tay ngân hàng.
Theo TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, để “đẩy” tín dụng tăng trưởng, cần có giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nội địa, đầu tư công, tạo việc làm, bơm vốn trong nền kinh tế. Nội tại nền kinh tế đang đối mặt với nhiều bài toán khó khăn trên nhiều lĩnh vực, như chậm giải ngân đầu tư công, vướng mắc pháp lý và sự suy yếu của thị trường bất động sản, áp lực điều chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp…
“Do đó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành, địa phương cùng tham gia xây dựng gói giải pháp tổng thể, nhằm tăng cường tính liên kết giữa các chính sách nói chung và giúp gia tăng hiệu quả chính sách tiền tệ nói riêng. Bên cạnh đó, gia tăng hiệu quả thực thi các gói hỗ trợ phục hồi sản xuất của doanh nghiệp”, chuyên gia này kiến nghị.
- Bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia cao cấp của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)
Cần lưu ý là, lạm phát cơ bản vẫn cao, vẫn dai dẳng và có thể quay lại nhanh, nếu tâm lý tài chính toàn cầu xấu đi. Hiện nay, rủi ro với tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn rất lớn: cầu bên ngoài suy giảm, tình hình tài chính toàn cầu xấu đi, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản trong nước còn khó khăn…
Tình hình này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải có những nghe ngóng, dự báo, quan sát để có chính sách phản ứng phù hợp nhất. Tôi cho rằng, NHNN nên dựa vào lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát và tránh các áp lực lên tỷ giá. Ngoài ra, chính sách tài khóa nên linh hoạt và có mục tiêu. Các cơ quan chức năng cần đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính khi xử lý các nút thắt của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.