Sức khỏe doanh nghiệp
Nhà sản xuất viên nang Kovir: Lãi khiêm tốn dù biên lợi nhuận gộp đáng mơ ước
Ngọc Linh - 28/07/2021 10:08
Mỗi 100 đồng doanh thu của Sao Thái Dương lại có gần 44 đồng lãi gộp. Nhưng con số lợi nhuận ròng của hãng dược mỹ phẩm này chỉ đạt vài tỷ đồng.

Biên lãi gộp lớn, lợi nhuận lại “bé hạt tiêu”

Từ cơ sở kinh doanh Thái Dương, Công ty cổ phần Sao Thái Dương chính thức thành lập vào năm 2002 với hai nhân sự chủ chốt gồm Dược sĩ Nguyễn Hữu Thắng, người đảm nhận vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật và vợ ông ThS.DS Nguyễn Thị Hương Liên, Phó tổng giám đốc.

Theo cập nhật mới nhất tại Cục Quản lý đăng ký kinh doanh trực (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy mô vốn điều lệ của Sao Thái Dương hồi cuối năm 2018 là 150 tỷ đồng. Doanh nghiệp này có hai chi nhánh trực thuộc gồm Sao Thái Dương chi nhánh Hà Nam và Sao Thái Dương chi nhánh Hà Nội được thành lập lần lượt vào năm 2006 và 2008 cùng một loạt địa điểm kinh doanh trên nhiều tỉnh,  thành phố.

Doanh thu của công ty trong giai đoạn từ 2016-2019 liên tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh và chỉ giảm nhẹ trong năm 2020 vừa qua. Tuy nhiên, lợi nhuận hàng năm của công ty lại khá khiêm tốn.

Một số chỉ tiêu kết quả kinh doanh của CTCP Sao Thái Dương từ năm 2016-2020.

Tại Sao Thái Dương, vào năm 2016, doanh thu của công ty mẹ chỉ đạt 69 tỷ đồng, nhưng đã vọt lên 447 tỷ đồng ở năm  liền sau. Tới năm 2019, quy mô doanh thu cao gấp 1,85 lần, đạt 829 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày thu về 2,27 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.

Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này cũng ở mức “đáng ngưỡng mộ”. Mỗi 100 đồng doanh thu, sau khi trừ đi chi phí tính vào giá vốn sản phẩm (nguyên vật liệu, nhân công, khấu hao máy móc…), Sao Thái Dương giữ được khoảng 30-50 đồng lợi nhuận gộp. Tỷ suất trên khá cao nếu so sánh với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm hay hóa mỹ phẩm đang niêm yết trên sàn.

Tỷ suất lợi nhuận gộp biên năm 2020 (Đvi: %)

Tuy nhiên, sau khi trừ đi các khoản chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp…, lợi nhuận của hãng dược mỹ phẩm này hao hụt đi phần lớn. Năm 2016, Sao Thái Dương lãi vỏn vẹn 160 triệu đồng. Ở năm kinh doanh tốt nhất, lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 7,3 tỷ đồng. Điều này khiến quy mô vốn chủ sở hữu của Sao Thái Dương vẫn chỉ ở mức khá khiêm tốn, hơn 170 tỷ đồng, dù đã qua gần 19 năm hoạt động. Con số này nhỉnh hơn không nhiều so với mức vốn góp của các chủ sở hữu 150 tỷ đồng.

Trong khi đó, tại Sao Thái Dương chi nhánh Hà Nam (cũng là chi nhánh đầu tiên được thành lập của công ty), lợi nhuận sau thuế lại cao gấp hàng chục lần. Chi nhánh này ghi nhận mức lãi ròng lớn nhất vào năm 2018 (131,1 tỷ đồng), trong khi Sao Thái Dương chỉ lãi 6,3 tỷ đồng. Cũng trong năm này, doanh thu của chi nhánh Hà Nam đạt 445 tỷ đồng, còn lợi nhuận gộp xấp xỉ 191 tỷ đồng. Tại công ty mẹ, các chỉ tiêu này lần lượt là 667 tỷ đồng và 253 tỷ đồng.

Việc hạch toán các khoản chi phí bán hàng tại công ty mẹ có thể là nguyên nhân bào mòn lợi nhuận của Sao Thái Dương. Thương hiệu này thường xuyên xuất hiện trên các khung giờ vàng quảng cáo của Đại truyền hình Việt Nam (VTV) hay Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), nhất là ở dòng sản phẩm dầu gội dược liệu.

Nghi vấn quanh sản phẩm viên nang Kovir: Chiến lược giá thiếu khôn ngoan?

Chấp nhận bỏ ra chi phí lớn để tạo dấu ấn tốt, Sao Thái Dương lại được người tiêu dùng biết đến. Hiện doanh nghiệp này đang sở hữu 130 sản phẩm, phủ rộng trong lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và một số loại thuốc như viên nang mềm Kovir, dầu gừng, nước súc miệng…

Theo chia sẻ từ phía công ty, nghiên cứu và phát triển (R&D) sản phẩm được coi là thế mạnh công ty. Nhiều sản phẩm được biết đến kem nghệ Thái Dương, dầu gội Thái Dương, Rocket 1 h...,  nhưng lãnh đạo công ty cũng từng cho biết có những sản phẩm của công ty không có lãi.

Khi dịch Covid-19 xảy ra, hoạt động R&D của Sao Thái Dương trực tiếp hỗ trợ cho các hoạt động chống dịch. Công ty sản xuất thương mại hóa hai bộ kit chẩn đoán Covid-19 mang tên One-Step RT-PCR Covid-19 Kit Thai Duong (2 phiên bản) và RT-LAMP Covid-19 Kit Thai Duong (6 phiên bản) và đóng góp hơn 50.000 kit chẩn đoán vào công tác phòng chống dịch tại Việt Nam từ tháng 8/2020.

Bộ kit test tiếp tục được hãng dược mỹ phẩm này hỗ trợ cho các phòng xét nghiệm lưu động được thiết kế và thi công bởi nhóm nghiên cứu của Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam và Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư này.

Dù đóng góp công sức trong cuộc chiến chống dịch, câu chuyện xung quanh sản phẩm viên nang Kovir đang đặt ra những dấu hỏi về “cái tâm” của người làm nghề và tôn chỉ “Hạnh phúc đến mọi nhà” mà hãng dược mỹ phẩm này đề ra trong khẩu hiệu (slogan) nhiều năm qua.

Viên nang Kovir  là một trong 12 sản phẩm mà công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu mà Bộ Y tế chỉ đích danh. Công văn này đã vô tình tạo ra làn sóng mua tích trữ các sản phẩm thuốc để tự phòng bệnh COVID-19 ở nhà. Chỉ sau hai ngày kể từ thời điểm công bố, Bộ Y tế đã chính thức rút công văn này.

Trong khi sản phẩm viên nang mềm được bán với giá 250.000 đồng/ hộp (3 vỉ  x 15 viên), sản phẩm viên nang cứng vừa được cấp phép ngày 25/6 lại có giá lên tới 1 triệu đồng/hộp (2 vỉ x 15 viên). Việc đặt ra mức giá gấp 6 lần cho sản phẩm đang có nhu cầu cao trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp có lẽ không phải là một chiến lược khôn ngoan đi theo tôn chỉ của công ty. Với mức chênh lệch trên, một giải thích thỏa đáng từ nhà sản xuất là điều cần thiết để giữ uy tín không chỉ cho riêng sản phẩm mà cả thương hiệu nhiều công gầy dựng các năm qua.  

Tin liên quan
Tin khác