Doanh nghiệp thuê đất, thuê mặt nước, kể cả doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp được gia hạn 3.500 - 3.700 tỷ đồng |
Gói gia hạn thuế lên đến 137.000 tỷ đồng
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, dự thảo 2 nghị định trên đã hoàn thiện, chỉ chờ được Chính phủ ban hành là sẽ triển khai ngay, vì quy trình xây dựng được thực hiện theo thủ tục rút gọn.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, đối với thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2022, sẽ gia hạn 6 tháng cho số thuế từ tháng 3 đến tháng 5 và quý I; gia hạn 5 tháng đối với số thuế của tháng 6 và quý II; gia hạn 4 tháng đối với số thuế của tháng 7 và gia hạn 3 tháng đối với số thuế của tháng 8. Nếu Chính phủ đồng ý với phương án giảm thuế này, thì tổng số thuế GTGT được gia hạn ước khoảng 53.300-54.300 tỷ đồng.
“Để tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn hiện nay, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của quý I và quý II/2022, với thời gian gia hạn là 3 tháng. Tổng số thuế được gia hạn ước tính khoảng 51.000-52.000 tỷ đồng”, ông Minh cho biết.
Cũng như năm 2021, năm 2022, Bộ Tài chính dự kiến gia hạn cả thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân cho hộ gia đình, cá nhân kinh doanh, đồng thời gia hạn 6 tháng tiền thuê đất, thuê mặt nước. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ tháng 6 đến tháng 9/2022.
Trong đó, hộ gia đình, cá nhân được gia hạn 15.304 tỷ đồng; doanh nghiệp thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước, kể cả doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp (thuê đất của doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp) được gia hạn 3.500-3.700 tỷ đồng. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước (khoảng 10 đơn vị) được gia hạn 9.300-11.400 tỷ đồng.
“Nhiều khả năng, Chính phủ sẽ ban hành 2 nghị định trên ngay trong tháng 4. Theo đó, tổng số tiền thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 132.000 - 137.000 tỷ đồng. Khoản gia hạn này có ý nghĩa rất lớn với doanh nghiệp, cá nhân khi có thêm nguồn tài chính, sự hỗ trợ về dòng tiền để đầu tư vào sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Hồ Đức Phớc, ngoài việc giảm 37 các loại phí và lệ phí, giảm thuế cho tuyệt đại đa số hàng hóa, dịch vụ, việc gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất là nỗ lực rất lớn của Chính phủ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.
Bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị suy giảm do vừa chịu sức ép từ sản xuất, kinh doanh suy giảm, vừa giảm thu do thực hiện các giải pháp hỗ trợ, trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... đã tạo ra thách thức lớn với cân đối ngân sách nhà nước năm 2022.
“Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn luôn xác định, phải đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, hỗ trợ để cộng đồng doanh nghiệp an tâm vượt qua khó khăn, sớm khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh, qua đó sẽ đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách nhà nước và cũng là thực hiện nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, lâu dài”, ông Phớc phát biểu.
Giá xăng dầu cao làm giảm hiệu quả gói hỗ trợ
Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc điều hành KPMG Việt Nam, ông Warrick Cleine đánh giá rất cao sự chia sẻ, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam giúp doanh nghiệp vượt qua thách thức trong đại dịch. Các chính sách tài khoá đã và sắp được ban hành trong năm 2022 được kế thừa các chính sách đã thực thi rất thành công trong năm 2020 và 2021. Dù chính sách tài khoá không công bằng cho tất cả doanh nghiệp, nhưng đây là những quy định phù hợp với thực tiễn, bởi trong đại dịch, có rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp đón đầu được cơ hội phát triển.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
“Các nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng vào Việt Nam và đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đây không chỉ là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài, mà còn là cơ hội cho cả Việt Nam”, ông Warrick nhấn mạnh và mong muốn tổng thể các gói tài khoá, tiền tệ trong Nghị quyết 43/2022/QH15 và Nghị định 15/2022/NĐ-CP về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sớm được thực hiện đồng bộ.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, GS-TSKH. Nguyễn Mại cũng đánh giá rất cao giải pháp gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất sắp được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, ông lo ngại chính sách mới sẽ thêm thủ tục mới và phức tạp hơn thủ tục cũ, khiến hiệu quả chính sách bị hạn chế, do nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận được chính sách, không muốn nhận sự hỗ trợ vì nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức.
“Giao thông là mạch máu của nền kinh tế. Ngành giao thông đã quằn quại sau hơn 2 năm đại dịch, vừa bắt đầu hoạt động trở lại thì bị giá xăng dầu ‘giáng cho đòn chí tử’. Nếu giao thông bị tắc nghẽn, thì mọi nỗ lực, cố gắng, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ trị giá 350.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 43/2022/QH15 cũng không còn nhiều tác dụng”, GS-TSKH. Nguyễn Mại lo lắng.
Là quốc gia có hoạt động khai thác dầu thô, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ nhờ bán dầu thô khi xăng dầu trên thị trường tăng mạnh. Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, nếu lấy phần tăng thu từ dầu thô để bù giá xăng dầu, thì cân đối ngân sách nhà nước không bị ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí còn tăng thu. Bởi cùng với chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, các gói tài khoá, tiền tệ, thì việc giảm giá xăng dầu sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí, nâng sức cạnh tranh, đầu tư, mở rộng hoạt động, sẽ đóng góp vào ngân sách.