Hôn nhân DaiABank - HDBank là điển hình
Thị trường tài chính - ngân hàng đang chứng kiến một thương vụ sáp nhập mang ý nghĩa lớn, đó là DaiABank sáp nhập vào HDBank. Với tiến trình sáp nhập được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc theo đúng chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, hệ thống ngân hàng hy vọng sẽ có thêm một định chế tài chính vững mạnh.
| ||
Cổ đông HDBank biểu quyết thông qua các văn kiện đại hội |
Thực tế, sau các cuộc khủng hoảng kinh tế, việc hợp tác kinh doanh dưới các hình thức M&A diễn ra khá phổ biến tại các nước trong khu vực, góp phần tạo nên các định chế tài chính có quy mô và năng lực cạnh tranh lớn mạnh hơn.
Một hệ thống ngân hàng vững chắc sẽ là yếu tố rất quan trọng cho nền kinh tế của bất kỳ quốc gia nào, vì thế, tái cấu trúc ngành ngân hàng là hết sức cần thiết, nhằm chọn lọc các nhà băng có thể phát triển tốt hơn.
Trước khi diễn ra thương vụ DaiABank sáp nhập vào HDBank, ngành ngân hàng Việt Nam cũng đã chứng kiến một số ngân hàng khác sáp nhập, hợp nhất để trở thành các định chế tài chính có quy mô và tiềm lực lớn hơn.
Từ các thương vụ đó, nhìn rộng ra toàn hệ thống ngân hàng, có thể khẳng định, kế hoạch M&A ngân hàng đang từng bước tạo ra một hệ thống ngân hàng vững mạnh hơn.
Tuy nhiên, khác với các thương vụ M&A trong lĩnh vực ngân hàng trước đây, khi đơn vị bị sáp nhập thường là những nhà băng yếu kém và buộc phải tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, việc DaiA Bank sáp nhập vào HDBank là cuộc “hôn nhân” tự nguyện đầu tiên giữa hai ngân hàng đang hoạt động tốt.
Kế hoạch sáp nhập này của DaiA Bank - HDBank phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước theo hướng giảm số lượng ngân hàng thương mại xuống còn 18 - 20 tổ chức trong thời gian tới. Theo đó, các tổ chức tín dụng sau sáp nhập sẽ được tổ chức, sắp xếp và định hướng lại dòng vốn, thống nhất đầu mối để quản lý, điều hành hiệu quả hơn. Và hơn hết, mục tiêu cao nhất sau mỗi thương vụ M&A là tăng hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
Thực tế đã cho thấy, HDBank, DaiABank đều là những ngân hàng hoạt động ổn định, phát triển bền vững trong hơn 20 năm qua và đã khẳng định được vị thế trên thị trường tài chính - ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu của hai nhà băng này cũng ở mức thấp và được kiểm soát. Vì thế, chủ trương sáp nhập này đã nhận được sự ủng hộ từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực kinh tế - tài chính, việc sáp nhập DaiABank vào HDBank sẽ tạo ra một ngân hàng lớn mạnh, tăng quy mô, nâng cao năng lực quản trị và điều hành.
“Quả ngọt” của chủ trương tái cơ cấu
Theo nội dung đại hội đồng cổ đông của DaiA Bank và HDBank đã thông qua, thương vụ sáp nhập này sẽ tạo ra định chế tài chính mới có năng lực tài chính lớn mạnh và phát triển bền vững hơn trong thời kỳ hậu sáp nhập. Cho dù thương hiệu DaiABank không còn, nhưng cổ đông của ngân hàng này không phải chịu một tổn thất nào về mặt tài chính, bởi tỷ lệ hoán đổi cổ phần là 1:1 và nhân sự được giữ nguyên, vị trí công tác của các cán bộ cũng không có sự thay đổi hay xáo trộn nào.
Việc sáp nhập DaiABank vào HDBank có thể nói là một bước đi thành công trong quá trình tái cấu trúc của ngành, bởi lẽ, Ngân hàng Nhà nước vừa không mất đồng vốn nào để hỗ trợ tài chính cho thương vụ này, vừa không phải áp dụng cơ chế giám sát, quản lý.
HDBank xác định chiến lược tái cấu trúc thông qua việc M&A là nhiệm vụ trọng tâm và có ý nghĩa quan trọng quyết định tầm vóc chiến lược của mình giai đoạn 2012 - 2016. Việc sáp nhập DaiABank vào HDBank không hẳn là phép cộng 1+1, mà đối với toàn thể cán bộ, nhân viên, cổ đông của cả HDBank và DaiABank, đây được xem là một vận hội mới.
Chính sức mạnh tổng hợp của cuộc “hôn nhân” này sẽ tạo giá trị cộng hưởng to lớn, nâng cao được năng lực điều hành, khả năng cung ứng dịch vụ, khả năng nhận diện thương hiệu, giảm chi phí đầu tư và phát triển mạng lưới, tăng khả năng khai thác thị trường bán lẻ…, từ đó, đem lại lợi ích cho cổ đông, khách hàng, cán bộ, nhân viên.
Ngân hàng HDBank sau sáp nhập có vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng, tổng tài sản trên 85.000 tỷ đồng, mạng lưới hoạt động hơn 210 điểm giao dịch trên cả nước, danh mục khách hàng với gần 1 triệu cá nhân và tổ chức kinh tế; tổng số nhân viên hơn 4.000 người. Hiện 2 ngân hàng đã chuẩn bị khá đầy đủ cho “cuộc sống sau hôn nhân” và phía Ngân hàng Nhà nước cũng đang chuẩn bị công bố chấp thuận cho cuộc hôn nhân tự nguyện đầu tiên này trong chương trình tái cấu trúc ngành.
Phát biểu tại đại hội cổ đông của HDBank ngày 28/9 vừa qua, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đánh giá rằng, việc HDBank chọn được một phương thức để nâng cao năng lực hoạt động, năng lực tài chính và năng lực quản trị, điều hành thông qua M&A đã góp phần tạo nên thành công trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Việt Nam.
Với nỗ lực của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc tạo ra những điều kiện nền tảng thuận lợi ban đầu cho tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại thời gian tới, như kinh tế vĩ mô ổn định, nền kinh tế đang xuất hiện những dấu hiệu phục hồi và thanh khoản của hệ thống ngân hàng được củng cố. Do vậy, với việc áp dụng đồng bộ các giải pháp về xử lý nợ xấu, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nâng cao quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại..., tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại được các chuyên gia đánh giá sẽ đạt được triển vọng tích cực hơn.
Thùy Vinh