Y tế - Sức khỏe
Nhận biết sớm dấu hiệu bất thường trong tâm lý trẻ vị thành niên
D.Ngân - 05/04/2022 18:58
Liên tiếp các vụ việc đau lòng liên quan tới việc học sinh tự tử đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng rối loạn trầm cảm ở trẻ vị thành niên hiện nay.

Ám ảnh thương tâm

Bàng hoàng, đau đớn đến xót xa liên tục ập đến trong khoảng 1 tuần qua khi có danh sách học sinh tự tử được nối dài.

Điều này như một lời cảnh tỉnh với người lớn về việc các bậc phụ huynh cần phải quan tâm con cái mình hơn, không tạo áp lực học hành, biết lắng nghe và chia sẻ với con trẻ. Tuy nhiên, cũng có không ít luồng ý kiến cho rằng, trẻ con hiện nay bị tác động nhiều bởi mạng xã hội và truyền thông.

Rối loạn trầm cảm nếu được can thiệp sớm bệnh nhân sẽ sớm trở về cuộc sống bình thường. Nếu trẻ không được can thiệp điều trị sớm sẽ rất thiệt thòi, nguy hiểm tới tính mạng.

Chia sẻ về tình trạng học sinh tìm tới các biện pháp cực đoan, bác sĩ Ngô Anh Vinh, Phó trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, vừa qua cơ sở đã tiếp nhận bệnh nhân vì bị mẹ đánh nên đã uống thuốc tự tử.

Theo lời người nhà, từ nhỏ bé đã có tính tự lập. Trong thời gian dịch Covid-19, trẻ ở nhà sử dụng điện thoại quá nhiều. Khi mẹ cháu phát hiện đã ngăn cấm, thu điện thoại, cháu phản ứng bằng cách đòi bỏ nhà ra đi. 

Lần sau cháu tiếp tục sử dụng điện thoại, mẹ phát hiện đã đánh con. Không ngờ trong cơn tức giận, cháu đã uống 20 viên paracetamol, 1 vỉ kháng sinh (thuốc có sẵn trong nhà) nhằm tự tử.

Khi thấy biểu hiện bất thường của con, gia đình đã đưa đến bệnh viện tuyến dưới rửa dạ dày, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Nhờ phát hiện và cấp cứu kịp thời, bé đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Không may mắn như nữ học sinh kia, trường hợp tự tử mới đây của nam học sinh 12 tuổi lại có kết cục đau lòng. Cậu bé cũng bị mẹ phát hiện hay chơi điện tử. 

Do bố đi công tác dài ngày ở nước ngoài, mẹ bận nên để giám sát con chị đã lắp camera trong phòng. Điều này đã gây nên sự khó chịu và cậu bé tâm sự với bạn rằng không thích điều đó. 

Trước lúc tự sát, cậu đã nhắn lên nhóm bạn bè bán “con game” mà cậu yêu thích cho các bạn như một lời “tạm biệt”. 

Tuy nhiên, sự bất thường đó lại không được ai phát hiện. Hôm sau, trong lúc đi tắm, thấy con mãi không ra, gọi không trả lời, mẹ phá cửa vào thì cậu bé đã tím tái, ngừng thở do thắt cổ bằng khăn quàng.

Và còn vô số chuyện đau lòng khác xảy ra ngày càng nhiều ở các tỉnh, thành trong những năm gần đây, mà các nạn nhân đều đang ở lứa tuổi vị thành niên.

Vì đâu nên nỗi?

Nhiều nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam đã cho thấy, hầu hết các vụ tự tử ở độ tuổi này là kết quả của sự tích tụ lâu dài các vấn đề sức khỏe tâm thần. 

Theo đó, tuổi vị thành niên là giai đoạn phát triển đặc biệt trong cuộc đời mỗi người, ai cũng sẽ trải qua những thay đổi lớn về tâm sinh lý.

Và trong khi còn chưa trưởng thành, họ chịu sức ép rất lớn về việc học tập ở trường, sức ép đáp ứng các kỳ vọng của cha mẹ, sức ép từ bạn bè, xã hội, kể cả các sức ép tiêu cực trong thế giới thực và thế giới ảo.

Trẻ vị thành niên phải đưa ra các quyết định đó trong bối cảnh còn thiếu kinh nghiệm sống, thiếu kiến thức, thiếu nguồn lực, thiếu cả quyền uy trong gia đình; nghĩa là họ thiếu tất cả các yếu tố quan trọng để đảm bảo tính đúng đắn của các quyết định quan trọng. Đây là những thách thức rất lớn, tác động đến sức khỏe thể chất và tâm thần vị thành niên. 

