Thực hiện tốt quản lý tài nguyên môi trường
Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai và các lĩnh vực khác có liên quan đến quản lý, sử dụng đất trên địa bàn; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh...
Tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh các hồ sơ giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh, gia hạn sử dụng đất, gia hạn tiến độ sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phương án đấu giá quyền sử dụng đất, quyết định đấu giá quyền sử dụng đất các dự án phát triển nhà ở; thu hồi đất theo quy định.
Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tiến Thành trao tặng bức trướng cho Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình nhân kỷ niệm 20 năm thành lập. |
Chủ trì tham mưu lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), phương án Phân bổ khoanh vùng đất đai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh, phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của 8/8 huyện, thành phố.
Tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, các quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, được đại bộ phận người bị thu hồi đất đồng thuận, ủng hộ và chấp hành nghiêm túc. Qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án đầu tư và ổn định tình hình an ninh trật tự, giảm tình trạng khiếu kiện tại địa phương.
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, hệ số sử dụng đất canh tác tăng dần qua các năm. Đồng thời tạo quỹ đất thực hiện dự án đầu tư, hình thành các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, công trình công cộng ở các địa phương...
Đối với lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản, Sở thường xuyên phối hợp rà soát, kiểm tra, kịp thời xử lý các vi phạm, tạo chuyển biến lớn trong việc quản lý hiệu quả và phát triển bền vững tài nguyên nước, phục vụ kịp thời yêu cầu nước cho sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh; đưa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp.
Góp phần cải thiện môi trường đầu tư
Không chỉ làm tốt công tác tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh còn đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, thường xuyên rà soát, điều chỉnh bổ sung và cắt giảm, bãi bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật, danh mục, quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của Sở để người dân, doanh nghiệp cũng như đội ngũ công chức, viên chức, người lao động thực hiện. Duy trì, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nâng cao tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4,…
Tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, thực hiện tốt chuyển đổi số; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Sở đã cơ bản hoàn thành cung cấp dịch vụ công mức độ 2, 3, 4 đối với 100% thủ tục hành chính ngành tài nguyên và môi trường trên Cổng dịch vụ công trực tuyến; có 72/112 thủ tục hành chính ngành tài nguyên và môi trường, trong đó 60/87 thủ tục hành chính của Sở đang triển khai theo dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Để nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, Sở đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đất đai với nhiều hình thức phong phú, thích hợp. Quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh thời gian, bảo đảm chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện các dự án đầu tư.
Công bố công khai thông tin về quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất hàng năm trên Cổng thông tin của Sở. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và chủ sử dụng đất tiếp cận thông tin đất đai một cách dễ dàng, thuận lợi.
Nhà máy xử lý nước thải tập trung tại KCN Liên Hà Thái đạt tiêu chuẩn chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp |
Sở đã tham mưu kiểm soát, hạn chế có hiệu quả mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học; cải thiện chất lượng môi trường sống; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; chú trọng ưu tiên, thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường; phối hợp thẩm định các dự án vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp bảo đảm phù hợp tính chất, ngành nghề; hạn chế dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp.
Kết quả, các chỉ tiêu, mục tiêu về môi trường đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt yêu cầu, có sự cải thiện dần qua từng năm, trong đó, đáng chú ý là các chỉ tiêu về tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn đô thị, tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, tỷ lệ chất thải y tế được thu gom xử lý, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường.
Đến nay, 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt tỷ lệ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; 14,29% cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, các địa phương, đơn vị đang phấn đấu đến năm 2025 đạt được tỷ lệ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra là 80%.
Thời gian tới, ngành Tài nguyễn và Môi trường Thái Bình sẽ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của tỉnh liên quan đến đất đai để thống nhất và tháo gỡ các nội dung còn bất cập. Hoàn thành việc lập, phê duyệt các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tầm nhìn dài hạn để phân bổ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển nhanh và bền vững.
Song song với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích đổi mới sáng tạo; tăng cường quản lý; bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên, môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng tài nguyên số để đưa vào vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu, tích hợp và liên thông.