Những hệ luỵ báo trước
Theo số liệu thống kê, tình hình tiêu thụ nước ngọt ở Việt Nam tăng mạnh, gấp 7 lần trong 15 năm, từ mức trung bình 6,6 lít/người năm 2002 lên 46,5 lít/người năm 2017 và 50,7 lít/người năm 2018.
Tiêu thụ nhiều đường tự do trong chế độ ăn là nguyên nhân gây tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh đái tháo đường. |
Tiêu thụ đồ uống có đường vẫn đang ngày càng gia tăng. Năm 2020, sản lượng đồ uống, nước ngọt có ga tại Việt Nam đạt khoảng 3,3 tỷ lít và 1,5 tỷ lít.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ rõ, đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân béo phì, là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường... hiện đang có mức tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua.
Theo một nghiên cứu mới do các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan (Hoa Kỳ) dẫn đầu, việc tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong sớm và tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ở những người mắc đái tháo đường type 2. Trong khi uống đồ uống như cà phê, trà, sữa bò ít chất béo và nước lọc có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn.
Mặc dù nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đồ uống và các kết quả sức khỏe như chuyển hóa tim mạch, thay đổi cân nặng và tỷ lệ tử vong, nhưng những nghiên cứu đó chủ yếu dành cho dân số nói chung. Nghiên cứu mới này đã xem xét cụ thể việc tiêu thụ các loại đồ uống khác nhau ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe trung bình trong 18,5 năm từ 9.252 phụ nữ và 3.519 nam giới. Tất cả đều đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2 ngay từ đầu hoặc tại một thời điểm nào đó trong quá trình điều trị, nghiên cứu.
Cứ 2-4 năm một lần, những người tham gia báo cáo về tần suất họ tiêu thụ đồ uống có đường (bao gồm soda, nước ép trái cây và nước chanh), đồ uống có vị ngọt nhân tạo, nước ép trái cây, cà phê, trà, sữa bò ít béo, sữa bò nguyên kem, sữa và nước thường.
Các phát hiện cho thấy tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn trong số những người thường xuyên tiêu thụ đồ uống có đường.
Ngược lại, tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch giảm ở những người thường xuyên uống đồ uống lành mạnh hơn như cà phê, trà, sữa bò ít béo và/hoặc nước lọc.
Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong.
Nhiều nghiên cứu quy mô lớn trong thời gian dài chỉ ra rằng, sử dụng đồ uống có đường bất hợp lý được xác định là một trong những nguyên nhân chính gây ra thừa cân béo phì và các rối loạn chuyển hóa cả ở người trưởng thành và trẻ em, làm tăng nguy cơ bị rối loạn đường huyết, mỡ máu và huyết áp.
Từ đó, gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu cũng như các biến chứng về tim mạch, đột quỵ và tử vong.
Tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường đồng thời là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh về răng miệng và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, hiện nay, tại Việt Nam gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Ước tính hằng năm, tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc, trong đó chủ yếu là các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường…
Cùng đó tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 đến 19% năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn (từ 10,9% năm 2002 lên 18,3% năm 2016).
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, căn nguyên gây nên bệnh béo phì và một số bệnh không lây nhiễm rất phức tạp, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng gia tăng tiêu thụ đường tự do, đặc biệt là từ đồ uống có đường ở cả trẻ em và người lớn.
Ở góc độ chuyên gia, theo PGS-TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sử dụng quá nhiều đồ ăn giàu năng lượng, đồ uống có đường lâu dần tích lũy năng lượng dư thừa dẫn đến béo phì, làm gia tăng các bệnh chuyển hóa, đái tháo đường.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, có những trẻ 8-10 tuổi đã mắc đái tháo đường type 2, căn bệnh liên quan nhiều đến chế độ dinh dưỡng, béo phì, lối sống.
Điều đáng báo động là hiện nay đồ uống có đường ngày càng được yêu thích. Nhiều gia đình ngày 3 bữa đều cho trẻ uống đồ uống có đường cùng trong bữa ăn.
Trong khi đó, nếu một ngày, đứa trẻ chỉ uống 1 lon hoặc 1 chai đồ uống có đường thì cũng đã tiêu thụ lượng đường tự do vượt quá ngưỡng khuyến cáo rất nhiều, với khoảng 36gram đường tự do trong mỗi lon nước ngọt.
Giảm tiêu thụ đường
Hiện nay, thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp để giảm lượng tiêu thụ đối với đồ uống có đường, trong đó chủ yếu là 4 biện pháp: Ghi nhãn và quảng cáo; giảm tính sẵn có; hoạt động truyền thông; áp dụng chính sách thuế và giá.
Đối với biện pháp áp dụng chính sách thuế và giá, WHO khuyến cáo đánh thuế đối với đồ uống có đường là chính sách quan trọng nhằm giảm mức tiêu thụ, từ đó ngăn ngừa thừa cân, béo phì và tác hại của đồ uống có đường đến sức khỏe.
Tại dự thảo đánh giá tác động chính sách sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt quy định đánh thuế đồ uống có đường, Bộ Y tế cho rằng, căn cứ trên mức tăng trưởng tiêu dùng rất cao của các dòng sản phẩm nước ép hoa quả, thức uống thể thao, nước tăng lực, các loại trà uống liền giai đoạn 2010-2019 và dự báo mức tăng trưởng dương từ 3-5% giai đoạn 2020-2025 có thể nhận thấy trong tương lai không xa, các sản phảm này sẽ tiếp tục góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, dòng sản phẩm đồ uống có cồn có đường dưới dạng nước hoa quả lên men (cider) tuy mới xuất hiện trên thị trường nhưng ngày càng được vị thành niên Việt Nam và nữ giới ưa thích, sẽ góp phần làm tăng lượng đường tiêu thụ ở nhóm người tiêu dùng này.
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đề xuất tất cả các đồ uống có đường theo định nghĩa của WHO có mặt trên thị trường đồ uống Việt Nam, kể cả các loại nước hoa quả lên men có cồn, đều cần chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cụ thể là sử dụng phương thức đánh thuế theo hàm lượng đường trong 100 ml đồ uống và sẽ quy định ngưỡng, dưới ngưỡng không đánh thuế, trên ngưỡng này thì đánh thuế và đánh theo mức thuế càng nhiều đường càng cao.
Ngoài ra, để phòng chống tác hại của đồ uống có đường với sức khoẻ người dân, ngày 29/01/2022, Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025.
Tại các văn bản này đã nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về dinh dưỡng để giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong, trong đó đã nhấn mạnh việc "xây dựng quy định về ghi nhãn dinh dưỡng mặt trước bao bì sản phẩm đóng gói sẵn, hạn chế quảng cáo đối với thực phẩm không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường".
Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, WHO khuyến cáo cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ; giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25 g) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến cáo, trẻ em từ 2 đến 18 tuổi nên hạn chế lượng đường tiêu thụ thêm xuống dưới 6 muỗng cà phê (25 gam) mỗi ngày, tức là dưới 5% tổng năng lượng nạp vào và đồ uống có đường nên được giới hạn không quá 235ml mỗi tuần. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất cứ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.