Doanh nghiệp
Ngành hàng xuất khẩu tỷ đô chật vật cán đích
Thế Hải - 27/11/2019 19:38
Sau 11 tháng của năm 2019, một số ngành hàng xuất khẩu tỷ USD đã lộ diện khả năng “lỡ hẹn” kế hoạch cả năm 2019, hoặc có thể cán đích, nhưng hiệu quả kinh doanh sút kém do giá xuất khẩu thấp.
Ước 11 tháng của năm 2019, gạo xuất khẩu đạt 2,65 tỷ USD, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Đức Thanh

Xuất khẩu gạo và rau quả sụt giảm

Kết thúc năm 2018, xuất khẩu rau quả lập kỷ lục khi cán đích hơn 3,5 tỷ USD, lọt top 4 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao nhất, thúc đẩy toàn ngành đặt mục tiêu 4 tỷ USD cho năm 2019. Song gần 11 tháng qua đi, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã giảm 6% so với cùng kỳ và dự báo khó về đích như kế hoạch.

Hết 10 tháng năm 2019, xuất khẩu rau quả mới mang về 3,069 tỷ USD và ước tính 11 tháng đạt 3,350 tỷ USD. Nếu duy trì mức xuất khẩu 350 triệu USD/tháng, thì hết tháng 12, xuất khẩu rau quả chỉ có thể đạt 3,7 - 3,75 tỷ USD.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu rau quả “hụt hơi” là sự thay đổi về chính sách nhập khẩu của thị trường chiếm 70% tổng giá trị xuất khẩu của ngành là Trung Quốc. Trong khi thị trường này siết nhập tiểu ngạch, chuyển sang chính ngạch, thì Việt Nam mới có 9 loại trái cây được phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T cho rằng, năm 2019, dù một số loại trái cây vào được thị trường Mỹ, Australia… và có mức tăng khá, nhưng khó có thể bù đắp được sự sụt giảm của thị trường Trung Quốc.

Tương tự, gạo cũng phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc, giá xuất khẩu đã giảm sâu, tác động trực tiếp đến việc hoàn thành kế hoạch cả năm. Ước 11 tháng của năm 2019, gạo xuất khẩu đạt 2,65 tỷ USD, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2018, gạo được đánh giá là điểm sáng của nhóm hàng nông - thủy sản, khi có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất và giá duy trì ở mức cao trong cả năm. Cụ thể, xuất khẩu gạo đạt trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 16,3% so với năm 2017. Giá xuất khẩu bình quân ở mức 501,0 USD/tấn, tăng 10,7%, tương đương mức tăng ấn tượng là 48 USD/tấn so với năm 2017.

Nhưng sang năm 2019, giá gạo xuất khẩu không còn giữ được “phong độ” như năm trước. Xuất khẩu tăng về lượng, nhưng giá trị thu về lại giảm đáng kể, do nhiều nước nhập khẩu gạo lớn đã có những thay đổi về chính sách với mặt hàng này, tác động ngay đến giá trị xuất khẩu.

Khẩn trương tái cơ cấu

Xuất khẩu phụ thuộc một vài thị trường lớn, rủi ro cao là thực tế với nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam, chứ không riêng gạo hay rau quả. Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, lúa gạo là ngành hàng rất rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao.

Siết chặt điều kiện nhập khẩu là xu hướng tất yếu, theo hướng thương mại quốc tế chuyên nghiệp. Trong giai đoạn đầu, khi doanh nghiệp chưa thích ứng kịp thì sụt giảm là điều không tránh khỏi, nhưng về dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam phải tự chuyển đổi nếu muốn giữ mối xuất khẩu.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương)

“Có một nguyên nhân khách quan là thế giới với 7 tỷ người, chỉ có 3,5 tỷ người ăn gạo, nhưng dung lượng hàng hóa của gạo là 36 triệu tấn, với khoảng 32 tỷ USD/năm về thương mại. Như vậy, các cường quốc đều tập trung cạnh tranh ở chuỗi giá trị này. Do đó, điều kiện tự nhiên là áp lực tạo nên cho hạt gạo hiệu quả thấp, rất bấp bênh”, ông Cường nêu thực trạng và đề nghị ngành lúa gạo phải thay đổi sản xuất.

Dẫu vậy, sự sụt giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của thương chiến Mỹ - Trung hay các thị trường lớn thay đổi chính sách nhập khẩu được không ít doanh nghiệp nhìn nhận là không quá lo ngại. Theo họ, đây là thời gian để các doanh nghiệp tự chuyển mình, thích ứng với bài toán của các nhà nhập khẩu.

Đơn cử, với ngành sợi, tính đến ngày 15/11, xuất khẩu tăng hơn 12% về sản lượng, song chỉ tăng 3% về trị giá so với năm 2018. Ông Cao Hữu Hiếu, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã có cách ứng phó để giảm đến mức thấp nhất những ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu theo cách tham gia chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp đầu tư mới, với 50% sản lượng sẽ được cung cấp trực tiếp cho các nhà sản xuất dệt.

Thông tin thêm, ông Hiếu cho hay, đối với nhóm sợi CD&CM, Nhà máy Sợi Phú Cường đã vào chuỗi thành công, với các mặt hàng Ne 28~ Ne 30 CD/CM, chốt được sản lượng hơn 200 tấn/tháng (chiếm gần 40-50% sản lượng toàn nhà máy) cho khách hàng nước ngoài. “Đây là một khách hàng khá lớn (nhu cầu khoảng 1.000 tấn/tháng), có trụ sở tại Mỹ, sản xuất dệt và nhuộm tại Thái Lan và Malaysia, may tại Việt Nam”, ông Hiếu nói.

Với các giải pháp trên, khả năng cán đích 4 tỷ USD của ngành sợi là có thể, nhưng do chấp nhận xuất khẩu với giá thấp, nên hiệu quả sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA), kể từ khi thương chiến Mỹ - Trung xảy ra, ngành sợi Việt Nam mất hàng trăm triệu USD do bị giảm giá.

Số liệu thống kê xuất khẩu đến giữa tháng 11/2019 của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cả nước đang rất gần mục tiêu cả năm 2019. Cụ thể, tính đến hết ngày 15/11/2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 450,46 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, cán cân thương mại hàng hóa của cả nước đạt thặng dư 9,18 tỷ USD.

Tin liên quan
Tin khác