Thâu tóm qua M&A
Theo nhận định của các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán VietinBanksc, với mức tăng trưởng cao trong 5 năm trở lại đây, ngành nhựa hiện chỉ đứng sau viễn thông và dệt may. Đây cũng là lý do quan trọng để các doanh nghiệp nhựa Việt Nam luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan.
Theo ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu VietinBankSc, ngành nhựa gồm 4 mảng chính là nhựa bao bì, nhựa gia dụng, nhựa kỹ thuật, nhựa xây dựng. Thị phần mảng nhựa xây dựng chỉ chiếm 18,2% tổng ngành, nhưng tốc độ phát triển của nhựa xây dựng đạt 15-20% nên tiềm năng phát triển mạnh. Hiện nay, có 180 doanh nghiệp đang hoạt động trong 2 mảng là ống nhựa xây dựng và nhựa vật liệu xây dựng. Mảng ống nhựa xây dựng với doanh thu khoảng 12.300 tỷ đồng với 2 doanh nghiệp lớn là Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong và Nhựa Bình Minh. Còn đối với mảng nhựa vật liệu xây dựng, bao gồm nhựa Profile, Nhôm Composite và tấm trần nẹp cửa, thì Nhựa Đông Á là doanh nghiệp nội chiếm thị phần nhiều nhất.
Với mức tăng trưởng từ 15-20%/năm, ngành nhựa xây dựng đang nằm trong tầm ngắm của nhiều doanh nghiệp ngoại. |
Về vấn đề thâu tóm từ các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường, cả đầu tư trực tiếp lẫn đầu tư thông qua M&A, ông Hải Đăng cho rằng đây là cách hiệu quả nhất để bước chân vào thị trường vô cùng rộng lớn và đầy tiềm năng như Việt Nam.
Ngoài ra, đối với mảng ống nhựa, với nhược điểm là cồng kềnh, khó vận chuyển, nên doanh nghiệp trong nước không vấp phải việc cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm ngoại nhập. Thay vào đó, các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường Việt nam qua kênh M&A. Hiện nay, trên thị trường ống nhựa, các doanh nghiệp nội cùng phát triển, trong đó nhựa Tiền Phong chiếm 60% thị phần miền Bắc và nhựa Bình Minh chiếm 50% thị phần Miền Nam, nên việc các doanh nghiệp ngoại tham gia mua bán và sáp nhập những doanh nghiệp lớn này là điều dễ hiểu. Nâng trần sở hữu khối ngoại đối với các doanh nghiệp nhựa không hạn chế, có thể lên đến 100%, vì thế việc chen chân vào các doanh nghiệp nhựa không có gì là không thể.
Ông Đăng đưa ra ví dụ về Nhà đầu tư nước ngoài là Nawaplastic Industries (công ty con của SCG, Thái Lan) đang nối dài cánh tay của mình ở thị trường Việt Nam thông qua hàng loạt thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A). SCG đang nắm trong tay thị phần không hề nhỏ của 2 ông lớn ngành nhựa ống, hơn 20% cổ phần nhựa Bình Minh và 23,84% cổ phần của nhựa Tiền Phong. Ngoài ra, các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đang nghiên cứu và chuẩn bị những bước thâm nhập vào thị trường. Trước sức ép cạnh tranh quá lớn, doanh nghiệp nhựa xây dựng Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư đưa để vượt qua những đối thủ lớn trong khu vực.
Tiềm năng còn nhiều
Đối với mảng nhựa vật liệu xây dựng, doanh nghiệp nội vấp phải cạnh tranh ngay trên sân nhà, bao gồm việc cạnh tranh với các sản phẩm thay thế và cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại trên thị trường. Cạnh tranh giữa sản phẩm thay thế, ví dụ như hệ thống cửa nhựa với vật liệu chính là nhựa profile và Nhôm composite phải cạnh tranh với các sản phẩm cửa gỗ truyền thống và cửa nhôm. Tuy nhiên, cửa nhựa với ưu điểm độ bền cao, chi phí thấp, dễ vận chuyển, đang dần được ưa chuộng trên thị trường bất động sản tầm trung, với thị phần 35% và đang có xu hướng tăng lên.
Còn về vấn đề cạnh tranh giữa sản phẩm nội và sản phẩm ngoại, thực tế hàng nhập khẩu Trung Quốc với mẫu mã phong phú, đa dạng nên đang chiếm thị phần lớn trên thị trường Việt Nam, đặc biệt là thị trường thanh profile (hàng nhập khẩu chiếm đến 60%).
Sản phẩm nhựa Việt Nam tuy xuất hiện sau nhưng chất lượng được đánh giá tốt, giá thành tầm trung, thời hạn bảo hành cao và chiếm được tình cảm của chính bản thân người tiêu dùng trong nước, nên nếu doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sản xuất, sản phẩm nhựa Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh cao và thị phần tăng lên. Thực tế, các sản phẩm nhôm composite, tấm trần, nẹp trang trí hàng nội địa đang chiếm gần 100% thị phần.
Ông Đăng dự đoán, ngành nhựa xây dựng có tiềm năng phát triển mạnh trong thời gian tới vì theo quy hoạch phát triển ngành nhựa, sẽ chuyển dịch cơ cấu, giảm nhựa gia dụng và bao bì, gia tăng thị phần nhựa xây dựng từ 18% (năm 2015) lên 25% (năm 2020) và tăng đến 27% (năm 2025). Ngoài ra, thị trường bất động sản tăng trưởng, nhu cầu xây dựng nhà ở và hạ tầng tăng lên là điều kiện thuận lợi cho ngành nhựa xây dựng phát triển. Từ 2016 - 2020, nhu cầu sản phẩm cửa nhựa ước tính sẽ tăng trung bình mỗi năm 42,8 triệu m2.
Kết quả sản xuất kinh doanh cho thấy, Nhựa Tiền Phong (doanh nghiệp ống nhựa chiếm 65% thị phần miền Bắc với sản lượng tiêu thụ 70.904 tấn/năm), 9 tháng đầu năm đạt doanh thu 3.103 tỷ đồng, tăng 22%, lợi nhuận trước thuế đạt 319,7 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2015. Với Nhựa Bình Minh (doanh nghiệp ống nhựa chiếm 50% thị phần Miền Nam với sản lượng tiêu thụ 67.857 tấn/năm), 9 tháng đầu năm đạt doanh thu thuần 2.479 tỷ đồng (tăng 20%) và lợi nhuận trước thuế đạt 663 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 540 tỷ đồng (tăng 39%). Còn nhựa Đông Á, doanh nghiệp nhựa vật liệu xây dựng có sản lượng tiêu thụ 35.000 tấn/năm.
Về cơ hội đầu tư, ông Đăng chia sẻ: “Trong một năm trở lại đây, các cổ phiếu trong ngành nhựa xây dựng như của Bình Minh, Tiền Phong, hay Đông Á đã có diễn biến giá tốt hơn chỉ số VN-Index nói chung. Chỉ số thị trường P/E và P/B của các cổ phiếu này cũng đang ở mức khá hấp dẫn, đặc biệt như cổ phiếu DAG (có P/E P/B lần lượt là 11,95 và 1,25, thấp hơn trung bình ngành là 12,3 và 2,98 lần)”.