Đầu tư
Nhà đầu tư đổ bộ vào miền Bắc, ngành điện gồng mình
Thanh Hương - 29/11/2022 10:37
Việc miền Bắc có khả năng trở thành “cánh tay đắc lực” của công xưởng thế giới, là trung tâm sản xuất linh kiện điện tử toàn cầu cũng đặt ra thách thức trong cấp điện ổn định, an toàn.
Nhiều nhà đầu tư đã chọn miền Bắc làm điểm đến, nhu cầu sử dụng điện tăng, ngành điện đang cố gắng đáp ứng nhu cầu. Trong ảnh: Nhà máy của Haengsung ở Hải Phòng

Đất lành chim đậu

Theo Công ty môi giới đầu tư bất động sản Cushman & Wakefield, các khu công nghiệp ở miền Bắc đã đón nhận làn sóng đầu tư đến từ các doanh nghiệp điện tử toàn cầu khá sớm như Panasonic (1991), LG Display (1995), Canon (2001), Foxconn (2007), Samsung (2008), Fuji Xerox (2013) và gần đây là các tập đoàn Pegatron, Goertek, Jinko Solar.

Các tập đoàn này được Cushman & Wakefield xem là “ong chúa”, dẫn theo làn sóng công nghiệp phụ trợ. Điển hình, tính đến năm 2022, tổng số nhà cung cấp, bao gồm cả cấp I và cấp II của Samsung là 250 doanh nghiệp, trong đó nhà cung cấp cấp I là 52 doanh nghiệp. Đây là sự gia tăng lớn so với chỉ 4 doanh nghiệp cấp I vào năm 2014.

Được biết, trong 3 quý đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,8 tỷ USD, nhiều địa phương tại miền Bắc có đóng góp đáng kể. Cụ thể, Bắc Ninh xếp thứ 3 cả nước với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,78 tỷ USD. Tiếp đến, Thái Nguyên, Hải Phòng, Hà Nội và Bắc Giang là các địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất trong thời gian qua. 

Trước đó, năm 2021, miền Bắc chiếm 48% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

"Miền Bắc Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành cánh tay đắc lực của công xưởng thế giới và là trung tâm sản xuất linh kiện điện tử toàn cầu", bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhận định.

Theo các chuyên gia, dòng vốn FDI đổ dồn vào miền Bắc thời gian qua là bởi vị trí địa lý thuận lợi khi nơi đây tiếp nối với Hành lang kinh tế phía Nam của Trung Quốc, gồm một số vùng nổi bật như Thượng Hải, Hồng Kông, Thâm Quyến, Phúc Kiến và Quảng Đông - vùng kinh tế được chọn làm nơi đặt trụ sở của nhiều ông lớn thế giới trong ngành công nghiệp sản xuất, hóa sinh, thương mại và công nghệ điện tử. Theo ước tính của Cushman & Wakefield, vùng này chiếm hơn 30% tổng GDP Trung Quốc năm 2021, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư và phát triển kinh tế.

Cạnh đó, miền Bắc Việt Nam cũng thuận lợi để kết nối với Hàn Quốc (quốc gia đóng góp 18% nguồn cung vật liệu bán dẫn toàn cầu), hay Đài Loan (nền kinh tế đóng góp 63% nguồn cung vật liệu bán dẫn toàn cầu).

Theo thống kê của Cushman & Wakefield, miền Bắc hiện có 13 tuyến đường cao tốc kết nối các tỉnh phía Bắc với Thủ đô Hà Nội, với tổng chiều dài 895,8 km, là những huyết mạch quan trọng trong hoạt động logistics.

Đặc biệt, miền Bắc sở hữu tuyến đường bộ, đường thủy và đường sắt nối thẳng đến Thâm Quyến - khu vực được xem là thung lũng silicon của Trung Quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng và phân bổ sản xuất trong khu vực. Ngoài ra, thị trường bất động sản công nghiệp miền Bắc cũng đã hình thành từ sớm và khá đa dạng loại tài sản để phục vụ các doanh nghiệp từ Trung Quốc và Đài Loan mở rộng nhà máy.

Chỉ riêng tại Sân bay Nội Bài có 66 hãng hàng không vận tải hàng hóa (air cargo) hoạt động, là con số ấn tượng khi đặt cạnh Singapore - nơi đang có 99 hãng air cargo hoạt động tại sân bay Changi. Năm 2021, khối lượng vận tải hàng hóa theo đường hàng không thông qua sân bay quốc tế Nội Bài đạt 0,7 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với mức 0,2 triệu tấn của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Vì đặc thù về sản phẩm nên những tập đoàn sản xuất các thiết bị công nghệ thường chọn vận tải bằng đường bộ hoặc đường hàng không, thay vì đường biển.

Theo báo cáo quý III/2022 của Cushman & Wakefield, tổng nguồn cung đất công nghiệp toàn miền Bắc đạt 13.600 ha, với giá thuê trung bình mỗi mét vuông trên từng chu kỳ thuê lần lượt tại Hà Nội là 139 USD, Bắc Ninh là 130 USD, Hải Phòng là 121 USD, Vĩnh Phúc là 113 USD, Hưng Yên là 112 USD, Hải Dương là 98 USD và Quảng Ninh là 90 USD.

Thị trường nhà xưởng xây sẵn và nhà kho xây sẵn cũng đón nhận số lượng đầu tư đáng kể khi các chủ đầu tư trong nước đã bắt đầu tham gia phát triển loại hình nhà xưởng hiện đại, khả năng cung ứng các sản phẩm có chất lượng tương đương các chủ đầu tư quốc tế với mức giá cạnh tranh.

