Theo thống kê mới nhất, đến nay, Nghệ An đã triển khai thực hiện 533 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 136.989 tỷ đồng, trong đó có 26 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đã xuất hiện nhiều dự án lớn đầu tư vào Nghệ An. Điển hình như Nhà máy Đường Nghệ An Tate & Like (nay đổi tên thành Nasugar); các dự án chăn nuôi bò sữa và nhà máy chế biến sữa của Tập đoàn TH, Vinamilk; Các nhà máy của Tập đoàn Tôn Hoa Sen; một loạt dự án nhà máy xi măng; Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập; Nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị, điện tử viễn thông Hitech BSE Việt Nam; Nhà máy thực phẩm Massan…
Trong những năm qua, hàng chục khu công nghiệp (KCN) lớn, nhỏ đã được UBND tỉnh Nghệ An quy hoạch nhằm thu hút các nhà đầu tư. Tuy vậy, hệ thống hạ tầng tại hầu hết các KCN ở Nghệ An còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nhà đầu tư lớn. Bởi vậy, có thể thấy, việc thu hút dòng vốn FDI vào Nghệ An từ trước đến nay còn khiêm tốn.
Khu công nghiệp – đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An (gọi tắt là VSIP Nghệ An) do Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, đầu tư với số vốn đăng ký 76,4 triệu USD (tương đương khoảng 1.700 tỷ đồng) trên tổng diện tích quy hoạch 1.475 ha là một quần thể hiện đại, các lĩnh vực hoạt động gồm: đầu tư, xây dựng, khai thác, quản lý, sản xuất công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp, khu kho vận, công viên phần mềm CNTT, phức hợp thương mại, dịch dụ, nhà ở. Giai đoạn I của Dự án có quy mô 750 ha, thuộc quy hoạch của Khu kinh tế Đông Nam.
Ông Hồ Đức Phớc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An chia sẻ: “VSIP Nghệ An là một dự án trọng điểm của tỉnh. Chúng tôi kỳ vọng Dự án sẽ tạo ra một cú đột phá lớn cho phát triển công nghiệp của Nghệ An. Chính vì vậy, ngay từ đầu các cấp chính quyền Nghệ An đã nỗ lực phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư từ khâu khảo sát, lựa chọn địa điểm, xây dựng đề án và trình các cấp có thẩm quyền rồi trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết”.
Theo ông Phớc, sở dĩ Nghệ An đặt rất nhiều kỳ vọng vào Dự án là bởi tin tưởng vào năng lực, thương hiệu của nhà đầu tư. Tập đoàn Sembcorp Development của Singapore là một thương hiệu quốc tế lớn, kinh doanh đa ngành, xuyên quốc gia, có tiềm lực về kinh tế và uy tín. Becamex IDC được biết đến như là chủ lực của kinh tế tỉnh Bình Dương, có bề dày nhiều năm hoạt động trong đầu tư hạ tầng nói chung và KCN nói riêng. “Thành công của những dự án KCN của VSIP ở Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ngãi và Hải Dương đã khẳng định niềm tin đó của Nghệ An là hoàn toàn có cơ sở”, ông Phớc nói.
Được biết, VSIP Nghệ An không đơn thuần hoạt động trên lĩnh vực KCN, mà là một quần thể hạ tầng hướng đến phục vụ cho nhiều lĩnh vực đa dạng, với kết cấu hoàn thiện theo kiểu “dây chuyền khép kín”: có các nhà máy sản xuất; khu đô thị, dịch vụ, nhà ở cho công nhân, chuyên gia; không gian xanh… Đây là mô hình khu công nghiệp hiện đại phổ biến ở Singapore cũng như ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản… Dự kiến sau khi hoàn thành, VSIP Nghệ An sẽ thu hút được khoảng 8 tỷ USD vốn đầu tư, tạo việc làm cho khoảng 20.000 lao động địa phương và đặc biệt, dự án này sẽ trở thành một hình mẫu lý tưởng cho cho hướng phát triển bền vững không chỉ ở Nghệ An.
Trao đổi với báo giới, ông Anthony Tan, Tổng giám đốc VSIP Nghệ An tự tin dự tính, VSIP Nghệ An sẽ được lấp đầy chỉ trong vòng 3 - 4 năm tới. Cũng theo vị Tổng giám đốc này, VSIP Nghệ An đã có khách hàng đầu tiên đăng ký là Công ty Thương mại và sản xuất TĐV (100% vốn Việt Nam). Công ty này cam kết đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị nội thật phòng tắm cao cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. TĐV dự kiến khởi công trong quý II/2016. Theo ông, thông qua Tập đoàn Sembcorp Development, nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn sẽ đến VSIP Nghệ An trong thời gian tới.