Thời sự
Ngôi sao trên “bầu trời chạng vạng“ của kinh tế thế giới
Đỗ Thiên Anh Tuấn - 27/01/2023 07:37
Vượt qua trùng điệp những khó khăn trong nước và quốc tế, Việt Nam chạm mốc tăng trưởng hơn 8%, trở thành một ngôi sao sáng trên “bầu trời chạng vạng” của kinh tế thế giới 2022.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright

“Bầu trời chạng vạng” của kinh tế thế giới 2022

Tín hiệu kém lạc quan về triển vọng của kinh tế thế giới trong năm 2022 đã được nhiều tổ chức quốc tế phát đi từ nửa cuối năm 2021. Thực tế cho thấy, tình hình còn khó khăn và ảm đạm hơn cả những dự báo bi quan nhất.

Xung đột Nga - Ukraine nổ ra ngày 24/2/2022 nằm ngoài những kịch bản dự báo của các tổ chức quốc tế, phủ thêm “bóng mây u ám” lên nền kinh tế thế giới vốn dĩ đã không mấy sáng sủa. Điều này có nghĩa là, thế giới bước vào năm 2022 với một bầu trời kinh tế “chạng vạng”.

Tháng 1/2022, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 4,4%, tức giảm 0,5 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra tháng 10/2021. Nhưng khi đó, không ai có thể dự đoán cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ nổ ra và cuộc khủng hoảng giá năng lượng sẽ đạt đến đỉnh điểm trong năm 2022. Đến tháng 4/2022, khi tình hình kinh tế thế giới đã xấu đi rõ nét, dự báo của IMF đã giảm còn 3,6%, sau đó tiếp tục giảm xuống 3,2% trong dự báo đưa ra tháng 7 và tháng 10/2022.

Trong khi tăng trưởng đi xuống thì lạm phát lại tăng lên. “Bóng ma” lạm phát trở thành nỗi sợ hãi đối với các ngân hàng trung ương. Lạm phát chạm con số phi mã và là mức cao kỷ lục trong hàng thập niên ở Mỹ và châu Âu, khiến ngân hàng trung ương các nước này phải thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã 7 lần tăng lãi suất cơ bản, đưa mức lãi suất từ 0,25% (đầu năm 2022) lên 4,25 - 4,5% (cuối năm 2022).

Chính sách này không chỉ ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng của các nền kinh tế đó, mà còn làm xáo trộn dòng chảy tài chính quốc tế, ảnh hưởng đến lãi suất và tỷ giá ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Tính từ đầu năm, đồng tiền của nhiều quốc gia đã mất giá mạnh so với USD, mạnh nhất là giai đoạn tháng 10 - 11/2022. Việt Nam cũng không ngoại lệ khi tỷ giá VND/USD có những thời điểm “căng như dây đàn”. Để ứng phó với áp lực mất giá đồng nội tệ, nhiều nước đã phải bán ngoại tệ để can thiệp hoặc tăng lãi suất trong nước khiến cho đà phục hồi kinh tế bị ghìm giữ. Có lẽ, đã lâu rồi, thế giới mới lại rơi vào một trạng thái mà các nhà kinh tế gọi là lạm phát đình đốn (stagflation).

Có một Việt Nam “rạng đông”

Như đã phân tích, trong khi thế giới bước vào năm 2022 với một bầu trời kinh tế “chạng vạng”, thì với Việt Nam, lại là giai đoạn “rạng đông”. Do chịu tác động bởi Covid-19 muộn hơn 1 năm so với nhiều nước, nên năm 2022 mới là năm bắt đầu phục hồi kinh tế sau đại dịch của Việt Nam.

Với phương án thận trọng, Chính phủ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 ở mức 6 - 6,5%. Thực tế diễn ra cho thấy, kinh tế Việt Nam đã khởi đầu không quá xuất sắc trong quý đầu của năm, nhưng bắt đầu phục hồi một cách bền bỉ từ quý II, để rồi tăng vọt trong quý III và có phần chững lại, nhưng vẫn duy trì sức tăng trưởng khá trong quý IV/2022.