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cuộc sống của mọi người, đặc biệt là người trẻ bị đảo lộn nghiêm trọng. 

Việc học tập phải chuyển lên mạng, trường học đóng cửa dài ngày, các em phải ở nhà, bị hạn chế vận động và tiếp xúc xã hội trong suốt thời gian dài, điều đó đã làm trầm trọng thêm các nguy cơ về sức khỏe tâm thần. 

Theo một công bố gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm đầu tiên của đại dịch Covid-19, tỷ lệ lo âu và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25%. 

CDC Mỹ cũng vừa công bố kết quả một nghiên cứu về đối tượng học sinh lớp 9-12, với cỡ mẫu khoảng 7.705 em, cho thấy trong 12 tháng trước điều tra, có đến 44,2% em có cảm giác buồn chán, tuyệt vọng gần như mỗi ngày và kéo dài ít nhất 2 tuần khiến họ không thể hoạt động bình thường; 19,9% học sinh từng nghĩ đến tự tử; 9% đã có hành động tự tử. 

Tương tự, một nghiên cứu mới đây ở Việt Nam với cỡ mẫu gần 5.000 học sinh tiểu học và THCS cho thấy, 65,1% học sinh có biểu hiện stress theo nhiều mức độ khác nhau. 

Trong số này, có 32,9% học sinh ở tình trạng stress nặng và rất nặng; 23,2% đã nghĩ tới việc tự tử... Đây là những con số đáng báo động về sức khỏe tâm thần vị thành niên nói chung và sức khỏe tâm thần vị thành niên trong thời gian dịch bệnh Covid-19 nói riêng.

Năm 2019, Bệnh viện Nhi Trung ương có tiến hành một cuộc khảo sát với 834 học sinh tại Hà Nội và 726 học sinh tại Hưng Yên cho thấy tỷ lệ trầm cảm ở Hà Nội là 31,3% và Hưng Yên là 18,6%; tỷ lệ lo âu tại Hà Nội là 42,6% và Hưng Yên là 36,5%; tỷ lệ trẻ stress tại Hà Nội là 38,8% và Hưng Yên là 21,8%. 

Còn tại cuộc khảo sát năm 2020 xác định tỷ lệ và mức độ một số rối loạn tâm thần ở học sinh THCS tại Hà Nội với 1.111 học sinh ở 2 trường THCS của Khoa Sức khỏe vị thành niên cho thấy, tỷ lệ trầm cảm là 26,1%, stress là 33% và lo âu 38%. 

Theo đại diện Khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương, qua khai thác từ các trẻ vị thành niên, các bác sĩ mới nhận ra rất nhiều điều bất ổn như stress, sang chấn tâm lý từ chính môi trường học tập và cuộc sống gia đình của các em. 

Hầu hết các ca đến khám tại khoa đều ở trong tình trạng đã có các rối loạn tâm lý vừa và nặng, rất ít ca nhẹ. Chính vì phụ huynh thấy không nhận diện vấn đề gì nên không đến viện sớm để được can thiệp kịp thời. Trẻ bị ức chế, dồn nén dẫn đến giọt nước tràn ly và chọn giải pháp tiêu cực, kết thúc cuộc sống của mình.

Chưa kể, theo vị này, trong quá trình làm việc, cách bố mẹ hỗ trợ con hàng ngày chưa phù hợp với lứa tuổi. Bố mẹ đều thương con nhưng phương pháp làm chưa phù hợp với tuổi vị thành niên, dẫn đến hiệu quả ngược lại, gây ức chế, bức xúc với con. 

Tuổi vị thành niên có rất nhiều thay đổi về tâm lý, các cháu đang muốn khẳng định sự độc lập của mình, muốn có xu hướng tách rời khỏi bố mẹ, muốn thể hiện năng lực của bản thân nên cần chăm sóc phù hợp với thay đổi tâm lý của lứa tuổi. Nếu cha mẹ không thấu hiểu sẽ rất dễ mâu thuẫn.

Cũng theo bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, ở các khu đô thị lớn, tỷ lệ rối loạn tâm lý có vẻ có xu hướng cao hơn ở tỉnh, thành khác. Trẻ nữ tỷ lệ lo âu trầm cảm, sang chấn tâm lý cao hơn so với trẻ nam. Trẻ trong gia đình có mâu thuẫn, tỷ lệ rối loạn cao hơn so với các em trong gia đình có sự hòa hợp

Dấu hiệu nhận biết

Qua thực tế điều trị, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết, hầu hết trẻ chỉ được can thiệp khi trầm cảm đã nặng, thậm chí có tìm đến cái chết gia đình mới bàng hoàng nhận ra con mình có vấn đề.

