Đầu tư Phát triển bền vững
Ngày Môi trường thế giới: Hành động khẩn cấp ngăn chặn rác thải nhựa
D.Ngân - 05/06/2023 18:35
Ngày Môi trường thế giới 5/6/2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động với chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa" trong đó tập trung thực hiện chiến dịch "Chống ô nhiễm nhựa".

Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp

Mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra tại Việt Nam.

Còn theo Tổng cục Môi trường, việc quản lý chất thải rắn, đặc biệt là rác thải nhựa, rác thải bao bì đang là vấn đề bức thiết, song lại là thách thức hiện nay của các quốc gia bởi tính phổ biến, tiện dụng của các sản phẩm sản xuất từ nhựa, trong khi năng lực tái chế còn rất hạn chế.

Bà Ramla Khaidi, Trưởng đại diện thường tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho hay, lượng rò rỉ rác thải nhựa khổng lồ hiện nay sẽ không chỉ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái biển mong manh mà còn đối với phúc lợi của chính chúng ta và sinh kế của các cộng đồng ven biển.

Cũng theo bà Ramla Khaidi, các đại dương và vùng đất trên toàn thế giới đang bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, các hoạt động kinh tế không bền vững, suy thoái đa dạng sinh học và đặc biệt là rác thải nhựa đại dương. Có thể có nhiều nhựa hơn cá ở biển vào năm 2040 nếu không có hành động nghiêm túc nào được thực hiện.

Tại một sự kiện về môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức nhân ngày Môi trường thế giới, Trưởng đại diện thường tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đã kể câu chuyện của một ngư dân Quảng Bình đi nhặt rác thải nhựa. 

Hàng ngày, ông Tình gắn một chiếc túi lưới phía sau thuyền để thu gom rác thải sinh hoạt khi ra khơi đánh bắt và mang về bờ. 

Thông qua các hành động của mình, ông Tình đang giảm khoảng 10 kg rác thải hàng ngày, nếu không sẽ trôi ra môi trường và gây hại cho hệ sinh thái đại dương. 

“Chúng ta nên chú ý đến các bài học từ ví dụ này và thúc đẩy hành động từ cấp độ cá nhân và tổ chức”, Trưởng đại diện thường tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Nhằm chung tay thực hiện mục tiêu giảm rác thải nhựa, nhiều doanh nghiệp đã vào cuộc rất quyết liệt. Theo bà Hoàng Thị Thanh Thuỷ, Trưởng ban Điều phối phát triển bền vững, Tập đoàn TH, môi trường là một lĩnh vực trụ cột được doanh nghiệp coi trọng.

Theo đó, với những giải pháp tiêu dùng bền vững, khuyến khích khách hàng tái chế bao bì và giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần, góp phần chung tay bảo vệ môi trường, từ tháng 10/2018, Tập đoàn TH sử dụng thìa sữa chua làm từ chất liệu thân thiện với môi trường (chất liệu có nguồn gốc chủ yếu từ tinh bột thực vật), an toàn tuyệt đối cho người sử dụng và góp phần bảo vệ môi trường, thay thế hoàn toàn loại thìa từ nguyên liệu nhựa PE.

Trước đó, Tập đoàn TH đã triển khai hàng loạt các giải pháp tiêu dùng thân thiện với môi trường từ những chi tiết nhỏ nhất. Cụ thể, tháng 5/2018, hệ thống gần 300 cửa hàng TH true mart trên toàn quốc đã chấm dứt sử dụng túi ni-lon, thay vào đó TH true mart đã tặng và sau đó chính thức bán túi vải canvas. 

Tiếp đến, tháng 9/2019, Tập đoàn TH là doanh nghiệp sữa đầu tiên trên thị trường Việt Nam sử dụng ống hút thân thiện với môi trường thay cho ống hút nhựa thông thường.

Gần đây nhất, tháng 2/2021, các sản phẩm nước tinh khiết TH true Water loại chai 350 ml chính thức ngưng sử dụng màng co plastic ở nắp chai. Lượng nhựa dự kiến giảm thải là 4,5 tấn/năm.

