Doanh nghiệp
Ngành thủy sản tăng tốc đơn hàng dịp cuối năm
Hồng Phúc - 05/11/2021 08:56
Ngành thủy sản Việt Nam đang nỗ lực tăng tốc sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm để lấy lại những gì đã mất. Ước tính, kim ngạch xuất khẩu cả năm khoảng 8,4 tỷ USD.
Ảnh minh họa

Sau quá trình thực hiện “3 tại chỗ” cùng các khó khăn trong chuỗi cung ứng, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn trong ngành thủy sản đã tăng trưởng trở lại.

Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn vừa công bố Báo cáo quan hệ nhà đầu tư tháng 9/2021, với doanh thu tăng 18% so với cùng kỳ (đạt 658 tỷ đồng). Theo đó, sản phẩm cá tra và nhóm sản phẩm chức năng đều tăng trưởng 36%, đóng góp lần lượt 471 tỷ đồng và 38 tỷ đồng cho Công ty.

Xét về thị trường, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Vĩnh Hoàn trong tháng 9 tiếp đà tăng trưởng (tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái) và mang về 344 tỷ đồng doanh thu. Một thị trường lớn khác của Công ty là châu Âu cũng tăng trưởng 11%, với kim ngạch tăng từ mức 67 tỷ đồng, lên 74 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng của năm nay, Vĩnh Hoàn lãi ròng gần 649 tỷ đồng, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu đơn đặt hàng cho các tháng cuối năm, doanh nghiệp này còn mạnh tay đầu tư cho kế hoạch tăng trưởng dài hạn  thông qua việc góp thêm 145 tỷ đồng đầu tư vào Công ty TNHH Thức ăn thủy sản Feed One.

Một doanh nghiệp lớn khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú cũng vừa khởi động chuỗi dự án nhà máy chế biến thủy sản tại tỉnh Cà Mau vào cuối tháng 10 vừa qua.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Minh Phú, chuỗi dự án này bao gồm Nhà máy chế biến Tô Minh Phát, Nhà máy chế biến Tô Minh Quý, Nhà máy chế biến Tô Minh Phú, cùng có công suất 18.000 tấn/năm và Nhà máy bao bì Quang Minh với công suất 5.000 tấn/năm. Tổng mức đầu tư các dự án hơn 1.600 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Minh Phú đặt mục tiêu đảm bảo sản xuất đến hết năm nay ở mức trên 70%, song song với việc áp dụng chặt chẽ các biện pháp chống dịch để sản xuất theo mô hình “7 xanh” (nhà máy xanh, công nhân xanh, di chuyển xanh, gia đình xanh/ phòng ở xanh, nhà cung cấp xanh, vắc-xin xanh, trạm y tế tại chỗ xanh).

Đánh giá về tình hình sản xuất, kinh doanh trong ngành tôm thời gian tới, đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta nhận định, các thị trường nhập khẩu chính tôm Việt đang trên đà phục hồi nhờ tiêm ngừa vắc-xin diện rộng và triển khai các gói hỗ trợ sau Covid-19.

Đồng thời, lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, du lịch từng bước mở cửa trở lại. Tôm Việt còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu nếu biết tận dụng cơ hội.

Khi so sánh thị phần theo doanh số 9 tháng của năm nay và cả năm 2020, Ban lãnh đạo Sao Ta nhận thấy, thị phần tại Mỹ đang dần tăng, trong khi tại EU lại giảm.

Điều này chứng tỏ Mỹ đã mở cửa tiêu dùng sớm và nhu cầu thực phẩm, trong đó có tôm tăng lên. Thị phần tôm Việt ở Mỹ có mức tăng từ khoảng 8% trong năm 2020, lên gần 10% trong 9 tháng của năm nay.

Thị phần ở Nhật Bản được Sao Ta duy trì ổn định và được dự đoán, từ đầu tháng 10/2021, Tokyo mở cửa, lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng sẽ tăng nhu cầu; đồng thời Sao Ta sẽ tăng lượng hàng cung cho thị trường này bên cạnh các thị trường tiềm năng, duy trì ổn định khác như Australia và Hàn Quốc.

Tương tự, bà Kim Thu, chuyên gia thị trường Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Việt Nam (VASEP)  đánh giá, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ vẫn cao, nhất là khi thị trường này đang mở cửa trở lại hậu Covid-19 và các dịp lễ cuối năm đang tới gần.

Nhập khẩu tôm từ Ecuador vào Mỹ cũng tăng mạnh từ đầu năm nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Ecuador sang Mỹ sẽ khó duy trì được trong thời gian tới do thiếu nguyên liệu để chế biến, tạo cơ hội cho tôm Việt Nam.

Trong khi đó, tại thị trường EU, lượng tôm dự trữ đang ở mức thấp, kéo theo nhu cầu nhập khẩu gia tăng từ nay đến hết tháng 11 để phục vụ cho các mùa lễ hội cuối năm. Cùng với đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng là cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này.

Là doanh nghiệp lớn trong ngành cá tra, Công ty cổ phần Nam Việt cho biết, các đơn hàng đang dồi dào và dự kiến lấp đầy công suất đến quý I/2022. Đặc biệt, các đơn hàng đều được ký với giá cao.

Để duy trì hoạt động sản xuất mà vẫn đảm bảo sức khỏe cho người lao động khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vắc-xin phòng Covid-19 sẽ là yếu tố quyết định. Vì vậy, Nam Việt đang nỗ lực đảm bảo cho toàn bộ người lao động được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin theo quy định. Đây sẽ là tiền đề tạo bứt phá cho doanh nghiệp.

Tin liên quan
Tin khác