Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn sáng 6/6. |
Sáng 6/6, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV bắt đầu 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn đầu tiên.
Theo Chủ tịch Quốc hội, có 99 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, những tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế, xã hội, chính trị các nước trên thế giới có diễn biến nhanh, phức tạp. Hầu hết các nước thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ; lạm phát mặc dù có giảm nhưng vẫn còn cao, các hoạt động kinh tế, nhu cầu tiêu dùng phục hồi chậm.
Thị trường lao động của các nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực.
Trong nước, đại dịch Covid-19 đã để lại hậu quả nặng nề, biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ bão phức tạp, sản xuất, kinh doanh không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, phải thu hẹp thị trường, thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, việc làm…
Dù vậy, ở trong nước vẫn đảm bảo cơ bản các chính sách an sinh xã hội và đời sống nhân dân, triển khai nhanh chóng, kịp thời và có hiệu quả nhiều chính sách xã hội, trong đó có những chính sách chưa từng có tiền lệ.
Hơn 2 năm qua, với Nghị quyết 30 của Quốc hội, đã triển khai 4 chính sách lớn nhằm hỗ trợ người dân, người lao động và người sử dụng lao động trong khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch covid-19 với trên 120.000 tỷ đồng, đã hỗ trợ trên 68 triệu lượt người dân, người lao động và trên 1,4 triệu lượt người sử dụng lao động.
Tuy nhiên khi đối diện với những khó khăn, thách thức rất lớn trong và ngoài nước, sản xuất, kinh doanh cũng đã và đang gặp nhiều khó khăn. Vấn đề đời sống, lao động và việc làm cũng nảy sinh nhiều vấn đề phải đối mặt, một bộ phận người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đối diện với những khó khăn, thách thức, đòi hỏi thời gian tới phải dự báo đúng tình hình, chủ động chuẩn bị và thích ứng trước những tác động và thách thức mới với các vấn đề lao động, việc làm, đào tạo và bảo hiểm xã hội - những vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau với nguyên tắc chung là: “Nhìn xa - Chủ động sớm - Hành động mau lẹ - Ứng xử kịp thời”.
Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) về các chính sách thúc đẩy giáo dục nghề nghiệp liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua Chính phủ đã hoàn thiện cơ cấu, hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Quốc hội đã thông qua 3 luật liên quan đến lĩnh vực này:
Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục và Luật dạy nghề. Quy mô tuyển sinh hiện nay khoảng 2 triệu sinh viên, học sinh học nghề, so với cách đây 5 năm bình quân mỗi năm chỉ khoảng 500 nghìn học sinh, sinh viên, cho thấy có sự tiến bộ rõ rệt.
Hiện nay quy mô tuyển sinh có 2 triệu học sinh, sinh viên học nghề. So với cách đây 5 năm có khoảng 500.000, như vậy là có sự tiến bộ rõ rệt. Trong số 2 triệu này, 25% là trung cấp, trước đây 5-10% là cao đẳng còn hiện nay khoảng 26% là cao đẳng.
Bộ trưởng thẳng thắng nhìn nhận, giáo dục nghề nghiệp cả về quy mô và chất lượng còn nhiều điều cần quan tâm, đổi mới và cải thiện về chính sách pháp luật, chế độ chính sách ưu đãi cho học sinh vào trường nghề chưa nhiều. Ông thừa nhận, muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức trong xã hội.
Đại biểu Đỗ Thị Hà (Bắc Ninh) đặt câu hỏi về quá trình triển khai, thực hiện, đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực và vươn lên nhóm đầu trong khu vực. Bà Hà cho biết, hơn 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ, thị trường lao động đã có cải thiện, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn thấp. tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ chỉ đạt 26%, trong khi nhiều nước đạt 50%; xếp hạng trụ cột kỹ năng và chỉ số chất lượng đào tạo nghề nghiệp cũng nhóm cuối ASEAN.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay: "Khi các nhà đầu tư đến Việt Nam, họ đều đều đặt ra 2 vấn đề, hạ tầng như thế nào và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được không".
Cung cấp thêm thông tin, Bộ trưởng nói, quy mô lao động độ tuổi từ 15 trở lên khoảng 55 triệu người; đến quý I/2023, số người tham gia thị trường lao động từ 15 tuổi trở lên 51,4 triệu người.
Thị trường lao động Việt Nam thời gian qua đã có một bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về cơ cấu, cả về quy mô, cả sự phát triển trong tương lai.Tuy nhiên, lao động kỹ năng còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70% nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay là 26,4% (tính đến quý I/2023), thấp so với các nước phát triển.
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua, chất lượng và hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực đã từng bước được nâng lên, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Kỹ năng nghề của người học được tăng cường, trên 80% người tốt nghiệp đã có việc làm, trong đó 70-75% người tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) uy tín về chất lượng đào tạo, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp có tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp đạt 100%, 85-90% người tốt nghiệp có việc làm đúng ngành, nghề đào tạo.
Tuy nhiên, giáo dục nghề nghiệp chưa gắn chặt với thị trường lao động; quy mô đào tạo còn nhỏ và cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, đặc biệt đối với những lĩnh vực kinh tế mà Việt Nam có thế mạnh.
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội cho biết Bộ sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong hoạt động GDNN. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia GDNN từ khâu tuyển sinh đến đào tạo, đặt hàng đào tạo.
Tăng cường nguồn lực, tăng ngân sách cho GDNN tương xứng với vị trí, vai trò của GDNN, đặc biệt cho phát triển đào tạo chất lượng cao, các ngành nghề trọng điểm, mũi nhọn.