Báo cáo mới nhất từ Tổ chức Lương thực và Nông Nghiệp (FAO) của Liên Hợp Quốc cho biết, giá lương thực toàn cầu tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 8 và chạm mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
FAO cho biết giá lương thực tăng là do nhu cầu ổn định hơn và đồng USD yếu hơn. Khi giá hàng hóa, bao gồm cả nguyên liệu thô cho thực phẩm, thường được tính bằng đồng USD và khi USD yếu hơn sẽ hỗ trợ cho giá cả.
Hôm qua, Cục Thống kê Trung Quốc cho biết, giá lương thực nước này đã tăng 11,2% so với một năm trước vào tháng 8 do giá thịt lợn tăng cao do dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến đàn lợn của Trung Quốc bị suy giảm. Trong tháng 8/2020, giá thịt lợn đã tăng 52,6% so với cùng kỳ năm trước.
Thời tiết nắng nóng và mưa nhiều cũng ảnh hưởng đến giá cả, Theo chỉ số giá của FAO, giá rau tăng 6,4% so với tháng 7/2020. Giá trứng tăng 11,3% do nhu cầu theo mùa vượt mức tồn kho thấp.
Các chuyên gia đã cho rằng, dù không xảy ra tình trạng thiếu lương thực cấp bách, các trang trại vẫn bị xáo trộn vì đại dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
“Khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bùng phát, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng thực phẩm trong nước, các cú sốc khác ảnh hưởng đến sản xuất lương thực, mất thu nhập và kiều hối đang tạo ra căng thẳng mạnh mẽ và rủi ro an ninh lương thực ở nhiều quốc gia”, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết hôm 31/8.
Theo WB, mặc dù giá lương thực toàn cầu nhìn chung ổn định, nhưng nhiều quốc gia đang trải qua mức độ lạm phát giá lương thực khác nhau do các biện pháp được thực hiện để ngăn chặn sự lây lan Covid-19.
Vào tháng 7, một cuộc khảo sát của Tập đoàn kinh doanh thực phẩm và nông nghiệp Olam hoạt động tại 60 quốc gia cho thấy hơn một nửa trong số 2.400 nông hộ nhỏ trồng ca cao, cà phê, vừng, bông và các cây trồng khác ở châu Phi và Indonesia đang gặp phải tình trạng thiếu lương thực và dinh dưỡng cơ bản do hạn chế di chuyển, giá lương thực tăng và không đủ hàng tồn kho.
Trong số những nông dân được khảo sát, 70% trong số họ cho biết khả năng chi trả lương thực bị ảnh hưởng do họ có thu nhập thấp hơn bình thường trong 4 tháng trước đó.
WB đã cảnh báo về sự gián đoạn nguồn cung trước mắt nếu nông dân tiếp tục bị hạn chế tiếp cận với thực phẩm.
“Các nhà sản xuất thực phẩm cũng phải đối mặt với thiệt hại lớn về thực phẩm dễ hỏng và mất dinh dưỡng do người mua ngày càng hạn chế và mô hình tiêu dùng thay đổi. Mặc dù tình trạng mất an ninh lương thực phần lớn không phải do tình trạng thiếu lương thực gây ra, nhưng sự gián đoạn cung cấp các nguyên liệu đầu vào nông nghiệp như phân bón, hạt giống hoặc tình trạng thiếu lao động có thể giảm ảnh hưởng trong vụ mùa tới”, theo WB.
“Nếu nông dân đang gặp nạn đói nghiêm trọng, họ cũng có thể ưu tiên mua lương thực hôm nay hơn là gieo hạt cho ngày mai, làm tăng nguy cơ thiếu lương thực sau này”, WB cho biết.