Báo cáo cho thấy, nếu như quý 1/2015, tăng trưởng toàn ngành công nghiệp chỉ là 9,3%, năm 2016 tăng 8,2% và năm 2017 tăng 5,1% thì quý 1/2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp với xu hướng tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Trong quý 1, lĩnh vực này đạt mức tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
nh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+) |
Những ngành có đóng góp lớn vẫn là sản phẩm điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học và sản xuất kim loại với mức đóng góp 10,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngoài ra, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,5%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm và ngành khai khoáng tăng 0,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung của toàn ngành.
Xét về mức độ đóng góp vào tăng trưởng GDP của ngành công nghiệp cho thấy, ngành công nghiệp đóng góp 3,01 điểm phần trăm.
Nếu nhìn lại những năm trước đó, năm 2012 tăng 8,74%, năm 2013 tăng 4,38%, năm 2014 tăng 5,97%, năm 2015 tăng 9,70%, năm 2016 tăng 8,94%, năm 2017 tăng 8,60% thì đến năm 2018 mức tăng lên đến 13,56% và là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, nhờ mức tăng này đã đóng góp 2,46 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Đến hết quý 1, ngành khai khoáng đạt mức tăng 0,4% sau hai năm liên tục giảm. Trước đó, năm 2016, ngành này giảm 0,2% và năm 2017 giảm 10%, chủ yếu do khai thác than cứng và than non đã tăng 2,9% (cùng kỳ năm 2017 giảm 5,5%); đặc biệt khai thác quặng kim loại tăng 9,7%, trong đó khai thác quặng aptit đạt khoảng 697.000 tấn, sản xuất Alumin ở mức 295.000 tấn...
"Nhìn chung, chỉ số sản xuất công nghiệp quý 1 tiếp tục đà tăng trưởng tốt, đóng góp vào mức tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp do xu thế phục hồi của kinh tế toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng tăng và sự cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước, khuyến khích sản xuất phát triển. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chính thúc đẩy mức tăng trưởng chung của toàn ngành," đại diện Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho hay.
Rà soát cụ thể hơn ở 24 ngành cấp 2 thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, nhóm các ngành có tốc độ tăng trưởng IIP cao (tăng trên mức tăng 11,6% của toàn ngành) gồm 6 ngành là: dệt tăng 13,7%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 17,9%; sản xuất kim loại tăng 14%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 13,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 29,3%; sản xuất giường tủ, bàn ghế tăng 12,8%.
Đặc biệt là, các ngành trong nhóm đều đạt tốc độ tăng trưởng dương (ngoại trừ ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2017).
Cùng với mức tăng của sản xuất công nghiệp, trong quý 1, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tạo dấu ấn khi tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Tại thời điểm 31/3, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tăng 6,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 13,5% so cùng thời điểm năm trước; tỷ lệ tồn kho bình quân quý 1 là 68,2%.