Chuyên gia này cho biết, có những dấu hiệu đơn giản để cha mẹ nhận ra con mình có dấu hiệu bị trầm cảm hay không.

Đầu tiên là rối loạn giấc ngủ. Trẻ có thể ngủ ít hoặc ngủ nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, 80% các trường hợp trẻ trầm cảm mất ngủ.

Bên cạnh đó, trẻ sẽ ngại giao tiếp, thu mình ít tham gia vào các hoạt động trong gia đình. Một số trẻ có thể trên lớp bình thường nhưng về nhà thì lại cáu gắt, hay cãi bố mẹ.

Có trẻ ăn uống kém, mệt mỏi không có sức lực, buồn chán, mất phương hướng. Nhiều trẻ có kết quả học tập sa sút, khó tập trung trong học hành. Một số trẻ có chứng rối loạn dạ dày ruột, một số trẻ sẽ có triệu chứng cơ thể như đau lưng, đau vai gáy.

“Rối loạn trầm cảm ở mức độ nặng, trẻ sẽ có những suy nghĩ bất mãn, tiêu cực, tự trách bản thân và thường có ý định tự sát. Đa phần trẻ đến khám đều ở mức nghiêm trọng nên việc điều trị kéo dài, khó khăn hơn”, bác sĩ Thu cho biết.

Ý kiến của GS.Cao Đức Tiến, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, nhấn mạnh, trẻ từ 10 tuổi trở đi bố mẹ, người chăm sóc cần phải để ý những dấu hiệu bất thường để có thể phát hiện ra trẻ nhỏ có ý định hoặc hành vi tự sát sớm. 

Sự thấu hiểu, bao dung của cha mẹ rất quan trọng vì lứa tuổi vị thành niên nhân cách chưa hoàn thiện, dễ phát sinh ý nghĩ tiêu cực. 

Bố mẹ nên cân nhắc và tìm những từ ngữ phù hợp để dạy bảo cho con đúng sai, không nên quá kỳ vọng gây ra những áp lực tâm lý không đáng có cho con.

Đặc biệt, sau đại dịch, có nhiều yếu tố tác động như trẻ học online, không được giao tiếp xã hội, trẻ dễ bị tác động cảm xúc vì thế cần phải hết sức lưu ý quan tâm tới con trẻ. 

“Chỉ có sự yêu thương gần gũi, dành đủ thời gian cho con chính là cách giúp cho cha mẹ phát hiện ra những bất thường và hành vi tự sát của trẻ”, chuyên gia nhấn mạnh.

Đưa ra cảnh báo với cha mẹ đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, bố mẹ cần hiểu sự thay đổi của trẻ vị thành niên. Sở dĩ như vậy là do ở lứa tuổi này, trẻ rất nhạy cảm trước tác động của môi trường bên ngoài. 

Vậy nên, trong quá trình dạy con, không được mắng con bởi nhiều đứa trẻ thấy bị xúc phạm, cô lập ở trong chính ngôi nhà của mình khi bị bố mẹ mắng. 

Chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo mỗi bậc phụ huynh hãy là bạn thật sự của con, luôn lắng nghe con tâm sự, chia sẻ, từ đó, mới có thể thấu hiểu, hướng dẫn cho con đi đúng hướng nhất.

Nhằm phát hiện sớm trẻ có rối loạn tâm lý, hành vi theo bác sĩ Hồng Thu, khi trẻ có các triệu chứng trên nếu kéo dài trên 2 tuần thì cần phải đi khám sớm, vì nếu bình thường, trẻ có buồn chán mấy, bất mãn tới bố mẹ tới đâu cũng nhanh chóng qua đi chứ không kéo dài.

Rối loạn trầm cảm nếu được can thiệp sớm bệnh nhân sẽ sớm trở về cuộc sống bình thường. Nếu trẻ không được can thiệp điều trị sớm sẽ rất thiệt thòi, nguy hiểm tới tính mạng.

Bác sĩ Hồng Thu lưu ý thêm, tất cả mọi người cần phải coi trọng sức khỏe tâm thần ngang hàng so với sức khỏe thể chất.

“Khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần thì cũng nên sẵn sàng điều trị như các bệnh lý cơ thể khác, tránh để khi xảy ra hậu quả đáng tiếc mới hối hận”, đại diện Bệnh viện Tâm thần Mai Hương nêu.

Tin liên quan
Tin khác