Tổng nguồn cung nhà xưởng xây sẵn tại miền Bắc đạt 2,5 triệu m2, với giá thuê 3,5 - 5,7 USD/m2/tháng; nhà kho xây sẵn là 1,8 triệu m2, với giá thuê là 3,5 - 5,6 USD/m2/tháng.

"Với các đặc điểm địa lý thuận lợi, cũng như hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ và hàng loạt chính sách thúc đẩy đầu tư từ Chính phủ, có thể nói, miền Bắc hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để thu hút loạt “ong chúa” đến làm tổ và đóng góp hơn nữa vào GDP Việt Nam”, bà Trang Bùi nhận định.

Áp lực cấp điện

Số liệu tăng trưởng điện thương phẩm của Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) - nơi đang cấp điện cho 27 địa phương từ Quảng Bình trở ra (trừ Hà Nội) cho thấy, tăng trưởng điện thương phẩm tại khu vực này nhiều năm gần đây đều ở mức cao so với cả nước, bất chấp dịch bệnh và kinh tế khó khăn.

Cụ thể, năm 2017, tăng trưởng điện thương phẩm của EVNNPC là 12,11%; năm 2018 tăng trưởng 12,09% và năm 2019 tăng trưởng 9,11%. Trong năm 2020 - 2021, dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng EVNNPC vẫn giữ được mức tăng trưởng điện thương phẩm tương đối tốt với 6,76% (năm 2020) và 9,31% (năm 2021).

Trong 10 tháng của năm 2022, mức tăng trưởng này đạt 6,29% so với cùng kỳ, tiếp tục là đơn vị đứng đầu trong 5 tổng công ty điện lực miền về tổng sản lượng điện thương phẩm.

Theo thống kê, nhu cầu điện miền Bắc chiếm gần 50% toàn quốc và dự báo tăng trưởng cao hơn bình quân cả nước. Tuy nhiên, nhiều năm qua, miền Bắc đã không được bổ sung nhà máy điện mới có số giờ vận hành trong năm cao, đóng vai trò chạy nền cho hệ thống với tổng công suất đủ có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện vẫn đang tăng mạnh.

Bên cạnh đó, việc phát triển điện mặt trời tại khu vực này còn yếu, trong khi đường truyền tải từ miền Nam, miền Trung ra Bắc bị giới hạn, khiến cho thách thức về việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng điện sẽ ngày càng lớn.

Tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh vào các tháng 5-7 là thời điểm nắng nóng cuối mùa khô, công suất khả dụng các nhà máy thủy điện bị suy giảm đã diễn ra trong 2 năm trở lại đây.

Cụ thể, ngày 4/7/2022, hệ thống điện miền Bắc xuất hiện hiện tượng dao động điện áp, ảnh hưởng tới việc cung cấp điện cho một số khách hàng lớn ở phía Bắc. Nguyên nhân ban đầu được xác định do thời tiết nắng nóng, tiêu thụ điện tăng cao, một số tổ máy phát điện bị sự cố đã gây dao động điện áp, sau đó gây gián đoạn trong việc cung cấp điện cho một số khách hàng lớn ở phía Bắc.

Rất may là Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã tích cực phối hợp với các đơn vị vận hành nguồn, lưới điện để khắc phục sự cố và tới 15h00 ngày 4/7/2022, toàn bộ khách hàng bị gián đoạn nguồn cung đã được cấp điện trở lại; hệ thống điện miền Bắc cũng vận hành ổn định.

Trước đó, ngày 21/6/2022, công suất tiêu thụ điện của riêng khu vực miền Bắc đã lập kỷ lục mới, với mức đỉnh là 22.330 MW, cao hơn khoảng 1.400 MW so với đỉnh được lập trong năm 2021. Tuy nhiên, chưa đầy một tháng sau, ngày 18/7, công suất tiêu thụ điện của miền Bắc lại tiếp tục lập đỉnh mới với 22.800 MW.

Đáng nói là, ngày 18/7/2022, một số nguồn phát điện tại khu vực miền Bắc như Cẩm Phả, Thăng Long, Quảng Ninh, Ninh Bình, Mông Dương 2 cũng bị sự cố, với tổng công suất không phát điện được tương ứng khoảng 1.555 MW. Tuy nhiên, cả 2 ngày (21/6/2022 và 18/7/2022) hệ thống điện may mắn không gặp phải thách thức tương tự là mất điện rã lưới tại một số khu vực như ngày 4/7/2022.

Trước đó, ngày 31/5/2021, ngành điện phải tiết giảm 700 MW cung cấp cho miền Bắc trong khoảng thời gian từ 13h đến 14h59, sau đó lại tiết giảm 500 MW từ 20h50 đến 22h48 để chống quá tải lưới điện và điện áp thấp. Ngày 1/6/2021, lại phải tiết giảm phụ tải 1.509 MW vào lúc 11h34 và sau đó tiết giảm bổ sung 500 MW lúc 12h51. Lúc 15h đã khôi phục phụ tải, nhưng đến 20h50, ngành điện lại phải tiết giảm 700 MW; tới 21h35 tiết giảm bổ sung 300 MW và sau 23h mới khôi phục hoàn toàn phụ tải.

Đến nay, việc cung cấp điện cho năm 2022 ở miền Bắc vẫn cơ bản được đảm bảo, tuy nhiên, những năm tới, khi mức độ tiêu thụ điện ở miền Bắc tiếp tục tăng cao như thời gian qua, thì việc đảm bảo cung cấp điện sẽ hết sức khó khăn.

Tin liên quan
Tin khác