Agribank rất tích cực trong việc kích tín dụng cá nhân khi phê duyệt cho vay 11 dự án nhà ở xã hội. Ảnh: Đức Thanh |
Vay mua nhà chỉ mới “lên khỏi mặt đất”
“Tính tới cuối tháng 6/2024, tín dụng mới tăng 6%, nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% năm nay là không dễ dàng”, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định.
Nhiều ngân hàng nỗ lực tung ra các gói ưu đãi để phục hồi cầu tín dụng cá nhân. Trong nửa đầu năm 2024, động lực tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng chủ yếu đến từ khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực bất động sản.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho hay, tính tới cuối tháng 6/2024, tín dụng bất động sản tăng 4,6%, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 10,29%, trong khi tín dụng tiêu dùng bất động sản (cá nhân vay mua, sửa nhà) chỉ tăng 1,15%. Như vậy, cầu vay mua nhà đã thoát khỏi cảnh tăng trưởng âm, song vẫn ở mức thấp. Đây là nguyên nhân chính khiến tín dụng nhiều ngân hàng tăng trưởng thấp trong nửa đầu năm nay.
Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, thị trường bất động sản chưa phục hồi, mặt bằng lãi suất cho vay đang ở nền thấp, các ngân hàng đang nỗ lực “kích” tín dụng cá nhân bằng những chính sách ưu đãi.
Mới đây, VIB tung ra chương trình mua nhà phố hay căn hộ chung cư, với lãi suất chỉ 5,9%/năm, kỳ hạn cố định 6 - 24 tháng, miễn trả gốc tới 5 năm. Thậm chí, khách hàng chuyển khoản vay từ ngân hàng khác sang VIB còn được giảm thêm 0,4% lãi suất, được hỗ trợ giải ngân trước để tất toán khoản vay cũ.
Tương tự, SHB cũng nâng quy mô gói vay ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân (mua nhà, mua xe, bổ sung vốn lưu động…) lên gần 30.000 tỷ đồng, với lãi suất chỉ từ 5,79%/năm…
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho biết, đang cải thiện quy trình cho vay để tăng tiếp cận khách hàng.
Ông Kim Byoungho, Chủ tịch HĐQT HDBank chia sẻ, từ đầu năm đến nay, HDBank ra mắt nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay thấp chỉ 5-6%/năm, tinh gọn quy trình cấp tín dụng, phối hợp chặt chẽ với khách hàng để nắm bắt rõ nhu cầu, vướng mắc và cho ra mắt những sản phẩm phù hợp. Nhờ vậy, tính tới ngày 30/6, dư nợ tín dụng của HDBank tăng 13,3% so với đầu năm.
Trông chờ việc sửa gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Cho vay mua nhà với khách hàng cá nhân từng là động lực tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng trong giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, từ khi lãi suất ngân hàng tăng cao vào năm 2022, đồng thời, thị trường bất động sản rơi vào khó khăn, cầu vay mua nhà giảm mạnh, người dân thi nhau tất toán hợp đồng cũ, giải ngân hợp đồng mới giảm mạnh.
Hiện tại, lãi vay mua nhà với khoản vay mới đã thấp hơn trước khá nhiều, song giá nhà quá cao, dự án mới khan hiếm, khiến cầu tín dụng mua nhà hầu như không tăng trưởng. Theo các chuyên gia, nếu có nguồn cung nhà ở bình dân được bổ sung, đồng thời lãi vay hấp dẫn, thì cầu tín dụng mua nhà cá nhân sẽ tăng mạnh trở lại. Hiện thị trường đang trông chờ vào việc sửa đổi gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng.
NHNN hoan nghênh, khuyến khích các ngân hàng thương mại bằng nguồn lực của mình để tham gia vào chương trình phát triển nhà ở xã hội. Trước hết là cho người mua nhà vay, tiếp theo là cho các chủ đầu tư xây dựng những Dự án nhà ở xã hội vay với lãi suất tích cực nhất.
- Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú
Số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho thấy, hiện gói tín dụng này mới giải ngân được hơn 1,1% (1.344 tỷ đồng), trong đó Agribank là ngân hàng giải ngân nhiều nhất.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank thông tin, Agribank đã phê duyệt cho vay 11 dự án nhà ở xã hội, với tổng số tiền phê duyệt 3.023 tỷ đồng, doanh số giải ngân 689 tỷ đồng, dư nợ cho vay hiện là 657 tỷ đồng. Dự kiến, ngân hàng sẽ giải ngân 5 dự án trong thời gian tới, với tổng số tiền phê duyệt 1.558 tỷ đồng. Agribank cũng đang tiếp cận 12 dự án nhà ở xã hội khác, với tổng số tiền đề xuất cấp tín dụng hơn 5.200 tỷ đồng.
Được biết, NHNN đang trình Chính phủ sửa gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng tăng mức ưu đãi cho người mua nhà: lãi suất cho vay thấp hơn 3% lãi suất cho vay thương mại dài hạn của nhóm big 4 (hiện tại thấp hơn 1,5-2%), thời gian điều chỉnh lãi suất định kỳ 3 tháng/lần (hiện tại là 6 tháng/lần). Sau thời gian ưu đãi 5 năm, ngân hàng vẫn tiếp tục ưu đãi lãi suất cho người vay với mức thấp hơn lãi vay thương mại tối thiểu 1-2%, thay vì quy định thả nổi như hiện tại.
Bà Phùng Thị Bình, Phó tổng giám đốc Agribank cho hay, với lãi suất cho vay thấp hơn 3% lãi suất cho vay thương mại, ngân hàng gần như cho vay không có lợi nhuận trong lĩnh vực nhà ở xã hội.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, gói 120.000 tỷ đồng giải ngân chậm chủ yếu là do pháp lý. Cụ thể, hiện nay vẫn còn nhiều địa phương chưa công bố danh mục nhà ở xã hội (mới có 34/63 địa phương công bố). Trong số 78 dự án nhà ở xã hội đã được các địa phương công bố, nhiều dự án chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn. Một số dự án khi được ngân hàng tiếp cận lại đang gặp vướng mắc về pháp lý nên chưa đủ điều kiện để ngân hàng cho vay.