Quốc tế
Người dân tiết kiệm ở mức kỷ lục, Trung Quốc kỳ vọng thúc đẩy tiêu dùng
Trịnh Hằng - 25/01/2023 09:10
Các hộ gia đình Trung Quốc đang giữ tiền mặt ở mức cao kỷ lục. Theo đó, làn sóng mua sắm “xả hận” sau thời gian giãn cách được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế hồi phục tích cực.
TIN LIÊN QUAN

Trong năm 2022, các hộ gia đình Trung Quốc sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 17,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (2,6 nghìn tỷ USD) trong các tài khoản ngân hàng, nguyên nhân chính là chính sách chống dịch ngặt nghèo khiến việc chi tiêu bị hạn chế. Đây là số liệu được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) công bố, cho thấy tốc độ tăng trưởng đáng kể so với mức 9,9 nghìn tỷ nhân dân tệ năm 2021.

Tăng trưởng tiền gửi của hộ gia đình (phần màu hồng) qua các năm

Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, người tiêu dùng sẽ chi tiêu nhiều hơn, gia tăng nhu cầu với các hàng hoá - dịch vụ. Đây cũng được xem là một trong những trợ lực đối với đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu. Theo một số chuyên gia, trước mắt, khoảng 200 tỷ USD trong khối tài sản tiết kiệm kia sẽ được “nạp” vào thị trường tiêu dùng.

Các nhà kinh tế tại Morgan Stanley dự báo, nền kinh tể Trung Quốc sẽ tăng trưởng trong năm nay với động lực chính chủ yếu từ tiêu dùng trong bối cảnh các khoản tích luỹ vượt trội so với bình thường, thị trường việc làm hồi phục và thu nhập được cải thiện.

China International Capital Corp, một ngân hàng đầu tư tại Trung Quốc nhận định, khoảng một nửa trong số tăng trưởng tiết kiệm năm 2022 là kết quả của việc các hộ gia đình cân nhắc lại danh mục và tỷ trọng cho các tài sản đầu tư rủi ro. Ví dụ, họ rút tiền ra khỏi các quỹ đầu tư có hiệu suất thấp và các sản phẩm đầu tư khác, gửi thêm tiền mặt vào ngân hàng.

Một phần khác là khoản gia tăng tự nhiên khi không thể chi tiêu cho nhiều hoạt động vui chơi - giải trí trong thời gian 2 năm qua. 

Tất nhiên, không phải chuyên gia nào cũng lạc quan với thị trường tiêu dùng Trung Quốc hiện tại. Luo Zhiheng, nhà kinh tế trưởng tại Yuekai Securities cho rằng, chỉ khoảng 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ sẽ được dành cho tiêu dùng trong năm nay, tương đương với chỉ 3% doanh thu bán hàng hàng năm tại Trung Quốc.

“Vẫn còn nhiều yếu tố bất ổn, khó đoán định với nền kinh tế Trung Quốc và người dân giữ tâm lý cẩn trọng, muốn tiếp tục tiết kiệm”, Luo Zhiheng cho biết.

Dù có thể dễ dàng nhận thấy làn sóng mua sắm “xả hận” sau thời gian dài gò bó tại nhóm khách hàng có thu nhập cao ở các thành phố lớn, nhưng nhìn chung, hoạt động mua sắm, chi tiêu cho dịp lễ lớn trong năm là Tết nguyên đán vẫn khá khiêm tốn. Ernan Cui, chiến lược gia tiêu dùng tại công ty tư vấn Gavekal Dragonomics chia sẻ, lý do chủ yếu vẫn là tâm lý cẩn thận của người dân.

Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% trong năm 2022, không đạt mức mục tiêu 5,5% mà Trung Quốc đặt ra, đồng thời cũng là mức thấp nhất nhiều thập kỷ. Con số này nhấn mạnh thực tế những tổn thương mà chính sách chống dịch ngặt nghèo mang lại.

Trong bối cảnh, để thúc đẩy tăng trưởng, các nhà quản lý xem đẩy mạnh tiêu dùng là một trong các ưu tiên hàng đầu.

“Chìa khoá với hồi phục kinh tế là chuyển thu nhập sang tiêu dùng và đầu tư”, Guo Shuqing, Bí thư đảng uỷ PBOC, Chủ tịch Uỷ ban Điều tiết bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc chia sẻ với tờ Nhân Dân Nhật báo. Bên cạnh đó, các nhà quản lý cũng cam kết sẽ có các chính sách hỗ trợ tài chính để gia tăng thu nhập của những người chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.

Tin liên quan
Tin khác