Ảnh minh họa. |
Giá tăng cao, nhưng khó bán hàng
Đợt Covid-19 lần thứ tư đã tạo ra một nghịch lý trên thị trường nhà ở. Trong khi giá nhà liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, thì thanh khoản rất thấp.
Chia sẻ vấn đề này, ông Vũ Hoàng Việt, một nhà đầu tư bất động sản tại TP.HCM cho hay, từ tháng 10/2021 đến nay, sau khi mở cửa cho đi lại, thì chỉ có nhà phố giữ giá, còn thị trường vùng ven và đất tỉnh đã lập mặt bằng giá mới so với thời điểm quý II/2021.
Cụ thể, những vùng ven như khu vực quận 9 cũ, huyện Hóc Môn, Củ Chi… tăng 10-20%. Chẳng hạn, nền đất 106 m2 tại quận 9 cũ (nay là TP. Thủ Đức) đang được rao bán ở mức 5,5 tỷ đồng, trong khi thời điểm tháng 4/2021 chỉ rao bán ở mức 4,8 tỷ đồng. Tương tự, một lô đất có diện tích 220 m2 tại huyện Củ Chi hiện có giá 3,6 tỷ đồng, tăng 800 triệu đồng so với quý II/2021)...
Theo ông Việt, người bán đưa ra mặt bằng giá mới, bởi họ tính thêm phần "trượt giá", "phát triển hạ tầng" và "lợi nhuận" vào giá trị tài sản. Trong khi đó, người mua kỳ vọng giá giảm nhờ dịch bệnh và chờ mua với giá bằng hoặc thấp hơn 5 - 10% so với quý II/2021.
Không chỉ các nhà đầu tư cá nhân, mà chính doanh nghiệp đang phát triển dự án cũng gặp khó trong việc bán hàng khi giá liên tục tăng như hiện nay. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, giám đốc một doanh nghiệp đang phát triển dự án chung cư tại quận 12 (TP.HCM) cho biết, dự án có 5 block nhà cao 20 tầng, hiện đã bán hết căn hộ tại 4 block và đang chuẩn bị bàn giao. Block còn lại đang trong giai đoạn mở bán, nhưng rất ít giao dịch.
Sở dĩ giao dịch kém bởi những block được mở bán trước đó có giá 38 - 45 triệu đồng/m2, nhưng sản phẩm tại block mới có giá khởi điểm là 50 triệu đồng/m2 và nhưng căn ở vị trí đẹp có giá tới gần 60 triệu đồng/m2. Trong khi đó, dự án tọa lạc tại quận 12, khá xa khu vực trung tâm, hạ tầng cũng chưa thực sự phát triển…
“Chúng tôi cũng không muốn bán với giá cao hơn các block trước, nhưng các chi phí đầu vào như vật liệu xây dựng, nhân công, thiết bị nội thất… đều tăng giá. Do vậy, giá bán của sản phẩm cũng phải tăng, thì chủ đầu tư mới đảm bảo được lợi nhuận”, vị này chia sẻ.
Cần định vị lại thị trường
Theo nhận định của một số chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp, trước tình trạng mất cân đối như hiện nay, hiện là thời điểm phù hợp để định vị lại thị trường bất động sản, đưa thị trường phát triển tương xứng với tầm vóc quốc gia và bắt kịp xu hướng các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore…, bởi nghịch lý giá chào bán bất động sản tăng, nhưng thanh khoản giảm cho thấy lực cầu của thị trường nhà cho thuê đang ở mức rất kém.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa cho biết, đợt Covid-19 bùng phát lần thứ tư dẫn đến phong tỏa và giới đầu tư địa ốc dựng hàng rào phòng thủ khá nặng nề suốt quý II, III/2021. Đến tháng 10/2021, dù TP.HCM và một số tỉnh phía Nam rục rịch mở cửa lại, giới đầu tư bất động sản đa phần vẫn có tâm lý thận trọng.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp trên cũng cảnh báo, nhà đầu tư trước khi xuống tiền mua bất động sản phải tính xem tài sản này mua xong rồi có bán được không, bởi mua dễ bán khó có thể được xem là tử huyệt đối với nhà đầu tư trong thời điểm nhạy cảm hiện nay.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D của DKRA Việt Nam cho rằng, 5 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và đô thị. Nhưng bên cạnh đó, thị trường cũng còn nhiều bất cập.
Theo ông Hoàng, hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản nhà ở phải được bổ sung và hoàn thiện hơn nhằm bắt kịp diễn biến và nhu cầu thị trường, nhất là sự phát triển của các loại hình bất động sản mới. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, gia tăng nguồn cung và góp phần ổn định mặt bằng giá trên thị trường.
Về phía doanh nghiệp, những tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản nên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong mô hình vận hành để cải tiến chất lượng dịch vụ và tối ưu chi phí. Đồng thời, tăng cường áp dụng các bộ quy tắc, chuẩn mực nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ tư vấn viên trong lĩnh vực bất động sản.