Có thể nói, mức tăng trưởng 8,02%, vượt đến 1,5 điểm phần trăm so với mục tiêu Chính phủ đề ra, đồng thời làm chệnh hầu hết các dự báo kinh tế năm 2022 của nhiều tổ chức trong và ngoài nước, là một dấu ấn tăng trưởng của Việt Nam theo lăng kính của các tổ chức quốc tế. Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc IMF cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định tại khu vực ngay cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm. Đây là nhận xét chân thực và khá khách quan về bức tranh tổng quan kinh tế vĩ mô Việt Nam trong năm 2022.

Khó có thể đòi hỏi điều gì tốt hơn con số 8,02% tăng trưởng GDP và lạm phát bình quân chỉ 3,15% mà nền kinh tế Việt Nam đạt được trong một thế giới đầy bất trắc. Có một số nhận định cho rằng, đóng góp vào tăng trưởng cao của năm 2022 chủ yếu nhờ tăng trưởng quý III rất cao, lên đến 13,71%, mà tăng trưởng quý này cao là do nền tăng trưởng thấp của quý III/2021 (-6,02%).

Thực ra, nếu điều chỉnh yếu tố chu kỳ, thì động lực tăng trưởng chính của năm 2022 nằm ở quý II chứ không phải quý III. Cụ thể, nền kinh tế thực sự đã bắt nhịp tăng trưởng trở lại từ quý IV/2021 đến quý I/2022, tăng tốc mạnh từ quý II, sau đó có dấu hiệu yếu đi từ quý III và có phần khó khăn hơn từ quý IV/2022, chủ yếu do sức cầu của nền kinh tế thế giới suy giảm mạnh và một số trục trặc nảy sinh trên thị trường vốn và thị trường bất động sản của Việt Nam.

Song, tín hiệu khả quan là, các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó bao gồm TP.HCM và Hà Nội, đang bắt đầu lấy lại động lực tăng trưởng và vai trò đầu tàu kinh tế vốn có của mình.

Việt Nam vẫn là điểm sáng về tăng trưởng và ổn định tại khu vực ngay cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm.

- Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)

Nhìn trên phương diện vĩ mô, tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy từ phía tổng cung, khi số lượng lớn doanh nghiệp và nhà máy được mở cửa trở lại, thị trường lao động và các chuỗi cung ứng cũng được nối lại. Nếu không có cú sốc giá dầu, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn 8%.

Điều đáng mừng là, tăng trưởng khá đồng đều ở cả ba mặt trận: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Trong đó, dịch vụ vốn là ngành chịu tác động nặng nề nhất do Covid-19 trong năm 2021, thì nay đã phục hồi tương đối tốt, đạt mức tăng trưởng gần 10%, qua đó đóng góp hơn 41% vào tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì sức tăng trưởng khá cao, với mức tăng IIP hơn 8,1%, đóng góp hơn 24,8% GDP.

Ngoài ra, chúng ta cũng phải ghi nhận vai trò của ngành nông nghiệp trong năm 2022, với con số tăng trưởng giá trị gia tăng 3,36%, riêng xuất khẩu tăng 9,3% so với năm 2021, đạt kim ngạch 53,22 tỷ USD - mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Điều này rất ý nghĩa bởi tăng trưởng của ngành nông nghiệp luôn thể hiện sự đóng góp của hơn 30% lao động của nền kinh tế.

Nhìn ở phía tổng cầu, tiêu dùng cuối cùng duy trì mức tăng trưởng 7,18%, đóng góp gần 50% tổng cầu của nền kinh tế. Tổng đầu tư toàn xã hội tăng trưởng 11,2%, tương đương 33,85% GDP, song tích lũy tài sản chỉ tăng trưởng 5,75%, chiếm xấp xỉ 22,5% tổng cầu; còn lại hơn 28% được đóng góp bởi khu vực ngoại thương. Không có thành phần nào của tổng cầu tăng trưởng cao hơn sản lượng của nền kinh tế.

