Thời sự
Ngân hàng Thế giới chỉ ra 2 yếu tố kéo giảm GDP Việt Nam
Lê Quân - 10/10/2019 14:02
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ cùng nhịp giảm với bức tranh kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương do tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và nguy cơ Brexit diễn ra thiếu quy củ.
Các chuyên gia Ngân hàng Thế giới trao đổi tại cuộc họp báo công bố báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương tổ chức ngày 10/10 tại Hà Nội.

Theo báo cáo cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới công bố ngày 10/10, xuất khẩu và hoạt động chế biến chế tạo đồng loạt sụt giảm là nguyên nhân chính kéo tụt tăng trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương từ 6,3% năm 2018 xuống còn 5,8% năm 2019 và giảm lần lượt về 5,7% và 5,6% vào năm 2020 và 2021.

Đối với Việt Nam, tăng trưởng GDP theo giá so sánh có thể giảm từ 7,1% năm 2018 xuống còn 6,6% năm 2019 do tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và tăng trưởng sản xuất nông nghiệp yếu đi.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo tiếp tục giảm còn 6,5% trong các năm 2020 và 2021, nhưng phù hợp hơn với sản lượng tiềm năng của Việt Nam. Về trung hạn, triển vọng tăng trưởng Việt Nam vẫn tích cực, Ngân hàng Thế giới đánh giá.

Trong kỳ dự báo (2019-2021), lạm phát dự kiến ở Việt Nam vẫn thấp hơn chỉ tiêu 4% mà Chính phủ Việt Nam đã đề ra, còn tài khoản vãng lai vẫn thặng dư nhưng ở mức thấp.

Nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tỏ ra rất lạc quan về tăng trưởng GDP nhờ hai động lực quan trọng, gồm: nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng cao và sức cạnh tranh cao của nền kinh tế so với khu vực.

Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động kinh tế toàn cầu do Việt Nam mở cửa thương mại mạnh mẽ trong khi dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ tương đối hạn chế.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu mạnh hơn dự kiến có thể gây sức ép cho đà tăng trưởng của Việt Nam. Ngoài ra, quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng đang bị chậm, có thể gây bất lợi về tài chính - vĩ mô và làm suy giảm triển vọng tăng trưởng dài hạn.

Sự suy giảm nhanh hơn dự kiến của kinh tế Trung Quốc, khu vực đồng Euro, Mỹ và việc Anh rời EU (Brexit) diễn ra một cách thiếu quy củ… có thể làm suy yếu sức cầu bên ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu của các nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.

Ngân hàng Thế giới cũng khuyến cáo các nền kinh tế khu vực cần tiếp tục duy trì mở cửa thương mại, kể cả trong bối cảnh thương mại toàn cầu khó khăn hơn, đồng thời kêu gọi các nền kinh tế trong khu vực chống lại “sức hấp dẫn” của chính sách bảo hộ thương mại.

Tin liên quan
Tin khác