Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà còn ông Táo là 3 vị đầu rau (2 nam, 1 nữ) trong coi việc bếp núc trong gia đình, phương tiện về trời của ông Công, ông Táo là cá chép. cá chép có thể vượt vũ môn hóa rồng, là con vật tượng trưng cho sức khỏe và sự an lành, mang lại sung túc, tài lộc và may mắn. Ảnh minh hoạ |
Ông Công, ông Táo là hai vị thần khác nhau. Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà. Ông Táo là 3 vị đầu rau (2 nam, 1 nữ) trong coi việc bếp núc trong gia đình.
Theo phong tục, lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về trầu trời.
Tiễn ông Công, ông Táo về trời vào ngày 23 tháng Chạp
Nhiều năm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam,Theo GS. Lê Văn Lan, cúng tiễn ông Công ông Táo về trời (23 tháng Chạp) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Đây cũng là ngày đánh dấu thời điểm bắt đầu vào Tết. Ngày xưa gọi là tiễn Táo quân về trời. Ngày nay, người dân gọi bằng Tết ông Công, ông Táo.
Trong chuyến khai quật khảo cổ học ở tỉnh Hòa Bình từ nhiều năm trước, GS. Lê Văn Lan cùng với các cộng sự đã phát hiện dưới lòng một hang động văn hóa Hòa Bình có niên đại 10.000 năm có hiện tượng 3 hòn đá cuội xếp tạo thành thế “kiềng 3 chân”. Ở chỗ 3 hòn đá cuội ấy đào lên được rất nhiều than, tro, xương thú vật đã vỡ vụn, các mảnh vỏ ốc. Đó là 1 cái bếp của người nguyên thủy.
Sau này, người dân ở các vùng nông thôn Việt Nam thay 3 viên gạch, 3 hòn đá cuội thành những cái kiềng 3 chân bằng sắt để làm bếp. 3 viên đá cùng với những hiện vật được tìm thấy chứng tỏ từ thời nguyên thủy, các tộc người đã biết phát huy tinh thần, sức mạnh của cộng đồng bằng việc mang những sản phẩm kiếm được trong ngày về nấu chín rồi cùng nhau thưởng thức.
Tục cúng Táo quân khởi nguồn từ bếp lửa, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc, cung cấp sự sống cho con người bằng việc sưởi ấm, đun chín thức ăn. Đó cũng là hình tượng trong cõi tâm linh về ông Vua Bếp. Sau này, dựa trên các sự tích liên quan đến bếp lửa, dân gian mới sáng tạo ra câu chuyện "hai ông, một bà" nhưng vẫn có ý nghĩa mong muốn một cuộc sống no đủ, bếp gia đình lúc nào cũng rực lửa.
Vì vậy, tục cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm trước hết mang ý nghĩa cầu sự no đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần Bếp" chuyên cai quản việc bếp núc.
Vậy, đón ông Công, ông Táo về vào ngày nào?
Ông Công, ông Táo lên trời báo cáo thỉnh thị Ngọc Hoàng trong 7 ngày từ ngày 23 tháng Chạp đến ngày 30 tháng Chạp, những năm lịch âm không có ngày 30 tháng Chạp thì làm lễ đón ông Công, ông Táo về vào ngày 29 tháng Chạp.
Nhưng cũng có người cho rằng không định rõ ngày đón vì ông Công, ông Táo về trần sớm hay muộn là do lịch làm việc cụ thể từng năm của Thiên Đình. Bao giờ Ngọc Đế tuyên bố bế mạc hội nghị “Thiên Tào phán sự”, Táo mới về. Chuyện ấy tất nhiên người phàm không thể biết được.