Điều này cho thấy, tăng trưởng tổng cầu của nền kinh tế năm 2022 chưa tương xứng với tổng cung. Nền kinh tế đang bị mất cân đối giữa sản lượng, thu nhập và tiêu dùng. Điều này cũng lý giải vì sao lạm phát nước ta tương đối thấp so với các nước khác. Chính sách tài khóa và tiền tệ giúp lý giải sức tăng trưởng chưa tương xứng của tổng cầu trong năm 2022.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tổng phương tiện thanh toán đến ngày 21/12/2022 chỉ tăng 3,85% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, dư nợ tín dụng năm 2022 ước tăng khoảng 14,5% so với đầu năm. Nếu điều chỉnh cho tỷ lệ lạm phát so với cùng kỳ khoảng 4,5%, thì mức tăng trưởng dư nợ tín dụng thực xấp xỉ 10% cũng không phải là quá cao so với mức tăng trưởng GDP thực 8,02%.

Có thể nói, năm 2022 là một năm vô cùng khó khăn đối với Ngân hàng Nhà nước khi cơ quan này phải tìm cách dung hòa cùng lúc nhiều mục tiêu: ổn định tỷ giá mục tiêu, duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý để hỗ trợ phục hồi kinh tế, kiềm chế lạm phát mục tiêu, duy trì dự trữ ngoại hối ở mức an toàn, và đảm bảo thanh khoản, an toàn hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, chính sách tài khóa lại có một năm có thể gọi là “thảnh thơi” hơn khi tổng thu ngân sách ước vượt hơn 26,4% so với dự toán, tăng 13,8% so với năm 2021. Chi ngân sách dù tăng 8,1% so với năm 2021, nhưng mới chỉ bằng 87,5% dự toán. Chính vì vậy, cân đối ngân sách “tạm thời” bội thu 222.500 tỷ đồng, tương đương 2,3% GDP, thay vì theo dự toán là bội chi 372.900 tỷ đồng (4% GDP).

Đương nhiên, số liệu ngân sách vẫn còn thời gian để quyết toán, nhưng với số liệu hiện có, thì dường như đang có một mối quan hệ khó giải thích giữa tăng trưởng chi tiêu ngân sách với tăng trưởng GDP ở Việt Nam trong năm 2022. 

Dự cảm 2023 và các hàm ý chính sách

Năm 2023, dự cảm sẽ là một năm nhiều khó khăn và thách thức đối với kinh tế thế giới không kém năm 2022.

Đối với Việt Nam, 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó có mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm. Bởi vậy, việc Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 là có thể hiểu được. Điều này vừa thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ, vừa cho thấy sự thận trọng hợp lý trong bối cảnh các dự báo cho năm 2023 tương đối kém lạc quan.

Với tốc độ tăng trưởng sản lượng tiềm năng của Việt Nam trong thập niên gần đây khoảng 6,6%/năm và lấy năm 2019 (thời điểm trước Covid-19) làm năm cơ sở, thì mức sản lượng đạt được trong năm 2022 mới chỉ tương đương 94% sản lượng tiềm năng.

Do đó, để khơi thông tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam không khó, mà cũng không dễ. Điều này đòi hỏi trong năm 2023, Chính phủ phải tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau: tiếp tục xử lý các di chứng kinh tế hậu Covid-19, trong đó có việc khơi thông trở lại thị trường lao động; ưu tiên hỗ trợ các sáng kiến của các vùng kinh tế động lực; thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, nhất là việc tháo gỡ các trở ngại chính sách/pháp lý và nút thắt cơ sở hạ tầng; tận dụng các FTA để đa dạng hóa thị trường; phát huy vai trò và phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ; cải cách khu vực tài chính, nhất là thị trường vốn và xử lý các ngân hàng yếu kém.

Tin liên quan
Tin khác