Giá gỗ nhập khẩu tiếp tục tăng, các doanh nghiệp cần liên kết mua chung để giảm giá ảnh: đức thanh |
Đà tăng giá sẽ tiếp tục
Đầu tháng 4/2021, Business Insider cập nhật giá gỗ xẻ đã đạt mức cao kỷ lục sau khi tăng hơn 250% trong năm qua. Từ năm 2019, khi nhu cầu giảm và điều kiện thời tiết khắc nghiệt, một số nhà cung cấp gỗ phải đóng cửa, nhiều nhà máy giảm sản lượng, nên 1 năm sau đó, giá gỗ xẻ đã liên tục biến động cho đến nay.
Ông John Chan, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ cứng Mỹ (AHEC) cho biết, chỉ số giá gỗ xẻ toàn cầu (GSPI) đã tăng 3 quý liên tiếp, lên gần 79 USD/m3 trong quý I/2021. Con số này cao hơn mức trung bình trong 25 năm qua. Giá gỗ xẻ ở Mỹ cũng đã tăng lên mức chưa từng có, vào tháng 4/2021, giá gỗ xẻ trung bình đã đạt mức kỷ lục, cao gấp 3 lần so với 12 tháng trước đó. Các chuyên gia phân tích, giá gỗ xẻ Mỹ có thể tăng lên tới 65% vào cuối năm 2021.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM
Gỗ nguyên liệu được nhập từ các vùng ôn đới đóng vai trò quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Theo Báo cáo mới nhất của nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức Forest Trends và một số hiệp hội trong ngành, EU, Mỹ, New Zealand, Australia và Canada là 5 thị trường chính cung cấp 40% tổng lượng gỗ quy tròn nhập vào Việt Nam hàng năm.
Hiện giá nhập trung bình của gỗ óc chó, gỗ thông từ Mỹ tăng 21-22% so với cùng kỳ 2020, giá nhập khẩu gỗ sồi và tần bì từ EU cũng tăng 1-6%.
Tương tự, giá trung bình nhập khẩu các loài gỗ xẻ cũng có xu hướng tăng với giá gỗ thông xẻ nhập từ Australia tăng 24%, nhập từ New Zealand tăng 22%…
“Khả năng thiếu hụt nguồn cung gỗ cứng đến Việt Nam nói riêng và các thị trường khác nói chung sẽ xảy ra bởi nhu cầu tăng, nhưng tôi tin, đây chỉ là vấn đề tạm thời”, ông John Chan nói.
Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dự báo, trong 1 năm tới, nguồn cung gỗ ôn đới từ châu Âu và Mỹ có thể tiếp tục giảm, bởi tác động liên đới từ đại dịch cũng như chúng được sử dụng phục vụ tiêu dùng nội địa tại chính các thị trường này. Vì vậy, giá gỗ nhập khẩu từ những nguồn trên vào Việt Nam tiếp tục đà tăng.
Liên kết để mua chung, giảm giá đầu vào
Để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào trong thời gian tới, các doanh nghiệp được khuyến nghị cần tìm hiểu kỹ các nguồn cung gỗ, đặc biệt là nguồn cung từ Mỹ và các nước EU, bởi đây là các vùng có nhiều biến động. Thêm vào đó, việc đa dạng chủng loại gỗ nhập khẩu cũng là một giải pháp.
Ông Oliver Richard, Giám đốc Công ty ANVS, đơn vị chuyên xuất khẩu gỗ từ Pháp và Bỉ đến châu Á, đặc biệt cho Trung Quốc và Việt Nam khuyến nghị, việc đa dạng nguồn nguyên liệu có thể giúp doanh nghiệp sản xuất tìm kiếm cơ hội từ những xu hướng mới với sản phẩm nhỏ, tinh gọn từ nhóm khách hàng trẻ, cũng như đảm bảo được giá thành xuất xưởng không bị đẩy lên quá cao.
Bên cạnh việc tăng giá gỗ, thì giá cước vận chuyển cũng tăng chóng mặt. Thống kê từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, giá cước vận chuyển trên toàn cầu đang tăng theo chiều thẳng đứng. Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký VLA lấy ví dụ, cước tàu 40 ft từ Việt Nam đi bờ Đông Bắc Mỹ đã tăng từ 4.800 USD trong tháng 1/2021, lên gần 20.000 USD vào tháng 9/2021, còn cước tàu 40 ft từ Việt Nam đi bờ Tây Bắc Mỹ đã tăng từ 4.000 USD, lên 14.000 USD.
Vì vậy, ông Minh cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất chế biến gỗ cần tính toán đến việc hợp tác cùng nhau mua chung gỗ nguyên liệu, vận chuyển bằng phương thức tàu rời. Khi bao nguyên chuyến tàu, giá cước có thể được tiết giảm.
Ngoài việc xem xét đa dạng loại gỗ nguyên liệu nhập khẩu, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao để tìm cách thương lượng giá cước với các hãng tàu, đặc biệt tại thị trường nhập khẩu gỗ lớn từ Việt Nam theo phương thức đối ứng.
Song, nhiều doanh nghiệp cho biết, việc đa dạng chủng loại gỗ nguyên liệu đầu vào, tăng cường mua gỗ tròn thay thế cho các loại gỗ xẻ đã được họ tính đến, nhưng vẫn còn những cái khó.
Ông Võ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico) dự tính, trước khả năng đứt gãy chuỗi cung ứng, kế hoạch đặt mua song song các loại gỗ xẻ và gỗ tròn đều cần được thực hiện. Ví dụ, nếu đặt mua gỗ tròn vào đầu mùa (khoảng tháng 10) thì giá sẽ chỉ biến động quanh mức 3-5%, nhưng do vòng quay vốn dài khiến doanh nghiệp không muốn nhập gỗ tròn, bởi gỗ tròn sau khi nhập phải mất nhiều thời gian xẻ rồi sấy, trong khi nhập gỗ xẻ thì doanh nghiệp có thể bắt tay ngay vào sản xuất thành phẩm.
Thêm vào đó, không phải doanh nghiệp muốn dùng loại gỗ nguyên liệu nào cũng được, bởi còn phụ thuộc vào yêu cầu chủng loại theo đặt hàng của đối tác.
“Nhà nước không chỉ hỗ trợ cho xuất khẩu gỗ, mà cả chiều nhập khẩu gỗ nguyên liệu để giá và chất lượng ổn định thông qua hợp đồng dài hạn để giữ giá 3-6 tháng. Như vậy, giá xuất xưởng sẽ ổn định hơn, đỡ bị phập phồng khi giá nguyên liệu trồi sụt”, ông Võ Quang Hà nói.