Mặt khác, Tập đoàn TH thường xuyên triển khai các chương trình thu gom, tái chế vỏ hộp sữa nhằm đồng hành và khuyến khích người tiêu dùng trong việc sống xanh, bảo vệ môi trường và tiêu dùng thông thái.

Dù đã tiên phong sử dụng thìa sữa chua làm từ nhựa thân thiện với môi trường nhưng Tập đoàn TH mới có bước đi mạnh mẽ hơn là cắt giảm 50% lượng thìa sữa chua dùng 1 lần cung ứng ra thị trường đi kèm sản phẩm sữa chua ăn TH true Yogurt từ 1/6/2022.

Với hành động cắt giảm này, Tập đoàn TH mong muốn góp phần tăng cường nhận thức về rác thải nhựa, cân chỉnh hành vi tiêu dùng, khuyến khích người tiêu dùng giảm sử dụng thìa nhựa dùng một lần, thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Việc giảm 50% và dần tiến tới 100% lượng thìa nhựa dùng một lần cung ứng miễn phí kèm các sản phẩm sữa chua ăn TH true Yogurt của Tập đoàn TH sẽ giúp giảm từ 130 đến 260 tấn rác thải nhựa ra môi trường hàng năm, trong bối cảnh hàng năm thế giới phát sinh tới 8,3 tỷ tấn rác thải từ nhựa dùng một lần, gây ô nhiễm môi trường (số liệu năm 2018 của Hiệp hội Nghiên cứu biển Hoa Kỳ).

Ngoài ra, theo bà Thuỷ, TH true MILK cũng xây dựng quy trình thanh toán và hướng dẫn nhân viên để truyền thông tới khách hàng về việc giảm thiểu túi nhựa sử dụng một lần khi mua hàng tại TH true mart.

Đặc biệt, hàng năm, TH true MILK luôn tổ chức định kỳ tại Hà Nội và TP.HCM để thu gom các vỏ hộp sữa. Năm 2023 thì tháng 7 tới TH Trumilk sẽ bắt đầu khởi động lại chương trình này.

Với nội bộ doanh nghiệp, TH true MILK đặt mục tiêu cụ thể về KPI năm cho nhân viên và cửa hàng trưởng về việc sử dụng túi nhựa tiết kiệm trong định mức được phê duyệt hàng tháng.

Đồng thời cấp phát túi theo số giao dịch lịch sử và có KPI kiểm soát túi cho bộ phận quản lý cấp phát. Xây dựng chương trình thi đua sử dụng túi tiết kiệm và nêu các gương sáng để áp dụng toàn quốc.

Một doanh khác cũng đang làm rất tốt việc giảm rác thải nhựa là Unilever. Theo đó, Unilever đã hợp tác cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các đối tác khác, giúp phân loại tại nguồn và thu gom, tái chế rác thải nhựa. 

Từ năm 2020 đến nay, các dự án hợp tác của Unilever đã thu gom được hơn 20.000 tấn rác thải nhựa và tạo điều kiện cho hoạt động tái chế nhựa khởi sắc tại Việt Nam.

Song song đó, Unilever liên tục đổi mới bao bì sản phẩm của các nhãn hàng để thân thiện với môi trường, áp dụng mô hình "Ít nhựa hơn, nhựa tốt hơn". Đây đều là những hoạt động giúp giảm ô nhiễm rác thải nhựa ra ngoài môi trường đất và đại dương, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Mới đây, Unilever Việt Nam đã tham gia trở thành thành viên nòng cốt của Nhóm kỹ thuật đổi mới sáng tạo và tài chính giảm ô nhiễm rác thải nhựa thuộc Chương trình Đối tác Hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) được chủ trì bởi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đại diện Unilever, mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa là hướng tiếp cận đóng vai trò trọng yếu không chỉ trong việc giải quyết và ngăn chặn ô nhiễm nhựa, mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội.

Đối với Unilever, để thúc đẩy mô hình này nhằm biến rác thải nhựa thành nguồn tài nguyên, doanh nghiệp tập trung vào 3 hoạt động là cắt giảm việc tiêu dùng nhựa, đổi mới kết cấu bao bì, và kết nối với các đối tác để triển khai các chương trình một cách nhịp nhàng.

Tin liên quan
Tin khác